Lịch sử tình báo Israel với công nghệ thuốc nổ

Mossad, cơ quan tình báo của Israel, bị nghi ngờ đứng sau vụ việc khiến hàng nghìn máy nhắn tin, máy bộ đàm của Hezbollah phát nổ trên khắp Lebanon.

Israel chưa chính thức nhận trách nhiệm về vụ xâm nhập an ninh chưa từng có này vào lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Tại Beirut, những người thân lo lắng tụ tập bên ngoài bệnh viện nơi những người bị thương đang được điều trị. (Nguồn: Reuters)

Tại Beirut, những người thân lo lắng tụ tập bên ngoài bệnh viện nơi những người bị thương đang được điều trị. (Nguồn: Reuters)

Theo Bộ Y tế Lebanon, vụ nổ đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, bao gồm nhiều thành viên Hezbollah và các phái viên Iran ở Beirut.

Tuy nhiên, hai nguồn tin cao cấp đã tiết lộ với Reuters rằng vụ này do Mossad thực hiện.

Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, tuyên bố sẽ đáp trả Israel, quốc gia mà họ cho rằng "hoàn toàn chịu trách nhiệm" về các vụ nổ.

Theo thông tin từ tờ New York Times, các quan chức Mỹ cùng một số nước khác, sau khi được báo cáo về sự việc, cũng đã chỉ trích Israel. Tờ Times viết: "Sau gần một năm căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah, hầu hết mọi người ở Lebanon tin rằng vụ nổ máy nhắn tin là do Mossad thực hiện". Nếu điều này là sự thật, đây sẽ là một trong những ví dụ nổi bật nhất về phương thức hoạt động của Mossad từ trước đến nay.

Mossad bắt đầu sử dụng chất nổ từ khi nào?

Theo tờ Financial Times, Mossad có lịch sử hàng thập kỷ trong việc sử dụng điện thoại và chất nổ để theo dõi và ám sát các mục tiêu ở nước ngoài.

Vào ngày 5/9/1972, các chiến binh Palestine đã bắt giữ 11 thành viên của đội tuyển Olympic Israel làm con tin tại Munich. (Nguồn: Getty Images)

Vào ngày 5/9/1972, các chiến binh Palestine đã bắt giữ 11 thành viên của đội tuyển Olympic Israel làm con tin tại Munich. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, phương thức này chỉ thực sự được chú ý trên toàn cầu từ năm 1972, sau khi nhóm Tháng Chín Đen của Palestine bắt cóc 11 vận động viên Israel làm con tin tại Thế vận hội Munich. Tất cả các con tin đều bị giết – trong đó, 9 người chết khi nỗ lực giải cứu thất bại, cùng với 5 trong số 8 kẻ khủng bố. Sự kiện này được gọi là Thảm sát Munich.

Để đáp trả, Israel đã khởi động Chiến dịch Wrath of God, một chiến dịch bí mật kéo dài nhiều năm. Họ sử dụng xe bom và các gói hàng gắn thuốc nổ để ám sát các thành viên của nhóm chiến binh Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Một trong những vụ nổi tiếng nhất là khi các điệp viên Mossad thay thế phần đế bằng đá cẩm thạch của chiếc điện thoại mà Mahmoud Hamshari, đại diện PLO tại Paris, thường sử dụng bằng một phiên bản chứa thuốc nổ. Khi Hamshari nhấc điện thoại lên, các đặc vụ Israel ở gần đó đã kích hoạt thuốc nổ từ xa, khiến Hamshari thiệt mạng. Chiến dịch này đã trở thành một phần trong truyền thuyết về hoạt động gián điệp của Israel.

Mossad có những hoạt động nổi bật nào khác không?

Theo Foreign Policy, có quá nhiều để liệt kê hết. Tuy nhiên, các phương thức ban đầu đơn giản của Mossad đã nhanh chóng trở nên tinh vi hơn nhờ kết hợp công nghệ giám sát và mạng lưới hiện đại.

Một cậu bé người Palestine giơ cao tấm áp phích của Ayyash tại đài tưởng niệm người chế tạo bom Hamas, được gọi là The Engineer. (Nguồn: Reuters)

Một cậu bé người Palestine giơ cao tấm áp phích của Ayyash tại đài tưởng niệm người chế tạo bom Hamas, được gọi là The Engineer. (Nguồn: Reuters)

Năm 1979, Mossad đã ám sát thành công Ali Hassan Salameh, một lãnh đạo của PLO, bằng một vụ nổ bom xe ở Beirut. Đây là minh chứng cho sự tự tin ngày càng lớn của họ trong việc sử dụng chất nổ.

Năm 1996, Mossad thực hiện một vụ ám sát nổi tiếng khi lừa được Yahya Ayyash, nhà sản xuất bom chủ chốt của Hamas, nghe điện thoại từ cha mình. Điện thoại chứa chất nổ được chuyển tới Gaza và phát nổ, giết chết Ayyash. Vụ việc này đã làm Hamas mất đi một nhân tài chiến lược được gọi là "Kỹ sư".

Còn các nhà khoa học Iran thì sao?

Trong 20 năm qua, Mossad chủ yếu tập trung vào Iran, đặc biệt là các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Theo tờ The New York Times, năm 2004, chính phủ Israel ra lệnh cho Mossad ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau đó, Mossad đã tiến hành nhiều hoạt động phá hoại và tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời ám sát 5 nhà khoa học hạt nhân và làm bị thương một người khác.

Vụ việc nổi tiếng nhất xảy ra năm 2020, khi nhà khoa học hàng đầu Iran, Mohsen Fakhrizadeh, bị bắn chết bằng súng máy điều khiển từ xa. Iran đổ lỗi cho Israel, nhưng các chi tiết về việc sử dụng "robot giết người" đã bị nhiều người chế giễu, cho rằng đây chỉ là cách Tehran che đậy sự thất bại của mình.

Vụ máy nhắn tin có gì đặc biệt?

Ngay cả vụ ám sát Fakhrizadeh, dù hiện đại, vẫn cần có người trên thực địa để đặt súng vào vị trí. Tuy nhiên, vụ nổ máy nhắn tin lại có thể thực hiện từ xa mà không cần can thiệp trực tiếp, kích hoạt cùng lúc hàng nghìn thiết bị.

Theo The Spectator, vụ ám sát Ayyash năm 1996 vẫn phụ thuộc vào việc có người cung cấp thông tin để cài bẫy. Nhưng so với quy mô và sự phức tạp của vụ nổ máy nhắn tin, thì vụ Ayyash trông chỉ như trò trẻ con.

Hezbollah đã chuyển sang dùng máy nhắn tin để tránh bị Israel theo dõi qua điện thoại thông minh. Nhưng giống như việc giết Ayyash không thể làm Hamas dừng lại, bom máy nhắn tin cũng có thể không ngăn được Hezbollah.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lich-su-tinh-bao-israel-voi-cong-nghe-thuoc-no-169240919152432718.htm