Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 năm 2025: Những đêm rực rỡ bên dòng sông Hàn

Tôi đến Đà Nẵng những ngày thành phố xinh đẹp này sôi nổi lạ thường. Một lễ hội pháo hoa đang diễn ra khiến bầu trời vào buổi tối bừng sáng, rọi ánh lửa xuống dòng sông Hàn lung linh. Đặc biệt, một sự kiện mang tầm vóc quốc tế khiến người dân và du khách nơi đây có một tuần 'ăn điện ảnh, ngủ điện ảnh' - Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 năm 2025 (DANAFF III).

Các diễn viên Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ... giao lưu tại DANAFF III

Các diễn viên Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ... giao lưu tại DANAFF III

1. Hồ hởi chào đón đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đến tham dự DANAFF III, ông Lê Trung Chinh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng “khoe”: “Liên hoan phim là lời khẳng định của TP Đà Nẵng về định hướng phát triển thành phố trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa và công nghiệp điện ảnh mới của Việt Nam và khu vực. Ở thành phố này, điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là động lực phát triển kinh tế, là phương tiện quảng bá hình ảnh văn hóa, là cầu nối giữa con người với con người, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa các giá trị chân, thiện, mỹ”.

Tôi cũng ấn tượng với lời phát biểu của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, trong lễ khai mạc: “DANAFF chính là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với công nghiệp điện ảnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của các nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Kyrgyzstan… cho thấy Đà Nẵng đã và đang trở thành nơi giao thoa của những ý tưởng và sáng tạo, nơi văn hóa sản sinh ra văn hóa; nơi sự đổi mới của tuổi trẻ gặp gỡ nghề thủ công truyền thống và những kiến thức được dựng xây qua nhiều thế hệ. Chỉ cách nơi đây vài km là Hội An - một di sản thế giới được UNESCO ghi danh và cũng là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Tại đây, UNESCO thực sự cảm nhận được sự ấm áp, chân tình như một gia đình”.

Theo suốt 7 ngày diễn ra liên hoan phim, điều mà tôi cảm nhận được nhiều nhất là tầm vóc, quy mô của một liên hoan điện ảnh hàng đầu của chúng ta hiện nay. Đó không phải là cảm nhận chủ quan của tôi hay các bạn đồng nghiệp văn chương, mà còn là suy nghĩ chung của tất cả những ai tham dự liên hoan phim lần này. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và cũng là Giám đốc DANAFF III, cho biết: “DANAFF III đã làm được nhiều việc lớn. Trước hết là tôn vinh và phát huy kho di sản quý báu của điện ảnh thông qua hai chương trình trọng điểm là Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước và Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc. DANAFF năm nay cũng có 11 phim quốc tế lần đầu tiên được công chiếu dạng world premiere (công chiếu lần đầu trên toàn thế giới) hoặc international premiere (công chiếu lần đầu ngoài quốc gia sản xuất). Đây là điều mà các kỳ liên hoan trước, chúng tôi chỉ dám hy vọng thì nay đã trở thành sự thật”.

Tôi đã cùng nhiều nhà báo, nghệ sĩ, các nhà sản xuất, nhà làm phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc… tham dự hầu hết các chương trình chiếu phim, giao lưu với khán giả và trao đổi kinh nghiệm trong khuôn khổ DANAFF III. Trong đó, có nhiều hội thảo sôi động, đầy ý nghĩa như: Toàn cảnh điện ảnh châu Á, Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất, Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh… Có thể nói, chúng tôi thực sự đã có một tuần “sống, cảm thụ và trưởng thành” cùng điện ảnh ở DANAFF III.

2. Tôi may mắn được ở cùng khách sạn với những ngôi sao điện ảnh Việt Nam một thời, như: NSƯT Đặng Tất Bình cùng phu nhân, NSND Lan Hương - Em bé Hà Nội ngày nào; rồi các diễn viên Thanh Loan, Chiều Xuân, Minh Châu, Minh Thu, Nguyễn Hữu Mười, Minh Trang, Hoàng Cúc, Ngô Lê Quyên, Võ Hoài Nam… Các đạo diễn Phi Tiến Sơn, Đào Xuân Phúc, Bùi Tuấn Dũng, Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Trinh Hoan… Dù thời gian đã trôi qua, họ vẫn là những ký ức của biết bao thế hệ khán giả Việt Nam, và với họ, tình yêu điện ảnh vẫn luôn rực cháy trong tâm hồn.

Tôi được đi cùng 3 đoàn phim dự 3 buổi chiếu và giao lưu với khán giả. Đó là các phim: Sinh mệnh (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đoàn Xuân Phúc), Truyền thuyết Quán Tiên (phỏng theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, kịch bản Đoàn Tuấn, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) và Ra Bắc vào Nam (kịch bản và đạo diễn Phi Tiến Sơn). Đây không phải là những bộ phim mới, nhưng với nhiều khán giả ở DANAFF III, đây có lẽ là lần đầu họ được xem và tôi đã được chứng kiến không ít những rung cảm, xúc động sau khi xem phim. Và những cảm xúc đó càng dâng trào hơn khi sau các suất chiếu là những buổi giao lưu, nơi khán giả được nghe chính người làm nên các bộ phim kể về những gian truân khi làm phim ngày đó. Cảm xúc của những người làm phim dù qua bao năm tháng vẫn mạnh mẽ biết bao, và tình yêu công chúng với điện ảnh và những bộ phim chiến tranh của chúng ta cũng mãnh liệt làm sao…

3. Nhiều người đã nhắc đến con số hơn 100 phim trình chiếu tại DANAFF III, nhưng tôi lại muốn nhắc đến một dấu ấn khác, dấu ấn của các ngôi sao điện ảnh thế giới trên thảm đỏ liên hoan phim Việt Nam. Có rất nhiều cái tên nổi tiếng, trong đó không ít là những ngôi sao hàng đầu châu Á như Moon So Ri, Park Sungwoong, Kim Hye Soo - Idol Nation (Hàn Quốc); Richar.R Faulkerso Jr. (Philippines); Shantanu Maheshwari (Ấn Độ)… Tất cả họ đều đã đi trên thảm đỏ lộng lẫy của DANAFF III, ngay dưới bầu trời đêm rực rỡ pháo hoa trong lễ hội pháo hoa. Đà Nẵng đã thực sự trở thành điểm hẹn điện ảnh mới của châu Á.

Có lẽ mỗi người đều có những nghệ sĩ, diễn viên mà mình yêu thích ở DANAFF III, còn với riêng tôi, ngôi sao rực rỡ nhất trên thảm đỏ đêm hôm đó lại là một người khác, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, người đã thể hiện rõ tài năng tổ chức xuất sắc, góp phần đem đến một kỳ liên hoan phim đầy ấn tượng, thành công, đóng góp cho sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam.

Nhà văn CHÂU LA VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lien-hoan-phim-chau-a-da-nang-lan-thu-3-nam-2025-nhung-dem-ruc-ro-ben-dong-song-han-post803552.html