Libya: Nhóm thân tướng Haftar kêu gọi phong tỏa các cơ sở xuất khẩu dầu mỏ
Một nhóm thân với tướng Haftar ngày 17/1 đã kêu gọi phong tỏa các cơ sở xuất khẩu dầu mỏ của Libya để phản đối sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột ở nước này.
Một nhóm thân cận với tướng Haftar, M.NLA, đã lên tiếng trên Twitter tố cáo sự can thiệp quân sự của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào Libya.
Nhóm này cũng kêu gọi đóng cửa ngay lập tức đường ống dẫn dầu Mellita (phía tây) cũng như các đường ống Brega và Misrata ở Libya.
M.NLA nói với AFP rằng việc ngăn chặn xuất khẩu dầu sẽ "làm cạn kiệt các nguồn tài trợ cho khủng bố".
Ngay lập tức, Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã tố cáo lời kêu gọi này, cho đây là các công cụ gây áp lực "lên các cuộc đàm phán chính trị" sắp được tổ chức tại Berlin nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình ở Libya.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu NOC, Mustafa Sanalla, "kiên quyết lên án các lời kêu gọi phong tỏa các cảng xuất khẩu dầu".
Theo ông Sanalla, ngành dầu khí là "xương sống" của nền kinh tế Libya. "Việc ngưng xuất khẩu dầu (...) sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến Libya", ông Sanalla cảnh báo.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ của tỷ giá hối đoái, sự gia tăng mạnh mẽ thâm hụt ngân sách quốc gia, sự ra đi của các nhà thầu phụ nước ngoài và mất sản lượng trong tương lai", chủ tịch NOC cho biết.
"Nhưng đó là một thông điệp rõ ràng cho tất cả những ai đang muốn thao túng phá hoại ngành dầu mỏ của Libya", ông nói.
Từ khi chế độ Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya rơi vào vòng tranh đoạt quyền lực giữa hai phe: Chính phủ GNA, được quốc tế công nhận, kiểm soát thủ đô Tripoli và phe thứ hai là “chính phủ và Nghị viện” đóng đô ở Benghazi, theo tướng Haftar nổi dậy.
Haftar được nhóm các nước Arab theo dòng Sunni như Ai Cập, Jordani, Arab Saudi ủng hộ kinh tế và quân sự. Bên cạnh các nước dầu mỏ vùng Vịnh, còn có các nước như Nga, Sudan và Tchad ở châu Phi đưa các nhóm vũ trang sang giúp quân đội giải phóng Libya.
Trong khi đó, Thủ tướng Fayez El Sarraj và chính phủ GNA ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/1/2020 cho phép gửi quân sang hỗ trợ GNA, đối phó với lực lượng của tướng Khalifa Haftar. Kỳ thực là để bảo vệ đặc quyền khai thác tài nguyên trong vùng duyên hải của Libya sau khi ký được một thỏa thuận với Tripoli, gây bất bình cho đảo Síp và Hy Lạp.
Một hội nghị quốc tế dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19/1 tại Berlin, Đức, để chấm dứt sự chia rẽ quốc tế và sự can thiệp của nước ngoài vào Libya.
Ngoài các bên xung đột ở Libya và Liên Hợp Quốc, các quốc gia hỗ trợ cho các phe phái, như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tham gia.