Liên hoan Hát văn 2019 và những điều cần suy ngẫm
Liên hoan hát văn, hát chầu văn năm 2019 được tổ chức tại đền Lảnh Giang (Hà Nam) vừa khép lại đã mở ra nhiều suy nghĩ cho những người đau đáu với bộ môn nghệ thuật đặc sắc gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng đậm chất Việt này.
Khó có một nghệ thuật dân gian nào lại thu hút được đông đảo lượng người tham gia trải khắp nhiều tỉnh thành từ Bắc vào tới Nam như Hát văn, hầu đồng. Trong 4 ngày tổ chức, từ 5-8/9 Liên hoan đã trở thành ngày hội của những người yêu hát văn toàn quốc khi thu hút tới 70 nghệ nhân, thanh đồng cùng với trên 500 đội ngũ hầu dâng, cung văn đến từ các trung tâm văn hóa, câu lạc bộ thuộc 17 tỉnh thành trên toàn quốc.
Trong số các địa phương tham gia liên hoan năm nay ngoài chủ nhà Hà Nam còn có Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nam Định, Phú Thọ, xa nhất là hai tỉnh Phú Yên, Gia Lai.
Điều đó thể hiện sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật này và cũng là lý do khiến ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định tại lễ bế mạc Liên hoan, tối 8/9: “Chúng tôi tin tưởng rằng đây là loại hình phi vật thể duy nhất được xã hội hóa cao, tương lai có thể thoát ly được sự bao cấp của nhà nước”.
Như chúng ta đã biết, nghệ thuật hát văn, hầu đồng gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc của người Việt, song nghệ thuật này cũng có giai đoạn nhiều sóng gió khi bị đánh đồng với yếu tố mê tín dị đoan. Chính vì vậy, việc tổ chức một liên hoan quy mô toàn quốc như thế này vừa là dịp để quy tụ những nghệ sĩ, nghệ nhân đang góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà cha ông trao truyền, vừa là dịp để nhà quản lý văn hóa các cấp nhìn nhận và có những hiệu chỉnh kịp thời hoạt động của nghệ thuật này.
Bên cạnh đó, công tác chuyên môn của Liên hoan vẫn còn một vài điều băn khoăn. Đầu tiên chính là cái tên của liên hoan: “hát văn, hát chầu văn” hai từ gần như giống nhau được lặp lại đó liệu có thừa? Hát chầu văn có thể hiểu một cách ngắn gọn và đơn giản nhất đó là hát văn chầu thánh, tức là chỉ có những giá văn được cung văn hát trong lúc các thanh đồng thực hành nghi lễ mới được gọi là chầu văn.
Trong khi, hát văn ở góc độ âm nhạc thì bao hàm rộng hơn thế, vì nó còn chứa cả văn mới với nội dung đề tài mở rộng, ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu con người với con người... Tức là hát văn dùng để biểu diễn. Ví dụ như bài văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” được lòng điệu từ thơ của Nguyễn Duy.
Tuy nhiên, việc sử dụng tên gọi như vậy, đặc biệt là “hát chầu văn” người nghe sẽ hiểu ở đây muốn nhấn mạnh 2 chi tiết, một là các giá văn trong thực hành nghi lễ hầu đồng và hai là nhấn mạnh trọng tâm âm nhạc. Đây phải là cuộc thi thố của những cung văn và những nghệ nhân, nghệ sĩ hát văn đặt lời mới. Và điều đó lại chưa thể hiện được ở liên hoan. Ví dụ trong thông báo số 519 của Cục Văn hóa cơ sở về việc tổ chức liên hoan, ở phần thể loại có quy định “mỗi nghệ nhân, diễn viên, thanh đồng mời cung văn, tự sắm lễ để hầu thánh…”. Nếu theo đúng vậy thì nhân vật trung tâm ở đây không phải cung văn, mà là thanh đồng.
Thực tế tại liên hoan, các cung văn được sắp xếp ở vị trí một bên cánh gà, trong khi ở trung tâm của sân khấu lại là các thanh đồng trình diễn nhập vai các vị thánh theo nội dung từng giá văn. Khi các thanh đồng là nhân vật trung tâm thì tiết mục không còn là “hát chầu văn” nữa mà phải là hầu đồng (hoặc các tên gọi khác: lên đồng, hầu bóng). Có nghĩa tên gọi của liên hoan chưa phản ánh đúng, đầy đủ với nội dung diễn ra trong liên hoan.
Một nội dung khác cũng nằm trong quy định được cho là làm khó các đoàn tham gia. Đó là phần quy định “có thể đặt lời mới hoặc lời cổ”. Đặt lời mới thì đã quen, còn đặt lời từ “lời cổ” thì dường như rất khó hiểu. Có những ý kiến cho rằng lời cổ thì đã có sẵn trong các bản văn không cần đặt. Chi tiết này hoàn toàn không sáng nghĩa và có phần thừa, cần cắt nghĩa cho sáng tỏ hoặc loại bỏ trong quy định.
Ban giám khảo chỉ với 3 thành viên là nhà quản lý và nghệ sĩ chèo, không có một nghệ nhân hát văn am tường hay nhà nghiên cứu nằm trong thành phần này là một thiệt thòi cho hát văn. Hát văn rất phong phú về mặt thể hiện và sự sáng tạo, có thể chỉ có vài điệu chính nhưng các biến thể của nó thì rất phong phú, không hiểu sâu khi nghe rất khó phát hiện ra.
Tất nhiên, đây chỉ là một chi tiết trong rất nhiều chi tiết khác rất cần phát hiện và tôn vinh mỗi lần tổ chức liên hoan, để có sự ghi nhận kịp thời với nghệ nhân, nghệ sĩ có nỗ lực tìm tòi; đồng thời để những người đang thực hành nghi lễ tín ngưỡng này học hỏi lẫn nhau, qua đó góp phần cho hoạt động hát văn ngày càng chất lượng và đúng hướng. Đó mới là điều cần thiết mà các liên hoan phải làm được.
Có thể nói, về công tác chuyên môn vẫn còn một vài hạn chế cần nhìn nhận và nhanh chóng có những chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý, kịp thời cho những lần tổ chức sau. Bởi lẽ, phải khẳng định việc duy trì tổ chức Liên hoan thường xuyên là cần thiết nhằm góp phần quảng bá những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.