Lễ tang Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra dưới hình thức Tâm tang - khóa tu im lặng
Đám tang thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra dưới hình thức Khóa tu im lặng, hay Tâm tang, theo di huấn của thiền sư.
Sáng nay, sau thông báo về sự viên tịch của thiền sư Thích Nhất Hạnh, trang web của Làng Mai vừa thông báo di huấn của Thiền sư. Theo đó, các nhà sư tại Tổ đình Từ Hiếu và tăng thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang.
“Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng... Theo di huấn của Thiền Sư, chúng con kính xin thông báo để Chư Tôn thiền đức và quý vị thân hữu, thiền sinh và Phật tử cư sĩ các giới khắp nơi trên thế giới được liễu tri và đồng hộ niệm cho Lễ Tâm Tang được trang nghiêm thanh tịnh. Chúng tôi xin quý vị hoan hỷ miễn các phúng điếu vòng hoa, trướng liễn”, trong thông báo di huấn, đạo tràng Làng Mai chia sẻ.
Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi của thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp.
Sáng ngày hôm nay, sau khi hay tin Thiền sư viên tịch, đã có rất nhiều Phật tử, người dân đến thắp nhang cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu - Huế.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay còn được gọi với cái tên thương kính Sư Ông Làng Mai, là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình.
Thầy là người bạn thân thiết của Mục sư Martin Luther King, và Mục sư từng gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI.