Lịch sử thăng trầm của 'Vườn của muôn vườn' ở Trung Quốc
Dù từng có lịch sử huy hoàng là vườn ngự uyển dưới triều Thanh của Trung Quốc, nhưng Viên Minh Viên hiện chỉ còn là đống đổ nát bị phá hủy bởi chiến tranh.
Lịch sử xây dựng và phát triển
Viên Minh Viên, hay còn có tên khác là vườn Minh Viên, là tổ hợp nhiều cung điện và vườn hoa nằm ở phía tây bắc Bắc Kinh, Trung Quốc. Viên Minh Viên có tổng diện tích lên tới hơn 350 hecta, trong đó diện tích sông hồ tại đây là 140 hecta, và được chia làm ba khu vực chính gồm Viên Minh Viên, Kỳ Xuân Viên và Trường Xuân Viên.
Theo sử sách Trung Quốc ghi lại, các công trình kiến trúc tại đây chủ yếu được xây dựng trong ba đời vua Khang Hi, Ung Chính và Càn Long của nhà Thanh (1636-1912).
Do vua Khang Hi (1654-1722) thích đi tuần thú ở khu vực Giang Nam, nay là các tỉnh nằm ở phía nam của hạ lưu sông Dương Tử, nên ông đã quyết định chọn khu vực cách thành Bắc Kinh 8km về phía tây bắc để xây dựng một hành cung có lối kiến trúc Giang Nam với tên gọi là Sướng Xuân Viên. Đồng thời, ông cũng ban cho các thân vương quý tộc một số khu vực nằm gần đó.
Vào năm 1707, hoàng tử Dận Chân (1678-1735), con trai thứ tư của Khang Hi, được ban cho một khu đất nằm ở phía bắc Sướng Xuân Viên. Nơi đây sau đó được Khang Hi đặt cho cái tên Minh Viên. Vào năm 1709, một số công trình nhỏ đã bắt đầu được xây dựng ở đây.
Tới năm 1724, lúc này hoàng tử Dận Chân đã lên ngôi vua được hai năm và lấy niên hiệu là Ung Chính, đã phê chuẩn cho Phủ Nội vụ điều nhân lực tới Minh Viên để xây dựng nhiều cung điện và công trình tại đây.
Nhưng do Ung Chính chỉ tại vị tới năm 1735 thì băng hà, nên việc xây dựng các cung điện cùng nhiều công trình ở Viên Minh Viên phải kéo dài sang thời của vị vua tiếp theo là Càn Long (1711-1799).
Dưới thời Càn Long, Viên Minh Viên đã được hoàn thành với hơn 40 công trình và khu vực lớn nhỏ. Tiêu biểu trong số đó gồm điện Chính Đại Quang Minh là nơi bậc đế vương tổ chức yến tiệc; điện Cần Chính Thân Hiền là nơi nhà vua sinh sống và làm việc trong mùa hè; Cửu Châu Thanh Yên; Trường Xuân Tiên Quán…
Ngoài các cung điện được xây theo kiến trúc Trung Quốc, Viên Minh Viên còn có khoảng 10 công trình mang hơi hướng kiến trúc phương Tây, tiêu biểu như tòa nhà Hải Yên Đường. Ở mặt trước tòa nhà này có một hồ nước nhỏ, xung quanh đặt tượng đá đầu đồng mô phỏng theo 12 con giáp.
Theo lịch tính thời gian của Trung Quốc xa xưa, một ngày có 12 canh giờ. Chẳng hạn tới giờ Tý, tức khoảng 23h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau, đồng hồ thủy lực được lắp ở hồ nước sẽ kích hoạt miệng tượng đá đầu con chuột phun nước để báo hiệu đã tới giờ Tý. Tới các canh giờ khác như Dần, Mão, Thìn, Tỵ… đầu tượng đá tương ứng sẽ được kích hoạt.
Bị tàn phá bởi chiến tranh
Sau thời Càn Long, các vị vua tiếp theo như Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong không cho xây dựng thêm công trình nào có quy mô lớn ở Viên Minh Viên.
Vào năm Hàm Phong thứ 10 (1860), chiến tranh Nha phiến lần hai giữa nhà Thanh với hai quốc gia phương Tây là Anh và Pháp đã bước vào hồi kết, khi liên quân Anh-Pháp áp sát thành Bắc Kinh. Vua Hàm Phong sau đó đã buộc phải rời khỏi Tử Cấm Thành để tới Tị Thử Sơn Trang ở tỉnh Hà Bắc lánh nạn.
Liên quân sau khi tiến vào Bắc Kinh đã mặc sức đốt phá, cướp bóc nhiều khu vực trong và ngoài thành, trong đó có Viên Minh Viên. Ngoài vàng bạc, các binh sĩ phương Tây khi đó đã lấy đi nhiều bức thư pháp, bình hoa quý, đồ đồng, đồ gỗ sơn mài… phóng hỏa đốt cháy các cung điện ở Viên Minh Viên.
Đối với những bức tượng có đầu phỏng theo 12 con giáp ở trước tòa nhà Hải Yên Đường, nhóm lính liên quân đã đập vỡ tượng đá để lấy đi phần đầu làm bằng đồng. Tới nay, Chính phủ Trung Quốc chỉ mới thu hồi được 7/12 đầu tượng.
Ngày nay, Viên Minh Viên đã được chính quyền Trung Quốc liệt vào danh sách di tích bảo hộ cấp quốc gia, đồng thời cho mở các hoạt động du lịch để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết về thời huy hoàng của nơi đây.