Lênh đênh cổ phiếu cảng biển

Dù được đánh giá là có khá nhiều tiềm năng nhờ được hưởng lợi từ hoạt động tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu nhưng diễn biến của cổ phiếu cảng biển trên thị trường chứng khoán lại lên xuống, trồi sụt thất thường.

Trong giai đoạn từ đầu tháng 8 đến gần cuối tháng 9, nhóm cổ phiếu cảng biển liên tiếp gây bất ngờ với nhiều phiên thăng hoa. Nhiều nhà đầu tư lúc đó cho rằng dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu cảng biển nhằm đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn FDI, đồng thời thể hiện kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nhóm ngành này nhờ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA.

Tuy nhiên, sóng tăng chưa kịp thành hình đã đảo chiều khi nền tảng tăng trưởng không thực sự vững vàng.

Lên gấp, xuống vội

Bên cạnh những thông tin liên quan đến dòng vốn FDI, hỗ trợ đà tăng cho nhóm cổ phiếu ngành cảng biển giai đoạn trước là những thông tin tích cực đến từ việc Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận tải biển.

Những điều này góp phần đưa cổ phiếu DVP của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ bật tăng từ vùng giá 37.000 đồng/cp (phiên 11/7) lên 48.300 đồng/cp (phiên 30/8), tương đương mức tăng 30,5%.

VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cũng là một cổ phiếu sáng giá khi ghi nhận mức tăng 60,5% trong vòng 1 tháng từ 1.470 đồng/cp (phiên 31/7) lên 2.360 đồng/ cp (phiên 3/9), trong đó có khá nhiều phiên tăng trần.

Một số cổ phiếu cảng biển khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh như GMD của CTCP Gemadept tăng 14,4% từ 25.000 đồng/cp (giá điều chỉnh hồi đầu tháng 8) lên 28.600 đồng/ cp (phiên 30/8). Trong tháng 8, cổ phiếu PHP của CTCP Cảng Hải Phòng ghi nhận mức tăng gần 20% từ 10.100 đồng/cp lên 12.000 đồng/cp.

Cùng với đà tăng giá, thanh khoản của nhóm cảng biển trong giai đoạn tháng 8 hầu hết đều lập kỷ lục so với đầu năm, thể hiện sự dịch chuyển rõ nét của dòng tiền đầu cơ, luôn góp mặt trong danh sách những cổ phiếu có giao dịch đột biến theo thống kê của các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của giai đoạn tháng 8, đầu tháng 9. Ngay sau khi chinh phục được mức giá hơn 48.000 đồng/cp, DVP đã quay đầu điều chỉnh về vùng giá 40.000-42.000 đồng/cp, đến nay chỉ còn giao dịch tại ngưỡng 38.000 đồng/ cp, giảm 21,3% chỉ sau hơn một tháng giao dịch.

Tương tự, chưa kịp thăng hoa lâu với mức đỉnh mới, cổ phiếu VOS cũng nhanh chóng quay đầu giảm giá kể từ tháng 9 tới nay, hiện đang ở mức 1.840 đồng/cp, giảm 22%.

Cổ phiếu GMD cũng đã quay lại điểm xuất phát 25.000 đồng/cp. Đáng chú ý, trong một tháng vừa qua, GMD chỉ ghi nhận 7 phiên đóng cửa trong sắc xanh, 3 phiên giữ nguyên giá, còn lại là sắc đỏ phủ kín.

Thậm chí, kết phiên giao dịch ngày 15/11, PHP còn xuống dưới mức xuất phát, đóng cửa tại mức giá 10.000 đồng/cp với thanh khoản mất hút.

Lên gấp, xuống vội là những gì đang diễn ra ở nhóm cổ phiếu cảng biển

Lên gấp, xuống vội là những gì đang diễn ra ở nhóm cổ phiếu cảng biển

Tiềm năng chung là chưa đủ

Theo báo cáo triển vọng ngành cảng biển của Chứng khoán MB (MBS), Việt Nam đang tiếp tục được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khi tăng trưởng xuất khẩu tại những mặt hàng vốn là thế mạnh của các DN Trung Quốc.

Chi phí nhân công hấp dẫn vẫn tiếp tục thu hút những dòng vốn FDI lớn. MBS dự báo trong 3 – 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10%/năm.

Đây chính là cơ hội của nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực cảng biển. Tuy nhiên, tiềm năng của ngành là chung, có nắm bắt được cơ hội để bứt phá hay không lại là ở phía DN.

Nhìn vào bức tranh kinh doanh của các DN trong ngành này có thể thấy xét về dài hạn vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn.

Mới đây, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với doanh thu tăng 7% đạt 286 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 17%, đạt 46 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 24 tỷ đồng, giảm 13% do tốc độ tăng chi phí hoạt động khai thác tàu cao hơn tốc độ tăng doanh thu dẫn đến hoạt động khai thác tàu sụt giảm.

Công ty ghi nhận mức lợi nhuận ròng thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính theo quý kể từ khi niêm yết. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 811 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, giảm 11%.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đang ngả sang màu xám, Cảng Hải Phòng có mức doanh thu thuần đạt gần 500 tỷ đồng trong quý III/2019, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 129 tỷ đồng, giảm tới 29%.

Lũy kế 9 tháng năm 2019, Cảng Hải Phòng đạt doanh thu hợp nhất 1.583 tỷ đồng, tăng 6,5%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 372,9 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, Cảng Hải Phòng còn là DN có vốn điều lệ (3.269 tỷ đồng) lớn nhất trong số các DN cảng biển niêm yết. Thế nhưng, những lợi thế này dường như vẫn đang “ngủ yên” và công ty chưa có nhiều thay đổi về quản trị kể từ sau khi cổ phần hóa.

Trước đây, nhiều thông tin cho biết quỹ đầu tư Oman đã nhiều lần lên tiếng muốn mua số lượng cổ phần nắm giữ của Vinalines để trở thành cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, do thủ tục hành chính còn vướng mắc nên thương vụ này đến nay đã chìm vào quên lãng. Do vậy, dù đã niêm yết trên sàn, Cảng Hải Phòng không có gì đột biến trong nội tại DN, điều này có thể lý giải cho việc cổ phiếu PHP không được nhiều người quan tâm.

Linh Đan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/lenh-denh-co-phieu-cang-bien-1062660.html