Liêm chính khoa học
Có một thực tế là ở nước ta lâu nay, cái sự 'liêm chính khoa học' nó trở thành một thứ khá mơ hồ.
Một sự kiện đang xôn xao tạo nhiều bàn cãi trên báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua, là việc PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố không liêm chính khi đứng tên nhiều công trình khoa học ở các trường đại học mà mình không công tác.
Điều quan trọng là PGS Hướng đứng tên chính công trình của mình, và là những công trình có chất lượng, bởi phải có chất lượng mới được các trường đại học khác “mua” để đứng tên trường mình. Và nữa, trong vòng mấy năm, ông đã có tới 42 công trình khoa học được công bố quốc tế, chứng tỏ đây là nhà khoa học thứ thiệt chứ không như một số nhà khoa học khác, có vỏ nhưng không có ruột.
Có một thực tế là ở nước ta lâu nay, cái sự “liêm chính khoa học” nó trở thành một thứ khá mơ hồ. Người ta biết nhiều sự phi liêm chính hơn liêm chính, như các "lò ấp tiến sĩ" trong đời thực tới các chợ bán luận văn trên mạng. Từ các vụ đạo văn ầm ĩ bị phát hiện rồi chả đi tới đâu tới những danh xưng ồn ào nhưng rỗng tuếch ai cũng biết là đồ mua đồ mượn đồ ăn cắp nhưng rồi cũng chả ai nói. Ngay các “công trình khoa học” của các “nhà khoa học”, nhất là ở cấp tỉnh, làm xong cất trong folder vì chả áp dụng gì, và cũng bởi nó là sự cóp nhặt lung tung mỗi nơi một ít thành một bản “nghiên cứu khoa học” nhận tiền “nghiên cứu” xong là cất, đa phần là rất bí mật...
Thế nên khi có tờ báo nêu vụ này ra, ai cũng nghĩ là nó... ghê gớm lắm.
Và vị PGS.TS ấy cũng ngay lập tức, viết đơn xin ra khỏi Hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted. Nhiều người đánh giá rất cao hành động đầy tự trọng này của nhà khoa học.
Và rồi, đọc kỹ, xem kỹ, thấy sự việc nó khác, khác hoàn toàn những gì lâu nay người ta nghĩ về “liêm chính khoa học”.
Một nhà báo đã viết một bài rất hay, cái đầu đề cũng cực hay: “Tố cáo bất chính, hiện ra...người liêm chính”.
Thì ra nó là, PGS TS Đinh Công Hướng công tác tại trường đại học Quy Nhơn, sau khi hoàn thành công việc của mình, và trường cũng không có quy định không được ký hợp đồng nghiên cứu cho trường khác, ông đã ký hợp đồng với một vài trường đại học khác, làm công trình cho họ, và tất nhiên họ đứng tên cơ quan chủ quản.
Phải nói luôn, trường đại học Quy Nhơn phải hết sức tự hào có một cán bộ của mình giỏi như thế. Nên nhớ, đây là trường nhỏ so với các đại học ở hai thành phố hai đầu đất nước. Nhiều giảng viên ở đây đã chuyển vào các đại học ở TP.HCM hoặc chuyển ra ngành khác, thế mà giờ xuất hiện một PGS.TS ngành toán tại trường như thế là rất đáng tự hào.
Thêm nữa, chính một lãnh đạo của trường đại học Quy Nhơn cũng nói rằng, trường chưa/ không có một quy định, văn bản nào về việc công tác ở trường này và hợp tác với trường khác để đưa vào công tác quản lý.
Tức là cả về mặt đạo đức và pháp luật, thầy Hướng đều không sai.
Quy định của cơ quan cũng không.
Kỹ hơn, bài báo nêu trên cũng phân tích: “Với tư cách là thành viên Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), thầy Hướng chịu điều chỉnh bởi Quyết định số 10/QĐ-NAFOSTED.
Tuy nhiên tất cả các văn bản trên đều được ban hành trong hai năm 2022, 2023. Nếu hành vi của thầy Hướng diễn ra trước đó, khi thầy còn dạy trường đại học Quy Nhơn thì không chịu sự điều chỉnh, không vi phạm 3 văn bản vừa nêu”.
Trong nghề báo của chúng tôi, cũng vẫn có trường hợp người của báo này viết cho báo kia nếu báo chủ quản không cấm. Tất nhiên nó cũng có thêm vài ràng buộc kèm theo, ví dụ phải hoàn thành chỉ tiêu, ví dụ phải ký bút danh vân vân. Cũng có báo, vì đã trả lương và thu nhập khá cao, đủ cho phóng viên của mình sống, thì có hẳn quy định là phóng viên không được viết cho báo khác. Và nếu vi phạm thì cũng chỉ bị báo ấy kỷ luật, thông thường là trừ lương, thưởng hoặc cấm bút một thời gian.
Nhưng tất cả những điều ấy nó đều được quy định công khai, và quan trọng là, thu nhập ở báo ấy đủ để anh không phải cộng tác với báo ngoài, trong nghề thường gọi vui là... "ngoại tình".
Qua vụ này, chúng ta thấy một việc, ấy là sự mâu thuẫn giữa cống hiến và thụ hưởng. Thầy Hướng rõ ràng là người tốt, người tài, nhưng khi mà trường chủ quản chưa có đủ cơ chế, khả năng để mua chất xám của thầy thì thầy có quyền bán nơi có thể mua. Nó còn hơn rất nhiều nếu thầy Hướng đi mở nhà hàng, thậm chí như một thời, chạy xe ôm, giờ sang hơn là... grab, sau giờ lên lớp.
Nên tôi cám ơn thầy Hướng đã cho tôi một cái nhìn sáng sủa, lạc quan về khoa học nước nhà.
Nhưng tất nhiên, mục đích “mua” công trình của thầy Hướng cũng cần rạch ròi, nếu để “khoe” thành thích, nâng hạng trường và quảng cáo để chiêu sinh thì bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến phân định đúng sai. Nhưng nó không phải là việc để quy trách nhiệm cho thầy Hướng dù thầy có biết chuyện ấy.
Ngẫm cho cùng, làm ra sản phẩm, nhất là sản phẩm chất xám, mà có người hân hoan mua, ai mà chả thích. Nó vừa giải quyết khâu vật chất phụ vào thu nhập vốn dĩ không cao của đa số trí thức, và nữa, như một sự khẳng định của xã hội đối với khả năng của mình...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/liem-chinh-khoa-hoc-a634360.html