Nhà sư, vũ công và nhà khảo cổ - hành trình kích hoạt thiêng liêng
Và trong sự khởi chuyển ấy, một chân lý sâu xa vang vọng: Mandala lớn nhất luôn là mandala nằm trong chính trái tim ta.
Lòng bàn tay tôi vẫn còn nhức nhối, không phải vì cái lạnh của vách đá trong hang động ở Ngũ Đài Sơn, mà bởi dấu ấn lưu lại. Người ta tin rằng đây là dấu tay xưa của Văn Thù Bồ Tát, ấn tịnh in vào vách núi thiêng của Ngài, đang rung động theo năng lượng linh thiêng của ngày vía Đức Văn Thù.
Lạnh giá tan biến và một hình ảnh sống động hiện ra: Thung lũng Kathmandu lấp lánh, những cánh rừng xanh ngọc bao quanh bởi núi non, phía trên là ngôi bảo tháp trắng toát huy hoàng. Trong tận xương tủy, tôi cảm nhận được một thông điệp rung động như mệnh lệnh: “Hãy đi. Hãy kết nối. Hãy kích hoạt Mandala vũ trụ”.
Tôi đã được trao một sứ mệnh, sứ mệnh từ Bồ Tát trí tuệ.
Khi tâm thức con người kết nối với địa linh thiêng
Một trong những nguyên lý cốt lõi của Phật giáo là: Địa linh thiêng không phải chỉ là đất đá vô tri, mà là một mandala sống động, luôn chờ được tương tác và đánh thức. Những bảo tháp mandala là các mạch kết nối vũ trụ. Và chuyến hành hương đến Nepal của tôi được dẫn dắt bởi một vũ công, một nhà sư và một nhà khảo cổ, đã trở thành một hành trình thể nghiệm sống: liệu chúng ta có thể đánh thức những điểm giao thoa năng lượng đang ngủ yên?

Bảo tháp Swayambhunath. Ảnh tác giả cung cấp.
Câu trả lời là một tiếng “có” đầy uy lực. Và điều đó đến từ ba phương pháp thực hành sống động: vũ đạo nghi lễ, thiền định và chiêm bái tỉnh thức hòa nhịp cùng năng lượng đặc thù của mỗi địa điểm.
Khi ý chí tỉnh thức của con người cộng hưởng với địa linh thiêng, ta không chỉ là những người hành hương, mà trở thành đồng sáng tạo trong một trường thức tỉnh từ nhị nguyên chuyển hóa thành nhất thể sáng rực. Đó chính là biên giới nơi trí tuệ cổ xưa gặp gỡ sự tỉnh thức trực nghiệm.
Kathmandu: Trái tim linh thiêng trong cơ thể vũ trụ

Bảo tháp Swayambhunath. Ảnh tác giả cung cấp.
Hãy thử hình dung dãy Himalaya không chỉ là núi đá và tuyết nguyên sơ, mà là xương sống của một cơ thể vũ trụ, một hệ sinh thái linh thiêng. Và thung lũng Kathmandu chính là buồng tim, được Văn Thù Bồ Tát dùng kiếm trí tuệ cắt mở từ một hồ nguyên thủy.
Tại nơi ấy, các bảo tháp đập nhịp như luân xa:
+ Swayambhunath - Luân xa đỉnh đầu, tỏa sáng trí tuệ nguyên thủy.
+ Boudhanath - Luân xa trái tim, rung động lòng từ bi vô lượng.
+ Ramagrama (gần Lumbini) - Luân xa gốc, neo giữ tinh túy giác ngộ nguyên sơ.
Đó chính là cảnh giới tôi bước vào, theo tiếng gọi trực giác từ hang đá ở Ngũ Đài Sơn. Chuyến hành hương trở thành một hành vi có chủ đích, dò theo những đường kinh mạch năng lượng bằng hành động linh thiêng cụ thể. Truyền thuyết xưa giờ đây không còn là lịch sử, mà là cẩm nang vận hành.
Từ dấu tay Văn Thù đến trung tâm Kathmandu - ba chiếc chìa khóa mở ba cánh cửa
Hình ảnh từ dấu tay Bồ Tát Văn Thù đã dẫn tôi từ đỉnh sương mù của Trung Hoa đến sự náo nhiệt huy hoàng của Nepal. Trong tâm trí, Kathmandu như một viên ngọc lơ lửng, với Swayambhunath phát sáng ở trung tâm. Mang theo sứ mệnh cộng hưởng với bản thiết kế vũ trụ của Bồ Tát, tôi đặt chân tới nơi này mà không biết rõ lộ trình phía trước.
Tôi linh cảm rằng những người dẫn đường sẽ tìm đến mình. Và họ đã đến, ba người, như ba chiếc chìa khóa mở ba cánh cửa.
Prajwal Vajracharya - Vũ công cổ truyền và pháp khí sống của Swayambhunath
Hành trình của tôi bắt đầu bằng sự tận hiến trong chuyển động. Prajwal Vajracharya, một bậc thầy vũ đạo Charya Nritya là người hiểu rõ nhất cách vũ điệu Mật tông làm cho chuyển động trở thành chân ngôn và vũ công trở thành hóa thân chư Phật.
Chúng tôi thực hiện một cuộc hành hương bằng vũ đạo: từ điện thờ Vajrayogini (Nữ Vương của các Dakini) ở Pharping, nơi cộng hưởng với năng lượng của Liên Hoa Sinh, đến các ngôi chùa cổ vang vọng âm thanh trì tụng của các bậc Tôn sư Newari.
Prajwal uyển chuyển trong từng động tác như làm dịu không gian xung quanh. Sau một tháng hành trình, anh đưa ra một lời mời vừa là vinh dự, vừa là trọng trách: thực hiện nghi lễ hiến cúng Mandala lên Đức Guru tại Swayambhunath.
Trung tâm tâm linh Swayambhunath

Prajwal Vajracharya chuẩn bị nhóm vũ công Charya Nritya nước ngoài đầu tiên biểu diễn Lễ cúng dường Guru Mandala. Hình ảnh do tác giả cung cấp
Swayambhunath, bảo tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ V, vẫn luôn được nhắc đến như một bảo tháp “tự khởi sinh”. Đây là trung tâm tâm linh nguyên sơ của Kathmandu. Tương truyền, Swayambhunath xuất hiện từ một đóa sen mọc giữa hồ nguyên thủy, hồ từng được Văn Thù Bồ Tát dùng kiếm rút nước, biến nơi ấy thành thung lũng.

Prajwal Vajracharya và Rebecca Wong. Hình ảnh do tác giả cung cấp
Swayambhunath được tôn kính là hiện thân của Adi-Buddha - nguyên Phật, biểu tượng cho bản thể không sinh không diệt, tinh túy giác ngộ vượt ngoài mọi điều kiện. Vòm tháp trắng lớn tượng trưng cho trứng vũ trụ; ngọn tháp dát vàng vươn lên chạm tới tiềm năng thanh tịnh. Những ngọn đồi bao quanh, với các bảo tháp và đền đài, hợp thành một mandala linh thiêng với Swayambhunath là tâm điểm.
Vũ điệu hóa thân - Mandala sống dâng tặng hòa bình thế giới
Khoác lên mình phẩm phục đỏ thẫm của đức Phật A Di Đà, hiện thân của lòng bi mẫn, tôi bước vào vị trí của mình. Bốn huynh đệ Tăng thân của tôi lần lượt hóa thân thành Akshobhya, Ratnasambhava, Amoghasiddhi và Vairocana, tạo nên Mandala sống của Ngũ Phật. Prajwal xác nhận: chúng tôi là nhóm không phải người Newari đầu tiên được trao quyền thực hiện nghi lễ này tại nơi thiêng liêng nhất Kathmandu.

Ảnh tác giả cung cấp.
Tiếng tụng vang vọng giữa làn khói mờ buổi trưa. Chúng tôi múa, xoay quanh bảo tháp lớn, từng bước chân là một ấn chú chuyển hóa. Vũ đạo như thêu lên không gian những hoa văn gia trì. Chúng tôi chính là Mandala, một lễ hiến cúng vì hòa bình thế giới.
Cảm giác tỉnh thức xảy ra như tia sét. Khi xoay tròn, một luồng điện tinh khiết phóng dọc sống lưng tôi. Tôi cảm thấy phi thực, như đang ở chiều không gian khác. Trong nhiều ngày sau đó, tôi sống trong trạng thái trung gian, vừa hiện diện thể xác, nhưng hoàn toàn phi trọng lực, như thể đang lơ lửng trên một hồ sen.
Khi luân hồi và niết bàn hòa làm một
Không gian dày đặc năng lượng ở Kathmandu dường như nhẹ hẳn đi, trở nên trong sáng và thanh thoát. Prajwalcảm nhận được sự choáng ngợp và bối rối của tôi, mỉm cười đầy hiểu ý.
“Thân thể là ngôi đền. Mỗi cử chỉ là một lời cầu nguyện, làm tan biến nhà tù của thân xác, để lộ thân ánh sáng bên trong”. Anh dừng lại, ánh mắt bừng sáng: “Sàn múa, đó là nơi luân hồi và niết bàn ôm lấy nhau”. Tôi nghe thấy như một lời thì thầm từ vị đạo sư vũ điệu Kim Cang.
Swayambhunath, qua vũ điệu, đã được kích hoạt một cách sâu sắc.
Geshe Yeshe Kunga: Nhà sư thiền định kích hoạt Boudhanath
Từ trạng thái xuất thần của vũ điệu, tôi bước vào tĩnh lặng thẳm sâu dưới bóng đại tháp Boudhanath, được xây dựng vào thế kỷ 14. Từ năng lượng Phật A Di Đà thuộc dòng Phật Liên Hoa, tôi hạ mình vào cõi từ bi của Quán Thế Âm, hiện thân của Tâm Đại Bi của chư Phật, ánh mắt Ngài bao quát khắp thế giới từ đỉnh tháp.
Trong trái tim của Phật giáo Tây Tạng, câu chú “Om Mani Padme Hum” xoáy vào không gian như cơn lốc thiêng. Boudhanath được thiết kế như một mandala ba chiều khổng lồ mà ta có thể bước đi trong đó, biểu tượng cho vũ trụ và con đường giác ngộ. Dưới ánh trăng Vesak như tấm gương, mái vòm trắng muốt của tháp làm lu mờ mọi vật xung quanh. Một cảm giác khiêm cung khôn tả.
Từ tu viện Kopan, Geshe Yeshe Kunga, một vị sư hiền hòa toát ra trí tuệ tĩnh lặng, chỉ nhẹ nhàng nói: “Theo tôi”.
Chúng tôi hòa vào dòng người hành hương, tay quay pháp luân trong khi nhiễu quanh chân đế, một nền đá tròn khổng lồ. Rồi Ngài bất ngờ rẽ hướng, dẫn tôi đi qua một cánh cửa bí mật ẩn sâu bên trong chân tháp. Chúng tôi leo lên những bậc đá mòn dấu chân thời gian, xoắn ốc dẫn đến tầng cao nhất.
Bước ra lối đi bao quanh đỉnh tháp, tôi như bước vào một thế giới khác. Bên dưới là cảnh chợ nhộn nhạo; còn nơi đây, là một buồng vang tịch tĩnh. Chúng tôi đi ba vòng, thiền định tại bốn cổng chính tượng trưng cho bốn phương dưới ánh mắt toàn tri của trí tuệ nguyên sơ và thêm một cổng biểu trưng thứ năm phía trên đỉnh. Tại mỗi điểm, Geshe-la hướng dẫn tôi thực hiện lễ đại lễ Phật Tây Tạng, toàn thân phủ phục trên đá nóng bởi ánh mặt trời.
Cuối cùng, chúng tôi ngồi thiền hướng về phía Tây, khi mặt trời rút ánh sáng vàng chảy như mật ong khắp thung lũng. Những tia sáng ấy đổ xuống tháp, làm rực cháy mái vòm như ngọn đèn tuệ. Không phải thời gian chậm lại, mà là tan vỡ. Quá khứ, hiện tại, tương lai sụp đổ thành một điểm rực rỡ: một “bong bóng vĩnh hằng” rung động bằng sự bình an không thể diễn tả. Không khí như ngân lên một phúc lành vô ngôn.
Bí mật của Boudhanath - Trái tim Kim Cang của Phật giáo Tây Tạng

Rebecca Wong cùng Yeshe Kunga. Ảnh do tác giả cung cấp
Khi những vì sao bắt đầu lấp ló, Geshe-la thì thầm kể về lịch sử bí ẩn của tháp. Theo truyền thuyết, Boudhanath được dựng nên bởi ba hóa thân của ba nhân vật truyền kỳ trong Kim Cang thừa:
+ Vị pháp sư (Liên Hoa Sinh)
+ Vị quốc vương (Trisong Detsen)
+ Và nhà sư (Shantarakshita) - bộ ba đã mang Phật giáo vào Tây Tạng và xây dựng tu viện Samye.
Một nụ cười nhận ra hiện lên nơi khóe môi tôi. Hiện thực lượng tử?
Lời gợi mở của nhà sản xuất phim Laurence Brahm về “Theo gió mà đi”, tức là kết tinh khả tính thành thực tại giờ đây như hiện hữu rõ rệt. Tháp Boudhanath chính là điểm giao của ý chí tập thể, nơi lưu giữ xá lợi của Phật quá khứ Ca Diếp và kết nối một dòng truyền thừa đã khai sinh Phật giáo Kim Cang thừa.
Việc “kích hoạt Mandala” của Boudhanath giống như cắm phích vào nguồn gốc vũ trụ.
Giọng nhẹ như gió của Geshe-la đưa tôi trở về: “Mandala không phải là một bức hình. Đó là bản chất chân thật của Tâm. Từ bi là nền tảng, trí tuệ là chìa khóa. Mở ra trong chính mình và tất cả cảnh giới sẽ tỉnh thức”.
Đôi mắt toàn tri nơi bốn phương, biểu tượng từ bi vô lượng của đức Phật tiếp tục dõi nhìn muôn loài. Cánh cổng đại bi của Mandala Quán Âm đã được mở ra. Chìa khóa trái tim đã được kích hoạt.
Basanta: Nhà khảo cổ và khoảnh khắc vĩnh hằng tại Ramagrama

Giáo sư Basanta Bidari. Ảnh tác giả cung cấp.
Phía nam Lumbini, trong một cánh đồng vắng gió, ngọn bảo tháp Ramagrama nằm ẩn mình như một tiếng thì thầm từ ngàn xưa chìm dưới thảm cỏ.
Tôi gặp Giáo sư Basanta Bidari, nhà khảo cổ danh tiếng của Nepal. Đôi mắt ông phản chiếu từ bi của một bậc trí giả dãy Himalaya, người đã gìn giữ hàng thế kỷ di sản Phật giáo.
“Sau khi dựng những trụ đá, vua A Dục đã đến đây”, ông nói khi chúng tôi cùng ngắm mặt hồ rực rỡ dưới ánh hoàng hôn.
“Nhưng các vị Naga, rắn thần hộ pháp đã xuất hiện. Họ là những hộ vệ được Koliya phái giao phó từ ngàn xưa để canh giữ xá lợi Phật. ‘Lời thệ nguyện vẫn còn hiệu lực’, họ rít lên.
Vua A Dục cúi đầu và rút lui. Xá lợi ấy vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay”.
Ramagrama - Biểu tượng của tính bất khả xâm phạm và sự hiện diện sống động của đức Phật
Sau khi đức Phật nhập niết bàn tại Kushinagar, xá lợi của Ngài được chia cho tám vương tộc và một vị Bà-la-môn. Dân tộc Koliya, quê hương của Ramagrama nhận được một phần. Họ xây bảo tháp để tôn thờ xá lợi này.
Ramagrama vì vậy là một trong tám bảo tháp xá lợi nguyên thủy được xây dựng ngay sau khi Phật nhập diệt. Truyền thuyết kể rằng Vua A Dục (khoảng 304-232 TCN), trong nỗ lực phân bổ xá lợi cho 84.000 tháp khắp đế quốc, đã cố mở bảo tháp Ramagrama. Nhưng khi ông làm vậy, rắn thần hiện thân, khẳng định họ là những người giữ xá lợi theo lệnh Koliya từ ngàn xưa. Vua A Dục nhận ra lòng trung kiên ấy đã dừng tay, thay vào đó là dâng cúng và xây dựng bảo tháp lớn hơn bao quanh tháp gốc.
Điều làm nên sự đặc biệt của Ramagrama là: xá lợi Phật tại đây chưa từng bị di chuyển trong suốt hơn 2.500 năm. Đây là biểu tượng cho sự hiện diện trực tiếp, sống động và bất biến của Phật thân cũng như tinh thần bất hoại của Chính Pháp. Tại nơi đây, tôi cảm nhận rõ rệt một mối liên kết thiêng liêng và cụ thể với chính đức Phật Thích Ca.
Ramagrama - Sức mạnh từ sự nguyên sơ và giản dị
Sức mạnh của Ramagrama nằm ở sự đơn sơ và nguyên khởi. Hình dáng gò đồi của bảo tháp chính là hình mẫu nguyên thủy của mọi bảo tháp tượng trưng cho đức Phật đang ngồi thiền: mái vòm là thân Ngài.

Tháp Ramagrama. Ảnh tác giả cung cấp
Tại trung tâm bảo tháp, xá lợi bất động chính là biểu hiện của Pháp thân, bản thể chân thật, không biến đổi, vĩnh hằng của đức Phật. Trong “Phòng Xá Lợi”, những hạt xá lợi này chính là hạt giống (bīja) của sự giác ngộ, là hạch tâm của toàn bộ mandala.
Naga, rắn thần hộ pháp không chỉ là thần thoại. Họ là những người canh giữ bất khả ly trong mandala của Ramagrama. Nguyên tố đất và dòng nước ngầm nơi đây tượng trưng cho sinh lực sơ nguyên và trí tuệ ẩn tàng. Naga không chỉ canh giữ vật chất, mà bảo vệ lời thệ nguyện vang vọng vượt thời gian, một bí mật nằm sâu trong trung tâm mandala thiêng.
Tại chân tháp, Giáo sư Bidari quỳ gối, nhẹ nhàng phủi bụi đất: “Khi tôi gặp anh, tôi đã không còn là tôi trước đó. Và anh cũng vậy. Các Naga không bảo vệ đá, họ gìn giữ một lời hứa thiêng liêng vọng từ muôn thuở”.
16 Lễ hiến dâng - Giao cảm cùng Pháp thân
Trong khoảnh khắc hoàng hôn đỏ thẫm của ngày Saga Dawa (ngày lễ kỷ niệm đức Phật Đản sinh - Thành đạo - Nhập Niết Bàn), tôi thực hiện vũ điệu 16 lễ hiến dâng, dâng lên đức Phật Pháp thân - người đang hiện hữu qua những xá lợi vĩnh cửu này.
Tôi nhiễu tháp ba vòng, như một lễ cúng dường lên Tam Bảo, đồng thời thanh lọc thân - khẩu - ý.
Rồi phía Tây, một đám mây hồng ánh vàng tụ lại, hiện hình thành đức Phật nhập niết bàn, nằm nghiêng trong dáng điệu an nhiên siêu thoát.
Hình ảnh ấy tỏa chiếu vô biên lòng từ và trí tuệ, có lẽ đó chính là cánh cửa huy hoàng của mandala này.
Tại nơi ấy, tôi cảm nhận được sự đối thoại không lời với lời thề vĩnh cửu của các Naga.
Cội nguồn Pháp thân đã lên tiếng. Niết bàn giờ không còn là một khái niệm xa vời. Đó là bình an hiện tiền, tĩnh lặng kết tinh trong tâm trí, là đám mây sáng ngời như ấn tín đóng dấu cho một hành trình kích hoạt đã hoàn tất.
Tam Thân - Ba pháp môn - một trường tỉnh thức

Rebecca Wong cùng Basanta Bidari. Ảnh do tác giả cung cấp
Từ vũ điệu xuất thần đánh thức đỉnh trí tuệ tại Swayambhunath, đến bong bóng vĩnh hằng giữa trái tim từ bi tại Boudhanath và cuối cùng là sự hiển lộ Pháp thân tại cội rễ tĩnh lặng của Ramagrama, hành trình hành hương đã viên mãn.
Ba người dẫn đường: vũ công - nhà sư - nhà khảo cổ, chính là hiện thân của Tam Thân:
+ Ứng thân (Nirmanakaya): hình tướng biểu hiện
+ Báo thân (Sambhogakaya): an lạc quang minh
+ Pháp thân (Dharmakaya): nền tảng tối hậu.
Dưới ánh sáng gia trì của ngày Saga Dawa, nơi công đức tăng trưởng gấp vạn lần, tôi cảm thấy mình trở thành một dẫn chất (catalyst), một nhà khảo cổ tỉnh thức cắm vào mạch điện vũ trụ đang khởi chuyển.
Mandala lớn nhất luôn nằm trong tâm ta
Đám mây hồng ánh vàng hình Phật là ấn tín của Pháp thân, một dấu niêm cho năng lượng được trao và nhận, chứng minh rằng: Địa linh thiêng là có thật và sống động.
Khi được tiếp cận bằng lòng thành và sự cộng hưởng đúng cách, khi tâm thức con người hòa nhịp chính xác với tần số của địa điểm linh thiêng, thì những mandala đang ngủ yên sẽ tỉnh dậy.
Như linh ảnh từ dấu tay Văn Thù từng mách bảo: Himalaya là xương sống của một người khổng lồ đang ngủ.
Chuyến hành hương của tôi khởi đầu từ một ấn tịnh trên vách đá Ngũ Đài Sơn chính là chân ngôn đã đánh thức điều đó.
Trong sự khởi chuyển ấy, một chân lý sâu xa vang vọng: Mandala lớn nhất luôn là mandala nằm trong chính trái tim ta.
Tác giả: Rebecca Wong/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên
Nguồn: buddhistdoor.net