Liêm chính trong kinh doanh

Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ án kinh tế lớn với những tội danh như: tham nhũng, thao túng thị trường, cố ý làm trái quy định, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, kéo theo sự 'đổ vỡ' của không ít mô hình doanh nghiệp và gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự liêm chính trong hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa: canva.com

Ảnh minh họa: canva.com

Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 41,4% số doanh nghiệp được hỏi đều cho biết đang phải trả chi phí không chính thức.

Tuy nhiên, tiếp cận ở một góc nhìn khác, có thể thấy sự liêm chính có được ở mức độ cao hay không còn phụ thuộc từ phía doanh nghiệp khi có tới 41,2% số doanh nghiệp được hỏi đều đồng ý chi trả hoa hồng để có cơ hội thắng thầu cao hơn trong cạnh tranh; gần 60% số doanh nghiệp cho rằng chi phí không chính thức khá tốn kém cho doanh nghiệp và tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Như vậy, vẫn có một bộ phận lớn doanh nghiệp chấp nhận hy sinh liêm chính để được việc. Họ không chỉ là nạn nhân, mà đôi khi cũng chính là đối tượng thúc đẩy các hành vi tiêu cực.

Đặc biệt, dưới sức ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, đã khiến tính minh bạch, liêm chính của một số doanh nghiệp ngày càng gặp thách thức, không chỉ trong mối quan hệ với chính sách, thể chế, mà ngay cả với khách hàng.

Mới đây, việc rau trôi nổi “đội lốt” rau VietGAP được bán trong hệ thống siêu thị WinMart và sàn thương mại điện tử Tiki thêm một lần nữa khiến niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay, tạo nên sự nghi ngờ về tính minh bạch của thực phẩm gắn mác “sạch” nói chung đang được bán tại các siêu thị, cửa hàng có uy tín lâu năm.

Thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đồng bộ với ba chủ thể cơ bản là cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội và tầng lớp doanh nhân nhằm bảo đảm chuẩn mực liêm chính trong kinh doanh, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp để từ đó có những giải pháp nâng cao sự liêm chính trong kinh doanh một cách bền vững.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kinh doanh liêm chính là không khó, chi phí cho hoạt động này cũng không cần đầu tư quá nhiều, song điều quan trọng là cần tinh thần nghiêm túc, tuân thủ tốt pháp luật, giữ cam kết, minh bạch và thực hiện nhất quán với các bên liên quan. Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp không cần máy móc, rập khuôn theo một mô hình nhất định, có thể linh hoạt áp dụng các bộ quy tắc một cách linh hoạt, phù hợp từng doanh nghiệp. Nguyên tắc áp dụng phải được thực hiện một cách công bằng, trung thực và công khai.

Vì vậy, doanh nghiệp dù ở quy mô nào, muốn vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn thì kinh doanh liêm chính phải là yếu tố then chốt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng của kinh tế và sẽ đạt được thành công lâu dài. Bởi liêm chính là nền tảng cốt lõi để nâng cao tính tự cường, thu hút, giữ chân khách hàng, trong bối cảnh khó khăn lớn như hiện nay.

Song hành với đó, Chính phủ cũng cần cam kết thực hiện các biện pháp đẩy lùi tham nhũng thông qua các chính sách, nhóm luật, văn bản. Cần mạnh dạn loại bỏ những quy định bất hợp lý gây phiền hà cho doanh nghiệp, làm sao cho doanh nghiệp thấy được lợi ích dài hạn khi thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

Từ đó khuyến khích các doanh nghiệp khác thay đổi hành vi, cách ứng xử, chủ động quan tâm đến các chính sách, tiến tới lập mạng lưới, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh liêm chính, lớn mạnh, tạo hình ảnh ấn tượng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam uy tín, minh bạch, chuyên nghiệp trong mắt bạn bè quốc tế.

MINH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/liem-chinh-trong-kinh-doanh-post718315.html