Lên đỉnh Giăng Màn mở rạp chiếu phim lưu động cho bà con người Chứt
Mặt trời khuất sau dãy Giăng Màn, đồng bào người Chứt ở bản Lòm trên tay cầm đèn pin kéo về điểm chiếu phim. Trong sự tĩnh mịch của đại ngàn, một vùng đất ven suối lại trở nên náo nhiệt.
Bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nằm ở vùng thượng nguồn sông Gianh, cuối con đường độc đạo dẫn từ QL 12A đến sát biên giới Việt - Lào. Con đường ấy vắt ngang dãy Giăng Màn, kết nối nhiều bản làng người Chứt ở xã Trọng Hóa.
Thật khó để đếm trên con đường dài dằng dặc vào bản Lòm có bao nhiêu dốc, bao nhiêu ngầm tràn hay những đoạn cua tay áo một bên vách núi, một bên vực sâu. Để đến bản Lòm phải đi qua 6 bản người Khùa, người Mày (dân tộc Chứt). Bản có gần 90 hộ đồng bào Chứt quần tụ cạnh con suối. Bao đời nay đồng bào nơi đây dựa vào rừng, nay dân bản háo hức tiếp thu kiến thức trồng lúa nước để xóa đói.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, vấn đề văn hóa, tinh thần của đồng bào nơi đây cũng được quan tâm. Ngoài việc bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa, các đơn vị còn đẩy mạnh việc mang văn hóa hiện đại đến với dân bản. Đội chiếu phim tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả trách nhiệm đó.
Vượt hơn 160km đường từ thành phố Đồng Hới với lắm núi nhiều khe, chiếc xe chở đầy thiết bị của đội len lỏi dưới những tán rừng để đến với bản Lòm. Bản Lòm nằm sâu trong rừng già, hiện bản không có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn. Nguồn sáng hiếm hoi vào ban đêm từ những chiếc bóng năng lượng mặt trời dọc con đường chính được bộ đội biên phòng tặng. Khác với các điểm chiếu khác, để chiếu phim ở bản Lòm phải chuẩn bị nhiều máy móc hơn.
Ông Phạm Xuân Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình cho biết, dù công việc có nhiều vất vả nhưng với sự đón nhận của người dân, họ cảm thấy vui và có thêm động lực để cống hiến ở những bản làng xa xôi.
"Nội dung được chiếu sẽ là các sản phẩm giải trí kết hợp với tuyên truyền các chủ trương, chính sách giúp bà con đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa tiếp cận các thông tin hiệu quả hơn", ông Sỹ chia sẻ.
Di chuyển người và vật tư vào bản thì sự vất vả khó diễn tả bằng lời. Nhưng với đoàn, niềm vui đến thật sớm. Khi nghe tiếng loa thông báo đoàn sẽ chiếu phim tại bản vào buổi tối, những đứa trẻ hào hứng nhảy múa rồi lũ lượt chạy về nhà văn hóa bản đợi chờ. Người lớn cũng nhanh chóng thực hiện công việc của mình để có thể đến xem phim.
Mặt trời khuất sau dãy Giăng Màn, dân bản Lòm trên tay cầm đèn pin kéo về điểm chiếu phim. Giữa tĩnh mịch của đại ngàn, một vùng đất ven suối lại trở nên náo nhiệt.
Ông Hồ Xăng, trú bản Lòm cho biết, ngoài thời gian với nương rẫy và ruộng lúa nước chuẩn bị vào độ thu hoạch ở bản có rất ít hoạt động để giải trí. Nằm xa trung tâm, không điện lưới, sóng điện thoại lúc có, lúc không nên việc cập nhật thông tin ở đây cũng rất chậm.
"Ở bản Lòm điện đài chưa có, rất khó khăn, hôm nay đoàn chiếu phim lên chiếu cho bà con xem, bà con rất phấn khởi và hạnh phúc. Mong rằng sau này đoàn sẽ lên phục vụ bà con nhiều hơn nữa", ông Xăng chia sẻ.
Đối với bà con nơi đây, khi điều kiện kinh tế còn nghèo nàn nên buổi chiếu phim lưu động là món ăn tinh thần hết sức quý giá, giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
"Hôm nay cháu và các bạn xem phim rất hay, cháu mong muốn được xem nhiều lần hơn nữa. Cháu sẽ cố gắng học tập để sau này có điều kiện mang nhiều thứ hiện đại về bản cho bà con xem, sử dụng", cháu Hồ Thị Đông, bản Lòm chia sẻ.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình cho biết thêm, mỗi năm Đội chiếu phim tuyên truyền lưu động phục vụ hơn 500 buổi chiếu tại các địa phương trong tỉnh. Sự đón nhận của người dân cho thấy những buổi chiếu phim vẫn rất cần thiết để "cải thiện" đời sống tinh thần Nhân dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Đội chiếu phim lưu động với những con người trách nhiệm và say mê công việc trở thành những người chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa tiếp tục vượt khó đem những món ăn tinh thần đến với bản làng xa xôi.