Lễ trao giải cuộc thi viết 'Sự hy sinh thầm lặng'
Tối 26/2, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết 'Sự hy sinh thầm lặng' lần VI.
Tối 26/2, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và động viên, chỉ đạo đội ngũ y bác sĩ nhân dịp 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành trung ương, địa phương.
Sự kiện do Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chương trình điểm lại những thành tựu nổi bật, những sự kiện tiêu biểu nhất và cả những khó khăn của ngành y tế trong năm qua, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ưu tiên, chăm lo cho công tác y tế, đã cùng toàn dân, toàn hệ thống chính trị và ngành y tế đưa ra những chủ trương lớn. Qua đó, tháo gỡ vướng mắc cơ chế, thúc đẩy y tế Việt Nam phát triển bền vững và mạnh mẽ.
Bày tỏ sự tin tưởng với đội ngũ thầy thuốc Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: “69 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý “chữa bệnh, cứu người”.
Là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành, góp phần nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam.
Qua đó, ngành đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và đang vững vàng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Được phát động từ tháng 2/2023, cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” nhằm tôn vinh các tấm gương, sự hy sinh của các thầy thuốc, nhân viên y tế ở mọi miền đất nước trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm dự thi từ các tác giả khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả, nhận được sự đồng cảm, quan tâm của xã hội.
Nhiều tác phẩm thể hiện góc nhìn mới với những câu chuyện cảm động từ chính cuộc đời làm nghề của các y, bác sĩ. Họ là những người đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm, tận lực để cứu người.
Ban tổ chức đã chọn và trao giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất, gồm 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 6 giải Khuyến khích. Trong đó, giải Đặc biệt có giá trị cao nhất từ trước đến nay, lên tới 80 triệu đồng.
Giải Đặc biệt được trao cho tác giả Ngô Anh Văn - Báo Sức khỏe và Đời sống với tác phẩm “Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh.” Giải Nhất thuộc về tác giả Phương Thoa đến từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương với phóng sự “Hành trình nghiên cứu vắc-xin.”
Hai giải Nhì thuộc về tác giả Nguyễn Quỳnh (Báo điện tử Dân Việt) với tác phẩm “Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ” và tác giả Vũ Kim Vân (Thành phố Hồ Chí Minh) với tác phẩm “Cựu điệp viên tình báo A10 về già không muốn thảnh thơi".
Giải Ba được trao cho nhóm tác giả Hà Hải Yến - Nguyễn Thị Minh Thảo (Báo Điện Biên Phủ) với loạt bài “Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc," tác giả Hoàng Nữ Thái Bình (đến từ Hà Nội) với tác phẩm “Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau ung thư và những dấu ấn trên dấu mốc trăm năm,” tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung (Tạp chí Lao động và Công đoàn) với tác phẩm “Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ 1 vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới,” nhóm tác giả Trần Đức Duy - Vi Văn Bình (Hà Nội) với phóng sự “Bảo mẫu ‘Lân tâm thần," tác giả Hà Văn Đạo (Khánh Hòa) với tác phẩm “Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong.”