Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô 2024: Bất ngờ với khả năng diễn xuất của các chiến sĩ Công an Hà Nội

Lần thứ 2 tổ chức, 'Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô' gây ấn tượng ngay từ những tiết mục đầu tiên diễn ra sau lễ khai mạc được tổ chức tại rạp Công nhân, Hà Nội vào sáng nay 19-6.

Sân khấu rạp Công nhân của Nhà hát Kịch Hà Nội những ngày này trở thành điểm diễn của những “diễn viên” đặc biệt. Sở dĩ nói vậy là bởi những “diễn viên” này hoàn toàn không chuyên nghiệp, không được đào tạo bài bản qua trường lớp nào về diễn xuất và trang phục thường nhật của họ là sắc áo xanh của lực lượng Công an Nhân dân. Thú vị còn ở chỗ, những người nghệ sĩ chính hiệu như: NSND Trung Hiếu, NSND Lê Khanh…dịp này lại xuất hiện ở dưới khán phòng, vừa xem với tư cách khán giả, vừa chấm thi với vai trò giám khảo của Liên hoan.

Theo đại diện ban tổ chức, “Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô” lần này có sự tham dự của gần 400 diễn viên là cán bộ chiến sĩ thuộc 64 đơn vị của lực lượng Công an Hà Nội. Các tiết mục lần lượt được trình diễn trong hai ngày 19 và 20-6-2024.

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội

Tại lễ khai mạc Liên hoan diễn ra vào sáng nay 19-6, Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Liên hoan năm nay với chủ đề “Phía sau những chiến công” ghi nhận màn dự thi của 26 đội thi. Đây là ngày hội để cán bộ, chiến sĩ đến từ các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tài năng, khơi dậy lòng nhiệt tình, đam mê nghệ thuật và xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ Công an Thủ đô, đồng thời cũng là dịp để ôn lại những giá trị truyền thống, những bài học quý báu mà Bác Hồ đã dạy và những chiến công của lực lượng Công an Hà Nội trong suốt 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Qua đó bồi đắp cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ về truyền thống, tình yêu nghề, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Liên hoan còn được kỳ vọng trở thành cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân và lực lượng Công an, để mỗi người dân thêm hiểu và động viên, chia sẻ vất vả và những hy sinh thầm lặng của cán bộ chiến sĩ.

Để tổ chức được Liên hoan sân khấu kịch lần này, Công an TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo và các văn nghệ sĩ. Thay mặt Đảng ủy Ban Giám đốc tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Cục X03- Bộ Công an, Sở VH&TT Hà Nội, Nhà hát kịch Hà Nội, Truyền hình Công an nhân dân, các nghệ sĩ là thành viên ban giám khảo, ban cố vấn chương trình đã quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ để Công an thành phố tổ chức Liên hoan sân khấu kịch nói lần thứ II, năm 2024. - Đại tá Phạm Thanh Hùng nhấn mạnh.

Hình ảnh kết thúc vở kịch dự thi của cán bộ, chiến sĩ Cụm thi đua số 5

Hình ảnh kết thúc vở kịch dự thi của cán bộ, chiến sĩ Cụm thi đua số 5

Sau lễ khai mạc, sân khấu Liên hoan đã diễn ra những tiết mục dự thi đầu tiên. Trong đó tiết mục mở màn của các chiến sĩ đến từ Cụm thi đua số 5 đã gây xúc động mạnh cho người xem. Vở kịch được dàn dựng dựa trên vụ việc có thật về sự hy sinh khi làm nhiệm vụ của 3 chiến sĩ thuộc đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Công an quận Cấu giấy, Hà Nội trong vụ cháy xảy ra và đầu tháng 8-2022.

Trước khi đi vào trọng tâm của vở kịch, hình ảnh những người chiến sĩ Công an được khắc họa đầy nhiệt huyết, trẻ trung khi xuất hiện trên sân khấu với cây đàn guitar cùng lời ca tiếng hát rộn ràng. Trên khuôn mặt và trong câu chuyện của những người chiến sĩ trẻ ấy ánh lên niềm tin yêu vào cuộc sống, yêu đời và yêu nghề, dẫu công việc trăm bề gian khó và hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi như mọi người, nhất là khi phải ứng trực xuyên các ngày nghỉ, dịp lễ. Dù thế, tất cả đều sẵn sàng nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ cần có lệnh là lên đường. Rồi đến khi một vụ cháy đau lòng xảy ra trên địa bàn. Cả ba chiến sĩ đã hy sinh sau khi cứu được nhiều người dân thoát khỏi cơn giận dữ của "bà Hỏa".

Phân cảnh gây xúc động trong vở kịch "Đồng đội tôi" của Cụm thi đua số 5

Phân cảnh gây xúc động trong vở kịch "Đồng đội tôi" của Cụm thi đua số 5

Không chỉ dừng lại ở việc khắc họa sự hy sinh cao cả của ba chiến sĩ cứu hỏa, vở kịch còn tái hiện xúc động và chân thực nỗi đau của những người ở lại. Đó là nỗi tiếc thương vô hạn của những người đồng chí, đồng đội và hơn cả là nỗi mất mát lớn lao không gì bù đắp nổi mà người thân của các anh phải gánh chịu. Cao trào của vở kịch là khi người mẹ của một chiến sĩ đã hy sinh muốn tổ chức đám tang cho con trai mình tại nhà riêng và chôn cất anh tại nghĩa trang quê nhà, thay vì nguyện vọng của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể là được tổ chức trang trọng lễ tang cho cả ba chiến sĩ và đưa các anh về an nghỉ ở nghĩa trang dành riêng cho các liệt sĩ Công an. Sau cùng, chính người vợ của chiến sĩ Công an này đã thuyết phục mẹ chồng mình để anh sau khi nằm xuống vẫn được sống trọn trong màu áo lính –màu áo mà khi còn sống, anh luôn xem là hoài bão và lý tưởng của mình.

Phân cảnh người mẹ, người vợ và đứa con thơ diễn tả nỗi đau tột cùng khi mất đi người con, người chồng, người cha trong gia đình khiến ban giám khảo và khán giả không khỏi xúc động. Nếu chỉ nhìn vào diễn xuất, không ai có thể ngờ các chiến sĩ Công an lại có thể diễn một cách tự nhiên, giàu cảm xúc và đời đến như vậy.

Vở kịch dự thi của các chiến sĩ Công an Quận Thanh Xuân

Vở kịch dự thi của các chiến sĩ Công an Quận Thanh Xuân

Cũng trong ngày diễn đầu tiên của Liên hoan đã diễn ra nhiều tiết mục dự thi của các đơn vị trong Công an TP Hà Nội. Không chỉ gây bất ngờ bởi khả năng diễn mà như không diễn, các chiến sĩ Công an còn đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khắc họa sống động bức chân dung đa chiều về lực lượng Công an Nhân dân. Đằng sau vẻ bề ngoài tưởng chừng nghiêm túc, công việc vốn bị cho là khô khan, cứng nhắc ấy là những trái tim thổn thức yêu thương, sự hy sinh thầm lặng có khi là cả hạnh phúc riêng tư để vẹn tròn nhiệm vụ cao cả là bảo vệ bình yên cuộc sống, bảo vệ tiếng cười và hạnh phúc của biết bao gia đình trong xã hội.

Câu chuyện giản dị và cảm động về lần Bác Hồ ghé thăm các cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô vào đúng ngày mồng Một Tết Giáp Thìn năm 1964 – cũng là lần cuối cùng Bác thăm Công an Hà Nội trước khi Người đi xa – đã trở thành nguồn cảm hứng cao đẹp để các cán bộ, chiến sĩ Công an Quận Thanh Xuân dựng nên vở kịch “Vị khách đầu năm mới”. Vở kịch để lại dấu ấn đẹp trong lòng người xem bởi sự dí dỏm pha lẫn xúc động, những tình huống dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đặc biệt là sự xuất hiện của nhân vật vào vai hình tượng Bác Hồ.

Có thể nói dù là những diễn viên không chuyên, diễn xuất tay ngang nhưng các cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội đã thật sự chinh phục được người xem, bao gồm cả những nghệ sĩ đang “thoát” vai và ngồi phía dưới hàng ghế khán giả, làm công tác chấm chọn kịch mục.

Theo kế hoạch, sau 2 ngày diễn ra các tiết mục dự thi, lễ bế mạc và trao giải của “Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô lần thứ 2 – năm 2024” sẽ được tổ chức vào tối 21-6-2024 tại sân khấu rạp Công nhân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lien-hoan-san-khau-kich-noi-cong-an-thu-do-2024-bat-ngo-voi-kha-nang-dien-xuat-cua-cac-chien-si-cong-an-ha-noi-post580219.antd