LHQ kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali, Mỹ đổ lỗi cho nhóm Wagner
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 30/6 đã nhất trí bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali, sau khi chính quyền quốc gia Tây Phi này bất ngờ yêu cầu LHQ rút 13.000 quân.
Hãng Reuters đưa tin, theo nghị quyết do Pháp soạn thảo, đã được 15 thành viên Hội đồng Bảo an thông qua, từ ngày 1/7 lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bắt đầu "chấm dứt hoạt động, chuyển giao nhiệm vụ cũng như rút nhân sự một cách có trật tự và an toàn". Tiến trình rút quân khỏi Mali phải hoàn tất vào 31/12/2023.
Ngay khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu, Nhà Trắng đã cáo buộc lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin góp phần vào quyết định của chính quyền quân sự Mali. Mỹ cho biết đã nắm được thông tin Mali trả hơn 200 triệu USD cho Wagner từ cuối năm 2021.
Mali bắt đầu hợp tác với lực lượng Wagner vào năm 2021 và kể từ đó, chính phủ sở tại được cho là đã đưa ra nhiều hạn chế, cản trở hoạt động gìn giữ hòa bình trên không và trên bộ của lực lượng LHQ.
Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ dân thường.
Một số chuyên gia lo ngại an ninh có thể trở nên tồi tệ sau khi phái bộ LHQ rời đi, khiến quân đội Mali không được trang bị đầy đủ và khoảng 1.000 lính Wagner phải chiến đấu với nhóm quân đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở sa mạc miền bắc và miền trung nước này.
Đại sứ Mali tại LHQ Issa Konfourou tuyên bố, Chính phủ Mali ghi nhận việc Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết và sẽ thận trọng trong việc đảm bảo tuân thủ lịch trình rút quân.
"Chính phủ Mali lấy làm tiếc khi Hội đồng Bảo an tiếp tục coi tình hình ở Mali là mối đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Mali vẫn sẵn sàng hợp tác với tất cả đối tác muốn làm việc với chúng tôi, với điều kiện tôn trọng các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách của nhà nước chúng tôi".