LHQ thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính để giúp đỡ các nước nghèo
Ngày 7/11, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính toàn cầu để giúp đỡ các nước nghèo nhất thế giới và nỗ lực để lấp đầy 'những khoảng trống tài chính khổng lồ'.
Báo cáo về các quốc gia kém phát triển nhất của Hội nghị LHQ về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD) năm 2023 thúc giục cộng đồng toàn cầu khẩn trương giải quyết những thách thức tài chính quan trọng mà 46 quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới (LDC) phải đối mặt.
Nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, gánh nặng nợ ngày càng tăng, sự phụ thuộc vào hàng hóa và suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước LDC đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước này, gây căng thẳng tài chính và đe dọa tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), bao gồm cả quá trình chuyển đổi sang carbon thấp.
UNCTAD cho biết, 46 quốc gia LDC đã phải chịu sự suy thoái kinh tế mạnh mẽ trong những năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, khiến mức tăng trưởng bình quân đầu người tổng hợp của các nước LDC trong năm nay thấp hơn 16% so với mục tiêu.
Đồng thời, các nước LDC phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ cao ngất ngưởng, phải chi 27 tỷ USD vào năm 2021 để trả nợ - tăng 37% so với năm 2020, UNCTAD cho biết.
Sự suy giảm của các nước LDC cũng thể hiện rõ qua các chỉ số chính, chẳng hạn như tỷ lệ nợ/GDP, tăng từ 48,5% năm 2019 lên 55,4% vào năm 2022 (cao nhất kể từ năm 2005). Không gian tài chính của các nước này đã bị siết chặt bởi các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và xung đột ở Ukraine, khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt trên toàn thế giới.
Để giảm bớt tác động, các nước LDC đã vay mượn và chi tiêu nhiều hơn để củng cố mạng lưới an toàn xã hội và hỗ trợ kinh tế, khi đã có thêm ít nhất 15 triệu người ở các nước này bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực kể từ đại dịch, do hậu quả của suy thoái kinh tế.
Đáng lo ngại, không gian tài chính bị thu hẹp của các nước LDC đã hạn chế khả năng thực hiện các chính sách phát triển và buộc họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, chẳng hạn như lựa chọn giữa việc trả nợ nước ngoài hoặc đầu tư vào y tế, giáo dục và hành động về khí hậu.
Kết quả là, nhiều quốc gia hiện đang phải chi tiêu cho việc trả nợ cao gần gấp đôi so với chi cho chăm sóc sức khỏe.
“Bên bờ vực thẳm tài chính”
Theo Giám đốc UNCTAD Rebeca Grynspan, các nước LDC “đang ở trong tình thế tuyệt vọng”, đồng thời cảnh báo họ đang “đứng bên bờ vực thẳm tài chính”.
Đối mặt với những thách thức to lớn này, UNCTAD cho rằng sẽ rất khó để các nước LDC đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trước thời hạn 2030, như tất cả các quốc gia thành viên LHQ đã nhất trí vào năm 2015.
Bà Grynspan cho biết, trong tình hình hiện tại, các quốc gia hiện đang phải đối mặt với khoảng cách tài trợ hàng năm trị giá 100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của họ, đồng thời cảnh báo “không còn nhiều thời gian”.
Trong khi các quốc gia cần phải làm nhiều hơn nữa để huy động nguồn lực trong nước, bà Grynspan nhấn mạnh các nước này sẽ “cần một lượng lớn nguồn lực từ nước ngoài”, đồng thời cho rằng hệ thống tài chính quốc tế hiện tại không được trang bị đầy đủ để hỗ trợ.
“Sự chênh lệch trong cơ cấu tài chính quốc tế, những lời hứa chưa được thực hiện về tài chính khí hậu và tiếng nói thường bị bỏ qua của các nước kém phát triển trong việc ra quyết định tài chính cho thấy rõ sự bất cập mang tính hệ thống”, Giám đốc UNCTAD nêu rõ.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các nước LDC và các nước khác nhằm cải cách cơ cấu tài chính quốc tế, cũng như cách mà các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp hỗ trợ. Thế nhưng, bà Grynspan cho biết “các quy trình ra quyết định chính liên quan đến thể chế, quy tắc và thủ tục chi phối tài chính quốc tế nói chung thường không tính đến lợi ích của các nước LDC”.
Thay đổi cuộc chơi
Thực tế, các nước LDC - với tổng dân số 1 tỷ người, chỉ chiếm 4% quyền biểu quyết của Ngân hàng Thế giới. Và các nước này nhận được chưa tới 2,5% khoản phân bổ chung cho Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (một loại tiền dự trữ), trong khi nếu phân bổ theo dân số thì họ sẽ nhận được hơn 12%.
Báo cáo của UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp cho các nước LDC khối lượng tài trợ và khoản vay chi phí thấp nhiều hơn đáng kể với những điều kiện ưu đãi cao để không làm tăng thêm cuộc khủng hoảng nợ của các nước này.
UNCTAD cũng cho biết việc ra mắt Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” sắp tới nhằm bồi thường cho các quốc gia nghèo nhất khi họ phải đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu có thể sẽ rất hữu ích.
Theo bà Grynspan, đây có thể sẽ là “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi cho các nước LDC”.