LHQ họp khẩn vụ 'Ukraine tấn công nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia'
Nga triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) để thảo luận về 'các cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia'.
RiaNovosti hôm nay (10/8) dẫn thông báo của phái bộ thường trực Nga tại LHQ cho biết, Moscow đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an vào ngày 11/8 để thảo luận về "các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra".
Nga cũng đề nghị Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi làm diễn giả trong cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an, trong bối cảnh cơ quan thuộc LHQ này đã cảnh báo các vụ pháo kích nhắm vào nhà máy Zaporizhzhia có thể dẫn đến thảm kịch tương tự Chernobyl.
Nhà máy Zaporizhzhia là cơ sở sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nằm ở phần lãnh thổ tỉnh Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine do quân đội Nga kiểm soát. Những ngày qua, Moscow cáo buộc Kiev không chỉ bắn pháo mà còn thực hiện các đợt tập kích bằng máy bay không người lái vào đây.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một số thiết bị ở nhà máy thậm chí đã bị mất điện do đòn pháo kích của Ukraine, khiến hỏa hoạn bùng lên nhưng may mắn được dập tắt nhanh chóng.
Từ phía IAEA, cơ quan này đã đề nghị được đưa phái đoàn "hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và an toàn hạt nhân" tới nhà máy. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thì đề nghị Nga và Ukraine trao quyền tiếp cận khu vực cho các thanh sát viên quốc tế.
"Bất cứ cuộc tấn công nào vào các nhà máy điện hạt nhân đều là hành động tự sát", ông Guterres nói. "Tôi hy vọng rằng những cuộc tấn công này sẽ kết thúc, và kêu gọi IAEA được cấp quyền tiếp cận nhà máy".
Theo CNN, nhà máy Zaporizhzhia có tổng cộng 6 lò phản ứng hạt nhân, tạo ra khoảng 42 tỷ kWh điện, chiếm 40% tổng lượng điện mà tất cả các nhà máy điện hạt nhân tạo ra ở Ukraine và 1/5 sản lượng điện hàng năm của nước này.
Các lò phản ứng tại Zaporizhzhia được đưa vào hoạt động từ 1984 đến 1995, sử dụng công nghệ lò phản ứng nước điều áp (PWR) của Liên Xô. Dữ liệu chính thức từ năm 2017 cho thấy các lò phản ứng tại đây đã "thải" ra khoảng 2.204 tấn nhiên liệu hạt nhân, trong đó 885 tấn đang nằm trong các bể chứa để làm mát.