Lễ khai mạc SEA Games 32 đầy màu sắc, hoành tráng và ấn tượng
Vào tối ngày 5/5, nước chủ nhà Campuchia đã tổ chức lễ khai mạc SEA Games 32 mang đậm chất Khmer và ấn tượng bậc nhất trong lịch sử các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, không thua kém với tầm vóc Thế vận hội Olympic.
Lễ khai mạc SEA Games 32 lung linh sắc màu
Sau màn đếm ngược, lễ khai mạc SEA Games 32 chính thức được bắt đầu cùng màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời sân Morodok Techo có sức chứa 6 vạn chỗ ngồi.
Tiếp theo đó là lễ thượng cờ của Campuchia - nước chủ nhà của kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 32.
Tới dự lễ khai mạc SEA Games 32 có Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế và một số nhà lãnh đạo các quốc gia trong khu vực ASEAN. Phía Việt Nam, tham dự lễ khai mạc là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Lễ khai mạc SEA Games 32 gồm 3 chương, với chương 1 là "Sự huy hoàng của Angkor", chương 2 là "Nụ cười người Khmer" và chương cuối là "Tương lai của người Khmer". Đây chính là tâm điểm của lễ khai mạc bởi màn trình diễn được dàn dựng công phu và vô cùng ấn tượng, mang đến cho những người chứng kiến và khán giả truyền hình nhiều cảm xúc.
Sau đó là phần diễu hành của 11 đoàn thể thao đến từ 11 quốc gia trong khối ASEAN. Bài hát chính thức của SEA Games 32 "Tự hào Campuchia" vang lên chào đón các đoàn thể thao tới Campuchia. Người cầm cờ cho đoàn Việt Nam là VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng.
Tiếp sau đó, lá cờ SEA Games và lá cờ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á được những VĐV nổi tiếng của Campuchia rước ra sân chuẩn bị cho lễ thượng cờ.
Sau lễ thượng cờ SEA Games và cờ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, VĐV của nước chủ nhà đại diện cho 6.210 VĐV tuyên thệ. Tiếp đến là đại diện cho lực lượng trọng tài - những người cầm cân nảy mực tuyên thệ.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen tuyên bố SEA Games 32 chính thức được bắt đầu, cùng với đó là loạt pháo hoa được bắn lên bầu trời SVĐ Morodok Techo.
Vào ngày mai (6/5), ngày thi đấu chính thức của SEA Games 32 sẽ diễn ra.
Kịch bản được giữ kín tới phút chót
Cho tới thời điểm khai mạc, rất ít người có manh mối về việc làm thế nào để có thể xuất hiện trên khán đài Sân vận động Quốc gia Morodok Techo vào tối nay. Tổng thư ký CAMSOC Vath Chamroeun chia sẻ khiến cho tất cả phải tò mò: “Hai yếu tố tạo nên kỳ SEA Games 32 thành công chính là Lễ khai mạc và các địa điểm thi đấu chất lượng kỹ thuật cao. Với Lễ khai mạc, chúng ta phải tổ chức hoành tráng chưa từng có và đạt tầm Olympic, chứ không phải tầm khu vực như các nước khác đã làm”.
Đền Angkor Wat, cung điện, gùi lúa, các cửa tiệm… được tái hiện sống động nhằm mô phỏng lịch sử, văn hóa lâu đời và đáng tự hào của Campuchia, từ khởi nguyên đến Đế chế Angkor và hiện tại, một đất nước đang phát triển rất nhanh. Đồng thời, giới thiệu với thế giới về xứ sở chùa tháp đáng tin cậy, thân thiện và hào phóng, sẵn sàng chào đón tất cả.
Chỉ có một số ít vé thuộc về người hâm mộ đăng ký sớm, còn lại dành cho khách mời và những người được Ban tổ chức sắp xếp trên khán đài nhằm phục vụ đồng diễn. Đích thân Thủ tướng Campuchia Hun Sen gửi tin nhắn thoại giải thích về vấn đề này. Ông nói: “Sân Morodok Techo chỉ có sức chứa tối đa 70.000 người, trong khi lượng đăng ký lên đến nửa triệu. Chúng tôi muốn tất cả cùng tham gia, nhưng lực bất tòng tâm. Mong đồng bào thông cảm”.
Với một số may mắn có vé, họ được khuyến cáo “bắt buộc phải đi, hoặc tặng lại người khác”. Còn những người không có cơ hội góp mặt trên sân có thể xem trực tiếp thông qua các điểm phát sóng công cộng. Campuchia đã bố trí 63 địa điểm trình chiếu tại 9 tỉnh, thành phố với mục đích đưa SEA Games 32 về tận thôn, xã, tiếp cận đông đảo người dân nhất có thể.
Campuchia muốn quảng bá hình ảnh đất nước thông qua SEA Games 32 và Lễ khai mạc chính là điểm nhấn quan trọng. Thậm chí, theo tờ AMS, Lễ khai mạc là một trong ba kỳ tích của xứ Chùa Tháp ở kỳ Đại hội lần đầu đăng cai, bên cạnh Làng thể thao Keila và quyết định miễn phí bản quyền phát sóng, miễn phí ăn ở của các đoàn thể thao và miễn phí vé vào cửa các môn thi đấu.