Du lịch Việt: Chinh phục du khách hạng sang
Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, song tỷ lệ du khách cao cấp vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là điểm đến giàu tiềm năng để thu hút tầng lớp thượng lưu toàn cầu nhờ cảnh quan ngoạn mục, văn hóa bản địa đặc sắc và hệ thống nghỉ dưỡng đang phát triển...

Khách quốc tế thích thú với vẻ đẹp của Hồ Gươm.
Những điểm cộng cho du lịch
Số liệu công bố từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm tới nay đạt mức tăng trưởng khoảng 10-25%, xếp thứ 7 trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 10, vượt xa một số nước trong khu vực như Phil-ippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Xây dựng hệ sinh thái 5C
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 4%, quy mô thị trường du lịch cao cấp toàn cầu đã đạt hơn 2.100 tỷ USD (năm 2023) và dự kiến sẽ vượt 3.000 tỷ USD vào năm 2032. Tệp khách thượng lưu từ châu Âu mặc dù chỉ chiếm 2% nhưng lại đóng góp đến 22% doanh thu cho ngành công nghiệp không khói thế giới.
“Nếu được đầu tư đúng hướng, đây là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh khai thác phân khúc khách du lịch hạng sang, một mỏ kim cương lộ thiên” - Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để toàn ngành có thể bứt phá, phát triển bền vững với mục tiêu tập trung vào các thị trường trọng điểm, theo TS Phạm Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch xanh Việt Nam, cần xây dựng hệ sinh thái 5C: Culture (văn hóa), Cuisine (ẩm thực), Customization (cá nhân hóa), Community (gắn kết cộng đồng), Content (trải nghiệm độc đáo) để hấp dẫn thị trường khách hạng sang.
Theo vị chuyên gia này, hiệu quả từ chính sách visa không chỉ cần được duy trì mà phải mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Bắc Âu, Đông Âu. Đặc biệt, đầu tư chiều sâu cho xúc tiến và truyền thông điểm đến qua các sự kiện văn hóa, điện ảnh, thể thao tầm cỡ quốc tế.
T.H
Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch hạng sang đến từ các thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Đông. Dù chưa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số du khách quốc tế, nhưng nhóm khách này có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài. Họ thường lựa chọn các khu nghỉ dưỡng 5 sao ven biển như ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, hoặc trải nghiệm du lịch riêng tư như du thuyền vịnh Hạ Long, các resort biệt lập ở vùng núi Tây Bắc, cao nguyên Đà Lạt.
Từ chuyến ghé thăm Đà Nẵng của tỷ phú công nghệ Bill Gates, đến những đám cưới xa hoa của giới siêu giàu Ấn Độ tại các điểm đến danh tiếng, hay hình ảnh hai triệu phú người Mỹ trải nghiệm vùng cao Hà Giang và vịnh Hạ Long đầu năm nay… Tất cả đã góp phần tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, lan tỏa sức hút của Việt Nam trong mắt tầng lớp thượng lưu toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, nền ẩm thực phong phú và bản sắc văn hóa độc đáo chính là những yếu tố khiến du khách quốc tế bị cuốn hút khi đến Việt Nam.
Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh để thu hút dòng khách du lịch hạng sang. Trước hết là sự đa dạng về cảnh quan tự nhiên, từ biển xanh, núi non đến những cánh rừng nguyên sinh, mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo và khác biệt cho du khách quốc tế.
Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Việt Nam còn ghi dấu ấn với hệ thống di sản văn hóa, lịch sử phong phú. Trong đó có nhiều địa danh được UNESCO công nhận như Hội An, Huế hay Hoàng thành Thăng Long. Đây là những điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với nhóm du khách yêu thích khám phá chiều sâu văn hóa bản địa.
Một điểm cộng đáng kể khác là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp, spa và các dịch vụ cá nhân hóa – yếu tố góp phần nâng tầm trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của tầng lớp du khách thượng lưu.
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến trong khu vực, Việt Nam vẫn giữ được mức giá hợp lý cho các dịch vụ cao cấp, một ưu thế lớn để thu hút và giữ chân khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao.
Theo TS Hoàng Thị Điệp - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đặc biệt yêu thích cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa và ẩm thực truyền thống. Trong đó, phân khúc khách hạng sang - những người có khả năng chi trả cao và thời gian lưu trú dài ngày - lại có những tiêu chí chọn lựa khắt khe và khác biệt hơn. Họ quan tâm sâu sắc đến chất lượng môi trường, các yếu tố phát triển bền vững, cũng như đòi hỏi sự tinh tế và cá nhân hóa trong từng trải nghiệm.
“Khách cao cấp có xu hướng lựa chọn những sản phẩm xanh, thân thiện với điểm đến như du lịch nông nghiệp, du thuyền, chơi golf, ẩm thực đặc sản, hay các tour “no carbon”... Những sản phẩm này phải thực sự khác biệt, được thiết kế riêng và mang lại cảm giác duy nhất cho người trải nghiệm” - TS Hoàng Thị Điệp nhấn mạnh.
Vẫn còn rào cản
Dù sở hữu tiềm năng lớn, tuy nhiên ngành du lịch vẫn đối mặt với không ít rào cản trong hành trình chinh phục dòng khách du lịch cao cấp. Một trong những hạn chế đáng kể là thiếu vắng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, mang tính khác biệt và cá nhân hóa cao - điều mà giới thượng lưu đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch tại nhiều địa phương còn chưa đồng bộ, từ sân bay quốc tế, cảng du thuyền đến hệ thống giao thông kết nối các điểm đến.
Chất lượng dịch vụ, đặc biệt là nhân lực phục vụ nhóm khách cao cấp, vẫn chưa đạt chuẩn đồng đều, thiếu kỹ năng ngoại ngữ và kinh nghiệm ứng xử theo tiêu chuẩn quốc tế. Công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thị trường toàn cầu cũng chưa thật sự định vị rõ nét phân khúc cao cấp, chủ yếu vẫn tập trung vào yếu tố “đẹp, rẻ, thân thiện”.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, không dễ dàng gì để thu hút khách du lịch cao cấp. Đối tượng khách này sẵn sàng chi trả rất cao nhưng đổi lại sản phẩm cung cấp phải có giá trị cao. Giá trị cao của sản phẩm không đơn thuần chỉ là tài nguyên du lịch mà quan trọng hơn là cách phát triển hệ thống dịch vụ và đóng gói sản phẩm. Đó là chưa kể hệ thống bán sản phẩm. Chúng ta cần một hệ thống kinh doanh du lịch thực sự bài bản, chuyên nghiệp, bền vững và giàu tính sáng tạo, đổi mới.
Ông Lê Công Năng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch quốc tế WonderTour cho rằng, dù có tiềm năng tự nhiên và bước đầu phát triển cơ sở lưu trú cao cấp, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa thể trở thành lựa chọn ưu tiên của khách quốc tế hạng sang. Nguyên nhân không nằm ở tài nguyên, mà do thiếu chiến lược riêng cho phân khúc cao cấp và hệ sinh thái dịch vụ còn yếu.
Việt Nam chưa định vị rõ ràng hình ảnh điểm đến gắn với giá trị tinh thần, trải nghiệm độc đáo. Dù có resort 5 sao, nhưng các dịch vụ đi kèm vẫn rời rạc, thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực cũng là rào cản lớn, khi phần lớn nhân viên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng ngoại ngữ và tư duy dịch vụ tinh tế. Bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng "chặt chém", giao thông chưa đồng bộ, visa chưa linh hoạt...
Thay đổi để hút khách thượng lưu
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhóm khách du lịch cao cấp, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch chuyên biệt như golf, lặn biển, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), du thuyền cao cấp, khám phá thiên nhiên hoang dã và thám hiểm hang động. Những sản phẩm này không chỉ mang tính trải nghiệm độc đáo mà còn tạo dấu ấn riêng biệt, phù hợp với thị hiếu và mức chi tiêu lớn của tầng lớp du khách thượng lưu.
Theo các chuyên gia du lịch, dòng khách cao cấp là nhóm khách hàng có tiêu chuẩn rất cao, không chỉ đòi hỏi chất lượng dịch vụ vượt trội mà còn đề cao sự riêng tư và tính cá nhân hóa trong từng trải nghiệm.
Theo TS Hoàng Thị Điệp, doanh nghiệp du lịch và các điểm đến không thể chỉ dừng lại ở việc phô diễn cảnh đẹp hay tiện nghi sẵn có. Điều quan trọng là phải thấu hiểu nhu cầu, kỳ vọng và phong cách sống của từng nhóm khách cụ thể. Đây là nhóm khách hàng khó tính, luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ ở mức cao nhất, sự riêng tư tuyệt đối và trải nghiệm được cá nhân hóa tối đa.
“Với dòng khách cao cấp, sự đẳng cấp không nằm ở sự hào nhoáng, mà ở mức độ tinh tế trong phục vụ, sự nguyên bản trong văn hóa bản địa và khả năng kiến tạo những trải nghiệm độc nhất. Từ không gian nghỉ dưỡng, quy chuẩn phục vụ cho đến từng món ăn, thức uống - tất cả đều cần được thiết kế theo gu thẩm mỹ, sở thích và lối sống riêng biệt của từng du khách” - bà Điệp nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo bà Điệp ngành Du lịch Việt Nam cần mạnh dạn chuyển từ tư duy “bán cái mình có” sang “cung cấp điều khách cần”. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế, mà còn là chìa khóa để nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, để thu hút khách du lịch hạng sang, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, lưu trú cao cấp và tiện ích đi kèm. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên sâu về kỹ năng phục vụ tiêu chuẩn quốc tế.
“Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến gắn với trải nghiệm độc đáo, dịch vụ cao cấp và cá nhân hóa. Việc xây dựng các tour riêng tư, nghỉ dưỡng biệt lập cùng hợp tác quốc tế sẽ góp phần mở rộng thị trường và nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch hạng sang” - ông Quỳnh nói.
PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, định hướng thu hút dòng khách quốc tế hạng sang đã nằm trong lộ trình chiến lược của ngành du lịch. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp để đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách cao cấp. Việc đón được dòng khách này thời gian qua là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, dù sở hữu tiềm năng và lợi thế, du lịch Việt Nam vẫn gặp khó trong việc thu hút khách hạng sang. Nguyên nhân không nằm ở tài nguyên, mà ở cách tiếp cận và triển khai. Điều quan trọng là nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo từng địa phương - bởi dù có chiến lược, tài nguyên, nếu không được thực thi tốt cũng khó tạo chuyển biến thực chất.
Một thách thức khác là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu để phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm du lịch cao cấp hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư.
Để cải thiện tình hình, ngành du lịch cần thay đổi tư duy ở cấp lãnh đạo địa phương, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng sản phẩm du lịch. Cùng với đó, cần hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm cao cấp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cần phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt
Ông Lê Công Năng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch quốc tế WonderTour cho rằng, để thu hút được dòng khách hạng sang, những người có khả năng chi tiêu cao, Việt Nam cần một chiến lược phát triển đồng bộ, bài bản và mang tính dài hạn, thay vì tiếp tục khai thác theo tư duy “lấy số lượng làm trọng”.
Trước hết cần xây dựng chiến lược định vị điểm đến cao cấp ở tầm quốc gia. Việt Nam phải xác lập một hình ảnh nhất quán sang trọng, riêng tư, tinh tế phù hợp với kỳ vọng của phân khúc này. Song song, truyền thông điểm đến phải gắn với các giá trị độc bản như thiên nhiên biệt lập, văn hóa sâu sắc, ẩm thực tinh hoa và con người bản địa hiếu khách - thay vì chỉ quảng bá hình ảnh quen thuộc.
Cùng với đó, phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt thay vì cố gắng “nâng cấp” các sản phẩm đại trà. Những trải nghiệm cá nhân hóa cao như: du thuyền riêng, golf tour cao cấp, retreat chăm sóc sức khỏe, hành trình khám phá văn hóa bản địa cùng chuyên gia, ẩm thực kết hợp nghệ thuật… cần được thiết kế theo kiểu “may đo”, có chiều sâu và tạo ấn tượng dài lâu. Nâng cấp toàn diện chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực. Đội ngũ phục vụ khách hạng sang không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn cần hiểu văn hóa, tâm lý khách, biết ứng xử linh hoạt và có khả năng tương tác đẳng cấp.
Cùng với đó, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc cải thiện hạ tầng, kết nối điểm đến, chính sách visa linh hoạt, quản lý giá cả minh bạch và đảm bảo an toàn cho du khách. Sự xuất hiện của các thương hiệu toàn cầu như Park Hyatt, Capella, Rosewood, Four Seasons… là tín hiệu tốt, nhưng cần đi kèm với hệ sinh thái xứng tầm để giữ chân khách dài ngày và tăng tỷ lệ khách quay lại.
Hướng tới những khách hàng “xa xỉ thầm lặng”
Một góc khu nghỉ dưỡng P’apiu resort ở Hà Giang - nơi được nhiều doanh nhân siêu giàu lựa chọn.
“Quiet luxury” hay “xa xỉ thầm lặng” là thuật ngữ phổ biến trong giới thời trang, để chỉ những trang phục đắt đỏ, cao cấp nhưng thường không đính kèm tên thương hiệu.
Hiện nay, xu hướng trên đang tràn vào ngành du lịch, khi những người thuộc nhóm 1% giàu nhất thế giới có xu hướng từ bỏ những điểm đến nổi tiếng, để hướng về những nơi nghỉ ngơi kín đáo hơn.
Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nhóm khách hàng chú trọng vào các trải nghiệm “xa xỉ thầm lặng”, bởi sự đa dạng, phong phú trong cảnh sắc thiên nhiên, thậm chí, nhiều điểm đến độc đáo vẫn đang trên hành trình được khám phá.
Thời gian qua, một số ngôi sao, tỷ phú, doanh nhân tầm cỡ quốc tế đã lựa chọn các trải nghiệm du lịch riêng tư tại Việt Nam. Như trong tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng. Hay sau dịch Covid-19 đến nay, khu nghỉ dưỡng P’apiu resort (Hà Giang) cũng đón 3 đoàn khách siêu giàu, trong đó đoàn đầu tiên là một cặp đôi tỉ phú Mỹ (tháng 12/2022), tiếp theo là cặp đôi vợ chồng tỉ phú Thái Lan (tháng 9/2023) và đoàn khách các thiếu gia Mỹ (tháng 12/2023)…
Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp du lịch hướng tới phục vụ nhóm khách siêu giàu đang dần gia tăng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp cận nhóm khách hàng “chịu chi” nhưng không bao giờ ra mặt trực tiếp này. Muốn làm vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thiết lập mối quan hệ đối tác với các đại lý du lịch và công ty lữ hành chuyên phục vụ khách hàng cao cấp ở từng thị trường, từ đó mới có thể tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu tốt hơn.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hạnh - CEO All Asia Vacation, đơn vị tổ chức chuyến đi cho tỷ phú Mỹ Bill Gates hồi đầu tháng 3, họ từng mất tới 5 năm để tiếp cận một công ty du lịch cao cấp có trụ sở ở Mỹ.
Trong khi đó, ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup, đơn vị chuyên cung cấp các tour du thu-yền hạng sang cho nhóm khách siêu giàu, thì đề cao yếu tố nhân sự trong việc tạo ra các trải nghiệm độc đáo, riêng tư cho khách hàng. Sau nhiều năm phục vụ 80-90% lượng khách hàng thuộc nhóm “xa xỉ thầm lặng”, ông Hà đúc rút ra một bài học quan trọng: Trải nghiệm ấn tượng, cả tích cực và tiêu cực thường đến từ yếu tố con người.
Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên có kỹ năng giao tiếp tốt, am hiểu văn hóa, ngôn ngữ và phong cách phục vụ của khách hàng đến từ các quốc gia khác nhau.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-lich-viet-chinh-phuc-du-khach-hang-sang-10310176.html