Lệnh cấm xuất khẩu gạo khuấy động thị trường quốc tế

Thị trường lương thực thế giới đang bước vào giai đoạn biến động sau hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Một người nông dân thu hoạch lúa tại Guwahati, Ấn Độ. (Nguồn: AP)

Một người nông dân thu hoạch lúa tại Guwahati, Ấn Độ. (Nguồn: AP)

“Làn sóng” cấm xuất khẩu gạo?

Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương (Bộ Công Thương Ấn Độ) đã thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Theo, New Delhi, lệnh cấm này nhằm “đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực” cũng như “làm giảm đà tăng giá gạo ở thị trường nội địa”.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đất nước Nam Á đối mặt với tình trạng thời tiết diễn biến thất thường, gây ảnh hưởng đến hiệu suất mùa màng. Một số ý kiến cho rằng, lệnh cấm này cũng được coi là biện pháp mở rộng của lệnh cấm xuất khẩu gạo được New Delhi công bố hồi tháng 9/2022.

Nối tiếp Ấn Độ, vào ngày 29/7, chính phủ Nga và chính phủ Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) cũng thông báo về cấm xuất khẩu gạo. Với Nga, lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023, áp dụng cho gạo thô và gạo qua chế biến.

Tại UAE, lệnh cấm dự kiến sẽ kéo dài 4 tháng, áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát một phần/hoàn toàn và gạo tấm.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, cũng đã đưa ra cảnh báo. Các nhà xuất khẩu gạo của đất nước Đông Nam Á cho biết, lệnh cấm của Ấn Độ có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và nhà xuất khẩu gạo của nước này trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá, qua đó khiến giá gạo nội địa có thể tăng 10%.

Về phần mình, Chuyên gia Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh giá các động thái này có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực. Do đó, IMF kêu gọi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, tác động từ “làn sóng” cấm xuất khẩu gạo này không chỉ có vậy.

Ba tác động lớn

Thứ nhất, lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể khiến thị trường tiêu thụ gạo rơi vào trạng thái “hoảng loạn”. Cần nhớ rằng Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% khối lượng thương mại toàn cầu. Vào năm 2022, nước này đã xuất khẩu gạo đến hơn 140 quốc gia với sản lượng kỷ lục, lên tới 22,2 triệu tấn.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo đã tạo nên một cú sốc lớn cho thị trường lương thực thế giới, vốn vẫn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ xung đột Nga-Ukraine. Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên thế giới.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays (Anh) cho biết, Malaysia dường như sẽ là nước dễ bị tổn thương nhất sau lệnh cấm này: “Nước này nhập khẩu một phần đáng kể nguồn cung cấp gạo của mình và Ấn Độ chiếm một phần tương đối lớn trong tổng lượng gạo nhập khẩu đó”.

Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng sau lệnh cấm. Song Barclays cũng lưu ý rằng, nước này phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực nói chung, không chỉ gạo.

Tuy nhiên, châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng. Theo bộ phận nghiên cứu BMI thuộc công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Anh), các thị trường dễ bị ảnh hưởng còn có khu vực sa mạc Sahara châu Phi và khu vực Trung Đông-Bắc Phi, nhất là ở Djibouti, Liberia, Qatar, GambiaKuwait.

Có thể nói, thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng do thiếu nguồn cung lúa gạo.

Nhiều cửa hàng đã phải hạn chế số lượng gạo mỗi khách hang có thể mua nhằm bảo đảm nguồn cung và giữ giá cả ổn định. (Nguồn: CBC)

Nhiều cửa hàng đã phải hạn chế số lượng gạo mỗi khách hang có thể mua nhằm bảo đảm nguồn cung và giữ giá cả ổn định. (Nguồn: CBC)

Thứ hai, lệnh cấm xuất khẩu gạo đã khuấy động thị trường tiêu thụ lương thực thế giới. Nhiều người Ấn Độ sinh sống ở nhiều quốc gia khác như như Mỹ, Canada và Australia đang tích cực dự trữ gạo. Nhiều cửa hàng đã phải đặt hạn chế mua, một số khác tận dụng thời điểm này để nâng giá. Thậm chí, các nhà hàng Ấn Độ cũng đang lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với gạo Ấn.

Một quản lý của cửa hàng MGM Spices Shishir tại khu Surry Hills, bang New South Wales, Australia chia sẻ: “Những ngày qua, người tiêu dùng mua gạo gấp đôi mức bình thường. Vì vậy, chúng tôi phải đặt ra giới hạn là 5kg gạo/người”.

Tại Mỹ, thị trường tiêu thụ gạo cũng không khả quan hơn. Nhiều người Ấn Độ đang đối mặt với tình huống phải mua gạo ở cửa hàng gần nhất ngay cả khi giá gạo đã tăng gấp đôi. Theo trang CityNews (Canada), một số cửa hàng tạp hóa Nam Á tại Toronto, Canada cũng đã thực hiện giới hạn mua gạo và nâng giá bán,

Ông Govindasamy Jayabalan, Chủ tịch Hiệp hội chủ các nhà hàng Malaysia-Ấn Độ, chia sẻ: “Chúng tôi đang rất lo lắng về điều này. Hầu hết khách hàng của chúng tôi đến từ tầng lớp có thu nhập thấp. Dù không muốn tăng giá, nhưng tình huống hiện nay đặt chúng tôi vào thế khó”.

Thứ ba, đó là tình trạng lạm phát giá gạo trên toàn cầu. Hiện thế giới đã ghi nhận giá gạo nội địa cũng như xuất khẩu đều tăng vọt ở nhiều nước. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, đã đạt mức cao nhất trong 10 năm vừa qua.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên từ mức 515-525 USD/tấn đến 550-575 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận kể từ năm 2011. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong 11 năm, ở mức 605-610 USD/tấn.

Về phần mình, ông Pierre-Olivier Gourinchas chia sẻ: “Trong môi trường hiện tại, những hạn chế này có thể làm trầm trọng thêm biến động của giá lương thực ở phần còn lại của thế giới và cũng có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa”. Chuyên gia này cảnh báo, giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng từ 10-15% trong năm nay.

Giới chuyên gia cũng dự đoán lệnh cấm này có thể sẽ được duy trì tới sau tháng 11,12 – thời điểm Ấn Độ thu hoạch vụ lúa chính trong năm.

Tuy nhiên, do Ấn Độ vừa phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục và sau đó lại là mưa lụt khủng khiếp trong những tháng nửa đầu năm nay, khiến cho diện tích canh tác không đạt được như năm ngoái vì vậy có thể dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xuất khẩu. Do đó, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung gạo Ấn Độ cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả trên thị trường thế giới và tìm nguồn thay thế để thu mua dự trữ nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Không nên lạc quan quá mức

Chia sẻ về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam “không nên lạc quan quá mức” và “không nên coi đây là một cơ hội dài hạn”.

Việc Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tạm thời có lợi cho các quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam cũng cần lo lắng cho thị trường xuất khẩu sau này, theo sát thị trường gạo cũng như tránh tâm lý vội “buôn chuyến” và tránh mở rộng diện tích sản xuất ồ ạt.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Cục cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Hải Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lenh-cam-xuat-khau-gao-khuay-dong-thi-truong-quoc-te-237454.html