'Lên sóng' ở Trường Sa

'Đây là chương trình 'Sóng Trường Sa', phát từ ca bin tàu KN-290…'. Đó là lời mở đầu chương trình phát thanh của nhóm nhà báo chúng tôi trên hành trình đến với Trường Sa những ngày đầu tháng 5/2023.

Trong số những nhà báo tham gia đoàn công tác đến Trường Sa khi ấy, chúng tôi, gồm 4 -5 người đến từ các báo Tiền Phong, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam và báo Quân khu 7, được giao nhiệm vụ tổ chức chương trình phát thanh trong suốt hành trình.

Tòa soạn lênh đênh

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Hải quân thay mặt Bộ tư lệnh Hải quân trao huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo cho phóng viên Tiền Phong

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Hải quân thay mặt Bộ tư lệnh Hải quân trao huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo cho phóng viên Tiền Phong

Rất nhanh, chúng tôi hội ý triển khai công việc ngay trên boong tàu. Đầu tiên là lựa chọn tên gọi chương trình, hình thành khung chương trình và những mảng nội dung cụ thể. Tiếp đến, phân công nhiệm vụ mỗi người, từ chịu trách nhiệm mảng nội dung đến tham gia tác nghiệp, biên tập, xử lý tin bài trước khi “lên sóng”. Tôi chịu trách nhiệm tổ chức nội dung, xử lý và biên tập tin, bài viết. Nhóm các nhà báo của Truyền hình Thông tấn xã chịu trách nhiệm các cuộc trò chuyện phỏng vấn và phần việc liên quan đến âm thanh như âm nhạc, tiếng động, phát thanh. Nhà báo Thế Anh - Báo Quân khu 7 và một số anh chị khác tham gia viết tin, bài.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm chia sẻ: “Chúng tôi đem hơi ấm, tình thương của người dân trong đất liền đến với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Và, Trường Sa đã thôi thúc mỗi chúng ta có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo”. Tôi gặp lại bà Thơm trong dịp Hội báo Toàn quốc 2024 diễn ra tại TPHCM mới đây. Khi đến thăm gian hàng của Tiền Phong, bà Thơm nói vẫn nhớ như in về chương trình Sóng Trường Sa và kỷ niệm đẹp với phóng viên Tiền Phong trong những ngày cùng lênh đênh trên sóng Trường Sa.

Thời gian phát chương trình được chốt vào cuối mỗi ngày và thời lượng khoảng 30 phút, song không cứng nhắc mà linh hoạt để phù hợp với lịch hoạt động của cả đoàn công tác với khoảng 300 người.

Phân công xong, phần ai nấy tỏa đi thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc tác nghiệp tin bài cho chương trình được kết hợp và song hành với việc khai thác thông tin, tư liệu phục vụ cho báo nhà nên không gặp trở ngại hay mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi tiến hành ráp nối các công đoạn để chuẩn bị lên sóng thì phát sinh nhiều trở ngại.

Tác giả bài viết trên Nhà giàn DK1/11

Tác giả bài viết trên Nhà giàn DK1/11

Chúng tôi gặp hai cái khó. Thứ nhất, không ai có kinh nghiệm làm báo nói. Thứ hai, không có micro để thu tiếng. Thiết bị thu và phát chỉ duy nhất một ống nghe và nói như điện thoại bàn, vốn là phương tiện chuyên dùng để trao đổi thông tin với bên ngoài hay phát thanh trên tàu. Tất cả mọi thiết bị bên ngoài như máy tính, điện thoại… đều không thể kết nối vào thiết bị của tàu. Vì thế, khi bắt tay vào dựng chương trình đầu tiên, cả nhóm khá bối rối.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chúng tôi đã nhanh chóng tìm cách để khắc phục. Những nội dung cần phải thu trước, như nhạc nền, phỏng vấn, trò chuyện, biểu diễn âm nhạc… được thu và dựng sẵn trong điện thoại. Về khoản này, các nhà báo ở Truyền hình Thông tấn xã là Thu Lan, Xuân Hương và Hà Văn Quỳnh thao tác khá nhuần nhuyễn. Khi cần sẽ bật loa ngoài và áp điện thoại vào ống nói để truyền đi. Riêng với những nội dung còn lại sẽ do người đọc, hoặc nói chuyện trực tiếp.

Khi chuẩn bị nội dung xong, sắp đến giờ “lên sóng” thì nhận ra chưa có giọng đọc nam. Trong lúc chưa biết làm thế nào thì Đại úy Cảnh sát biển Trần Hồng Quân đang đứng cạnh theo dõi ê-kíp sản xuất chương trình đã xung phong. Đại úy Quân vốn hay đàn hát, anh có chất giọng trầm ấm và phát âm khá chuẩn nên lập tức được trưng dụng.

Khi mọi việc chuẩn bị xong và giờ G điểm, tất cả nhìn nhau cùng gật đầu ra hiệu sẵn sàng. Đèn tín hiệu bật và giọng ngọt ngào của phóng viên Xuân Hương truyền đi trên nền nhạc: “Đây là chương trình “Sóng Trường Sa”, phát từ ca bin tàu KN-290 vi diệu…”.

Đồng hồ điểm 21 giờ, ở tọa độ…

Lan tỏa

Phóng viên Tiền Phong (giữa) đang cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình phát thanh Sóng Trường Sa trên ca bin tàu KN 290

Phóng viên Tiền Phong (giữa) đang cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình phát thanh Sóng Trường Sa trên ca bin tàu KN 290

Trong thời gian phát chương trình, mọi người vây quanh lặng yên theo dõi. Riêng chỉ có người điều phối là liên hồi múa tay ra hiệu cho mọi người chuẩn bị để phần sau khớp nối liên tục với phần phát trước và làm sao cho âm lượng vừa phải, không quá nhỏ hay bị “ré”.

Chương trình đầu tiên gồm một bản tin thời sự về các hoạt động chính diễn ra trong ngày của đoàn công tác. Tiếp đó là phần gặp gỡ trên boong tàu và nhân vật gặp gỡ đầu tiên là PGS.BS Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc bệnh viện quân y 175. Bài do biên tập viên Thu Lan thực hiện, hệ thống Telemedicine - Chẩn đoán, điều trị từ xa cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa qua hình ảnh. Tướng Sơn là người có rất nhiều công sức để xây dựng nên hệ thống này.

Chương trình còn có bài tường thuật về hoạt động, sinh hoạt giao lưu của đoàn và những công tác hậu cần của Tàu KN290 và một số nội dung khác. Kết thúc chương trình là tác phẩm âm nhạc Sóng Trường Sa của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, do nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền chuyển soạn và biểu diễn…Nghệ sĩ Minh Hiền cũng sát cánh cùng ê-kíp thực hiện để tác phẩm của mình được phát đi một cách hoàn hảo nhất.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi đều thảo luận nhanh để triển khai công việc, nội dung trong ngày. Nhờ có nhiều hoạt động cả trên tàu và trên đảo, nhà giàn nên chương trình ngày càng phong phú sinh động hơn, chuyển tải được nhiều nội dung với sự góp mặt bằng tiếng nói, tiếng hát… của rất nhiều người, từ các tướng lĩnh đến chiến sĩ, từ những cán bộ lãnh đạo của Trung ương và địa phương đến những doanh nhân, và cả trẻ em trên đảo.

Giữa biển đêm mênh mông, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông Thôn ngày nay được mời lên ca bin giao lưu và đọc thơ. Anh không đọc thơ mình mà đọc thơ của người anh trai quá cố - nhà thơ Lưu Quang Vũ, như một lời gửi gắm sâu nặng: “…Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ...”.

Vì lý do đảm bảo an toàn và bí mật, trên ca bin hạn chế ánh sáng, chỉ có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để những người thực hiện nội dung làm việc. Mặc dù vậy, vẫn có thể quan sát được từng nét mặt, cử chỉ của mỗi người trong suốt thời gian chương trình “lên sóng”, ai nấy đều chăm chú và hào hứng.

Dư âm

Tác nghiệp trong điều kiện mưa gió, sóng to và phải leo trèo lên xuống để ra vào giữa tàu và đảo hoặc nhà giàn, nhóm phóng viên đều mệt lử nhưng vẫn nỗ lực hết sức để dựng và phát chương trình mỗi ngày. Bù lại, nhóm thực hiện chương trình nhận được niềm vui lớn từ sự động viên của các thính giả. Quan trọng hơn cả là chương trình đã truyền đi được những câu chuyện, những suy nghĩ, những cảm xúc dạt dào về Trường Sa. Sau và hơn thế nữa là những thông điệp sâu sắc về sự chung tay hành động vì Trường Sa thân yêu và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/len-song-o-truong-sa-post1647549.tpo