Lên Ba Lòng, theo dòng sự kiện…
Khi nhận được thông tin vào ngày 6/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 49/QĐTTg, công nhận xã Ba Lòng, huyện Đakrông là xã An toàn khu của trung ương đặt tại Quảng Trị, ký ức về những ngày làm báo gắn bó với vùng đất này lại hiện lên nguyên vẹn trong tôi, tính vuông tròn cũng đã ngót ba mươi năm qua rồi. Là người viết báo, nhớ lại và suy nghĩ thì cũng là cách thể hiện lòng tri ân về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi mảnh đất đầu nguồn Thạch Hãn; góp phần tôn vinh những đóng góp lớn lao của chiến khu Ba Lòng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Không phải ngẫu nhiên, mảnh đất Ba Lòng luôn gắn chặt với nguồn Hàn. Sông Thạch Hãn dài gần 150 cây số, bắt nguồn từ vùng núi Trường Sơn ở phía Tây Nam. Trên hành trình khá dài xuôi về Biển Đông, Thạch Hãn nhận thêm nước từ nhiều khe suối lớn như khe Rôn, khe Tà Lụ, khe Trái… trong đó có khe Ba Lòng, một nhánh chủ lưu góp vào dòng sông chính.
Thời xa xưa, ở thượng nguồn phía Ba Lòng, đáy sông lắm đá cuội, ít đất bồi nên nổi tiếng trong xanh. Độ trong của nước Thạch Hãn, đối với Nhân dân miền Tây Quảng Trị là biểu hiện tình thủy chung sắt son và với đồng bào phía hạ nguồn là lòng kính ngưỡng về sự trong sạch của tâm hồn quê hương. Từ đó, khởi phát lưu truyền trong dân gian câu ca dao gói ghém niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của vùng đất địa linh nhân kiệt:
Không thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Ba Lòng vừa là chiến khu của Quảng Trị vừa là chiếc nôi văn nghệ. Những con đò lên Ba Lòng, ngược xuôi sông Thạch Hãn, đêm đêm đưa cán bộ, vận chuyển hậu cần cho kháng chiến đã trở nên quen thuộc với những người lính, người dân Trị Thiên. Nhắc đến Lương An, ai cũng biết ông là tác giả của bài thơ “Cô lái đò” nổi tiếng của thời kháng chiến ở mảnh đất Quảng Trị quê ông. Ai đã từng ở chiến khu Ba Lòng một thời đều nhớ đến bài thơ bởi vì nó như một kỷ niệm khó quên về con người và vùng đất một thời khói lửa.
Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ qua vùng chiến khu
Trong biên niên sử của nền văn học - nghệ thuật Quảng Trị đã đóng một mốc son: ngày 5/5/1949 tại chiến khu Ba Lòng, các văn nghệ sĩ hàng đầu của Quảng Trị như Lương An,Vĩnh Mai, Dương Tường, Tân Trà, Trần Quốc Tiến, Trường Sinh, Hồng Chương... cùng với Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư từ Khu 4 vào để lập nên Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn nổi tiếng. Từ thuở đó, nhiều người đã gọi Ba Lòng là mảnh đất anh hùng và thi sĩ là có căn nguyên như thế.
Hồi mới lập lại tỉnh Quảng Trị (tháng 7/1989) chúng tôi đã có dịp lên Ba Lòng. Thuyền máy từ thị xã Quảng Trị lướt trên sông Thạch Hãn, chẳng mấy chốc, trước mắt chúng tôi, núi non kỳ vĩ hiện ra. Những dãy đồi san sát gối lên nhau, kề bên chân núi là một thung lũng rộng dài màu mỡ kéo ra tận mép sông Ba Lòng. Bắp, lạc, đậu xanh dệt nên một màu xanh ngút tầm mắt người. Nhà cửa, ruộng vườn người dân Ba Lòng nằm trộn lẫn giữa vườn cây tươi tốt.
Hồi đó, bên bếp lửa khi trời đã ngã về khuya, một cựu trung đội trưởng dân quân thời kháng Pháp đã kể cho chúng tôi nghe những khúc sử thi về vùng đất này. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, thì ra phần đông người dân ở Ba Lòng có gốc gác từ những miền quê ở vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng, do chịu không nổi chế độ hà khắc của địa chủ, phong kiến đành phải ly hương ngược dòng Thạch Hãn lên Ba Lòng sinh cơ, lập nghiệp.
Chính vì thế, mỗi một con người nơi đây đều mang trong mình bản lĩnh gan góc, kiên cường, cần cù, chịu khó, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, đồng tâm, hợp lực, chống chọi với thú dữ nơi rừng thiêng nước độc, thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù hung hãn để sinh tồn.
Ký ức của những bậc cao niên ở Ba Lòng vẫn còn lưu nhớ và kể lại tường tận cho đời sau biết rằng, vào mùa Thu tháng Tám năm 1945, chưa bao giờ người dân nơi thung lũng Ba Lòng lại có được niềm vui như thế. Đêm 22/8, cả vùng náo nức, rộn rã, không khí khẩn trương, tất bật. Người người chuẩn bị gươm giáo, gậy gộc, chờ lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa.
Đêm 23/8, cả núi rừng như bừng thức sau bao năm dài tăm tối bởi hàng vạn ánh đuốc lồ ô soi tỏa cả một vùng; tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống, tiếng bước chân rầm rập, tiếng thét xung thiên của những người dân nhất tề vùng dậy giành chính quyền về tay mình. Rồi chín năm kháng chiến chống Pháp, cả Ba Lòng như một vùng quê góp mặt dân trăm miền.
Dân công, bộ đội, cán bộ cách mạng dồn về đây tập kết dựng nhà, dựng công sở, khai hoang, trồng lúa, trỉa bắp, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích cực rèn cán, chỉnh quân. Đêm ở Ba Lòng luôn lập lòe ánh đuốc của các lớp bình dân học vụ cấp tốc, của chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Tiếng loa hòa trong tiếng hát truyền đi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thúc giục người dân chăm lo sản xuất, đánh giặc thắng lợi:
Lúa vàng em gặt bằng liềm
Thực dân em giết bằng viên đạn đồng
Rồi nữa, khí thế: “Ruộng rẫy là chiến trường; cuốc cày là vũ khí; nhà nông là chiến sĩ; hậu phương thi đua với tiền phương” còn thể hiện rất rõ qua những câu ca chất phác vang vọng vào những vụ mùa:
Nhân dân sản xuất đông xuân
Khác nào bộ đội ra quân diệt thù
“Ngày ấy, điều kiện kháng chiến vất vả, khổ cực nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Ba Lòng phong phú lắm. Bên cạnh cơ quan đầu não của tỉnh còn có hàng chục cơ quan khác, có bệnh viện, trường học, phân xưởng sửa chữa vũ khí, có hệ thống loa phóng thanh, đội văn nghệ quần chúng…”, nhiều người dân nhớ lại.
Như lời những bậc cao niên kể, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa danh Ba Lòng đã gắn liền với những chiến công oanh liệt, vẻ vang của quân và dân Quảng Trị. Ba Lòng có vị trí chiến lược quan trọng với địa hình đặc biệt, nằm nơi thế núi, thế sông hiểm trở được bao học giữa thiên nhiên hùng vĩ và lòng dân kiên trung với Đảng, với cách mạng.
Bên cạnh ưu thế “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, Ba Lòng có lợi thế hết sức quan trọng đó là đất đai trong khu vực thung lũng rất màu mỡ, rừng có nhiều lâm thổ sản hội đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất lương thực đảm bảo tự cấp, tự túc cho lực lượng kháng chiến trong điều kiện bị bao vây, bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Ngày 14/4/1947, Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định thành lập chiến khu Ba Lòng. Chiến khu Ba Lòng ra đời trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nơi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị đặt trụ sở.
Tại Ba Lòng, mọi chủ trương, đường lối, mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đã được quán triệt và vận dụng phù hợp với chiến trường Quảng Trị. Từ đây các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi tại chiến trường Quảng Trị.
Tại Khe Su, Ba Lòng vinh dự là nơi từng diễn ra nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị; thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và Nhân dân Quảng Trị thực hiện trường kỳ đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; là nơi Trung đoàn Bộ binh 6 và Quân đoàn 2 chính thức thành lập. Ngay sau khi thành lập Trung đoàn 6 và Quân đoàn 2 đã bước vào cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, liên tiếp lập công và không ngừng lớn mạnh.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có lần kể về những cảm xúc dẫn anh viết nên những dòng đầu bài thơ “Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh” nổi tiếng một thời: “Lại men theo suối mà đi. Vẫn lặng tiếng mà đi. Đêm ập xuống nhanh nhưng tôi vẫn kịp nhận ra màu cát lờ mờ. Vậy là từ suối ra sông rồi. Tôi không nín nhịn được nữa. Tôi kéo vai cô giao liên vào gần. Tôi ghé vào tai cô: “Sông à”. Cô gái gật đầu. Tôi áp môi gần nữa vào vành tai ấm: “Sông chi?” “Sông Ba Lòng”. Có vậy. Rồi mùi tóc trộn mồ hôi, mùi nắng khét, mùi trắng trinh hơi thở cuộn sóng vào tôi như sông lam lũ khúc Ba Lòng…”.
Sông Ba Lòng ơi!
Ta muốn áp tai nghe
Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở
Ta cúi hôn từng cụm lá chua me
Chung thủy với cha ta mười năm gian khổ…
Rồi nhà thơ quả quyết trong một bút ký cảm động: “Mùa bắp ở Ba Lòng”: “Cả vùng núi dựng và sông sâu là đất anh hùng. Cả cây mít, cây tiêu bên Cùa, cả vạt rau, vườn quả bên Đá Nổi là đất anh hùng. Tôi đến có một mùa, ở một mùa rồi biền biệt đi xa. Tôi cũng thơm lây phẩm chất vinh quang này. Bởi sự hình thành nên một lớp thuộc thế hệ chúng tôi có hương vị và dinh dưỡng mùa bắp ở Ba Lòng…”.
Ngày đất nước hòa bình, bước ra khỏi cuộc chiến tranh, người và đất Ba Lòng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Sự cách trở về giao thông là một trong những trở ngại lớn nhất khiến Ba Lòng khó hội nhập với bên ngoài. Một anh cán bộ đi công tác hết 3.000 - 4.000 đồng (thời điểm năm 1989-1990) tiền cước đò cả đi lẫn về, chưa nói phải chờ đợi, phải nghỉ lại đêm.
Khi người dân đau ốm, đi Bệnh viện Triệu Hải thì còn cực hơn nữa, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Đồng ruộng, nương rẫy màu mỡ, dễ canh tác nhưng làm ăn chỉ nhờ trời, khi mưa thuận gió hòa thì có lương thực, thực phẩm dồi dào, còn lũ lụt thì trắng tay, mà lũ lụt ở Ba Lòng thì xảy ra thường xuyên.
Sự đổi thay của người dân Ba Lòng được đánh dấu bởi sự kiện có điện thắp sáng từ năm 2000. Với số vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng, điện đã về đến từng nhà người dân. Còn nhớ vào đầu năm 2000, chúng tôi có mặt trong ngày Ba Lòng đón dòng điện về quê hương. Có lẽ đã lâu rồi, chiến khu xưa Ba Lòng lại đông vui rộn ràng như thế.
Từ Xuân Lâm, Na Nẫm (Triệu Nguyên) sang Cây Chanh, Đá Nổi (Ba Lòng), ở đâu cũng tươi thắm cờ hoa, rạo rực lòng người. Đây chính là sự ưu ái đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng chiến khu xưa. Dòng điện sáng lên đúng vào dịp mùa xuân đang về gõ cửa mọi nhà, rạng ngời thêm niềm tin yêu, hy vọng của người dân Ba Lòng một lòng chung thủy, sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng.
Sau khi có điện, nhiều niềm vui cũng đã đến với người dân vùng chiến khu xưa. Đó là vào đầu năm 2000, chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường đã triển khai cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho trên 80% dân số toàn xã. Rồi nhà nước đầu tư xây dựng chiếc cầu bắc qua sông Ba Lòng, được khánh thành, đưa vào sử dụng trong dịp Quốc khánh 2/9/2005.
Cùng với chiếc cầu, một con đường dài 12 km, nối từ Km 41 của Quốc lộ 9 chạy vào bờ Bắc cầu Ba Lòng được trải nhựa. Từ bờ Nam của cầu Ba Lòng, là một con đường rộng 10 m để ô tô về đến trung tâm xã. Cơ sở hạ tầng ở Ba Lòng ngày càng được đầu tư, đáp ứng mong đợi của Nhân dân. Một con số gây ấn tượng nhất đối với những người nặng lòng với Ba Lòng, đó là tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 9,94%.
Về Ba Lòng hôm nay, theo dòng sự kiện dịp Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 49/QĐ-TTg, công nhận xã Ba Lòng, huyện Đakrông là xã An toàn khu của trung ương đặt tại Quảng Trị, chúng tôi chợt nhận ra nơi thung lũng mỡ màu nằm cạnh dòng sông xanh mát, màu xanh của lạc, bắp, đậu xanh đang khỏa lấp dấu tích của chiến tranh xưa và sự tàn phá của lũ lụt vài năm trước.
Chuỗi ký ức từ một vùng chiến khu bất khuất đến thung lũng no ấm lại hiện về tươi rói. Tương lai đang mở ra trước mắt với biết bao tin tưởng và hy vọng đang chờ đất và người vùng chiến khu kiên trung Ba Lòng viết tiếp những trang sử mới trên quê hương mình...
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/len-ba-long-theo-dong-su-/177795.htm