Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô 2024: Những nỗi niềm ẩn sau mỗi chiến công

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô lần thứ 2 – năm 2024 sẽ khép lại vào tối nay (21/6) tại rạp Công nhân, Hà Nội. Với 26 vở kịch ngắn được trình diễn, liên hoan đã đem tới người xem hình ảnh các chiến sĩ công an tận tụy vì nhân dân, và cả những nỗi niềm ẩn sau mỗi chiến công.

2 ngày diễn hội diễn, thời tiết Hà Nội nắng như đổ lửa, cái nóng hầm hập khiến phố phường trở nên vắng vẻ, người ta ngại ra đường cũng vì… nóng. Thế nhưng, khi đến Rạp Công nhân, nơi diễn ra Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô, nhiều người sẽ không khỏi cảm thấy ngạc nhiên trước một khung cảnh trái ngược, đông đúc và náo nức. Hầm để xe chật kín, thiếu chỗ, xe máy còn để cả trên mặt hầm. Còn trong rạp, các hàng ghế đều phủ kín khán giả.

Rất đông khán giả Hà Nội, vì yêu quý lực lượng công an mà đến với Liên hoan. Ở bên ngoài cánh gà, các đội dự thi đang rất háo hức chờ tới lượt biểu diễn của mình. Phục trang đã chuẩn bị chu đáo, diễn viên đã trang điểm kỹ lưỡng để sẵn sàng hóa thân vào nhân vật.

Vở nhạc kịch "Bình yên có anh" do các cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đống Đa biểu diễn.

Vở nhạc kịch "Bình yên có anh" do các cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đống Đa biểu diễn.

26 tác phẩm tham dự lần này là 26 vở kịch ngắn khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an Thủ đô “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”. Bên cạnh những vở kịch tập trung phản ánh chiến công của những người chiến sĩ mưu trí đập tan một đường dây mua bán trái phép chất ma túy hay các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy dũng cảm quên mình cứu người bị nạn, còn là hình ảnh của các chiến sĩ cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” bám sát địa bàn, gần gũi cùng nhân dân.

Cùng với đó, ở liên hoan lần này còn có những tác phẩm khai thác tâm tư, nỗi niềm của mỗi cán bộ chiến sĩ, nỗi niềm của gia đình sau mỗi chiến công. Từ đó làm nên những tác phẩm đời hơn, gần gũi với khán giả cả trong và ngoài ngành.

"Niềm tự hào của bố" -Công an quận Nam Từ Liêm được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật.

"Niềm tự hào của bố" -Công an quận Nam Từ Liêm được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật.

Vở kịch “Niềm tự hào của bố” do các chiến sĩ công an quận Nam Từ Liêm biểu diễn là một tác phẩm như thế. Kịch bản được viết từ một câu chuyện có thật về người cảnh sát khu vực Trần Trọng Hoàng.

Dù mắc trọng bệnh (ung thư) nhưng với trách nhiệm của người cảnh sát khu vực, đồng chí đã làm việc quên mình, chỉ trừ những lúc vào bệnh viện hóa trị, đồng chí đều bám sát nhân dân, tới từng nhà vận động người dân thực hiện căn cước công dân.

Khi sức khỏe sa sút, thấy không còn đủ sức lực để thực hiện nhiệm vụ, đồng chí đã nhờ vợ thay mình tới từng nhà dân thu phiếu đăng ký làm căn cước công dân. Khi chiến dịch căn cước công dân kết thúc, cũng là lúc đồng chí từ biệt gia đình, đồng chí, đồng đội đi về miền mây trắng, để lại bố mẹ già, người vợ trẻ và 2 đứa con thơ. Chỉ 25 phút, vở kịch khiến khán phòng lặng đi trong nước mắt.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của cha mẹ, vợ và con gái đồng chí Trần Trọng Hoàng trên sân khấu sau khi vở kịch kết thúc, sự xúc động ấy càng tăng lên gấp bội, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi khi tấm màn nhung khép lại. Ở đó có sự sẻ chia của khán giả trước mất mát to lớn của gia đình đồng chí cảnh sát khu vực và ở đó cũng có cả sự trân trọng, biết ơn trước sự đóng góp của mỗi người chiến sĩ công an cho cuộc sống ngày nay.

Vở kịch "Tái sinh" do Công an quận Tây Hồ biểu diễn. Trung tá Ngô Đức Tùng (người ngồi) trong vai ông trùm ma túy.

Vở kịch "Tái sinh" do Công an quận Tây Hồ biểu diễn. Trung tá Ngô Đức Tùng (người ngồi) trong vai ông trùm ma túy.

Cố vấn nghệ thuật của vở “Niềm tự hào của bố” - NSƯT Quang Ánh chia sẻ, vở kịch đi vào khai thác tâm lý nhân vật thay vì khắc họa những chiến công. Gia đình là điều thiêng liêng với mỗi người. Các chiến sĩ công an cũng không phải ngoại lệ. Đây là điểm tựa vững chắc để họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi bắt tay vào dựng vở, anh và ê kíp đã tới thắp hương cho đồng chí Hoàng. Buổi đi đó đã rất xúc động và tại đây anh đã chắt lọc được một số chi tiết hay để đưa vào vở, tăng thêm cảm xúc cho khán giả.

Cũng theo NSƯT Quang Ánh, diễn kịch tâm lý đòi hỏi diễn viên phải hết sức tập trung và là một thể loại khó ngay cả với các diễn viên chuyên nghiệp. Trong khi thời gian dựng vở chỉ có 2 tuần, anh đã phân tích cho diễn viên từng câu thoại để làm bật lên cảm xúc của nhân vật, đứng ở chỗ nào, đi ra sao. Mới đầu, các đồng chí công an còn bỡ ngỡ, sau sự phân tích tỉ mỉ, các diễn viên không chuyên đã nhập vai, làm nên một vở diễn thành công, lấy đi nước mắt của khán giả.

Vở kịch "Tái sinh"

Vở kịch "Tái sinh"

Tại liên hoan lần này, không chỉ có thể loại kịch nói, mà còn có cả nhạc kịch, một thể loại sân khấu đang được các nhà hát đẩy mạnh khai thác trong thời gian gần đây.

Đúng như mục đích mà thể loại nhạc kịch mang tới khán giả, vở “Bình yên có anh” do các chiến sĩ Công an Đống Đa biểu diễn đã mang tới bầu không khí tươi vui, rộn ràng.

Lời thoại và lời hát ăn nhập trong những giai điệu lúc hào hùng, hoan ca lúc bi tráng, ngợi ca. Dù lựa chọn thể hiện theo hình thức mới là nhạc kịch nhưng vở “Bình yên có anh” lại được dàn dựng và biểu diễn theo lối “cây nhà lá vườn”. Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, xuất phát từ việc lựa chọn một hình thức dự thi mới, vừa chuyển tải được những chiến công của lực lượng công an nói chung và của công an quận Đống Đa nói riêng, chúng tôi đã chỉ đạo các cán bộ chiến sĩ xây dựng vở nhạc kịch dựa trên kịch bản vừa vui tươi, vừa hào hùng, vừa thể hiện được những hy sinh thầm lặng, những chiến công rất đáng tự hào.

Đặc biệt, vở nhạc kịch nhận được hỗ trợ rất đắc lực của các cá nhân có đóng góp trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn quận Đống Đa. Các anh đã hỗ trợ, tư vấn Công an quận lựa chọn nhạc kịch, thay vì kịch nói, rồi sáng tác phần nhạc và phần lời. Còn chi phí dựng vở lại khá thấp vì đạo cụ, phục trang được lấy từ nguồn sẵn có.

Liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô có sự tham dự của gần 400 diễn viên là cán bộ chiến sĩ thuộc 64 đơn vị của lực lượng Công an Hà Nội. Trong công việc, họ là các chiến sĩ cảnh sát giao thông, phòng cháy, hình sự… nhưng trên sân khấu, họ đã sống cùng vai diễn của mình, dù ở đó còn không ít những bỡ ngỡ, sự hồi hộp khi lần đầu làm diễn viên.

Trung tá Ngô Đức Tùng, chiến sĩ cảnh sát hình sự có 20 năm công tác trong lực lượng công an đã được giao vai trùm ma túy khét tiếng trong vở “Tái sinh”. Ở vai diễn phản diện, Đức Tùng đã rất nhập vai, từ ánh mắt, lời thoại... Theo chia sẻ của Trung tá Ngô Đức Tùng, anh tập luyện cho vai diễn trong thời gian khá ngắn (4 buổi) và cũng là lần đầu lên sân khấu. Nhưng nhờ sự quan sát trong suốt quá trình làm nghề cảnh sát hình sự giúp anh nhận biết các chi tiết làm nên hình ảnh của một tên tội phạm, từ phục trang, gương mặt, ánh mắt, lời nói, hành động. Nên anh cho rằng, vai diễn không gây nhiều khó khăn cho một người lính hình sự như anh.

Vở kịch "Hạnh phúc mong manh" do đội 1 (Cụm thi đua số 1) biểu diễn

Vở kịch "Hạnh phúc mong manh" do đội 1 (Cụm thi đua số 1) biểu diễn

Chị Thu Huyền (Tạp chí Sân khấu) chia sẻ, là phóng viên tạp chí chuyên ngành, chị đã dõi theo liên hoan từ ngày khai mạc và không bỏ một buổi diễn nào. Trong 26 vở diễn do các diễn viên không chuyên thể hiện, không ít vở đã khiến chị rơi nước mắt. Đó chính là thành công của một kỳ hội diễn ca ngợi ngành, ca ngợi những người chiến sĩ công an. Bên cạnh những thành công, các vở diễn cần cụ thể hơn, đặt người xem vào một tình huống, một hoàn cảnh cụ thể để họ hiểu được đằng sau mỗi chiến công là sự vất vả gian lao của người chiến sĩ và gia đình họ.

Lễ bế mạc liên hoan sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô 2024 sẽ diễn ra vào tối nay (21/6) tại rạp công nhân. Tại đây, ban tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho các vở diễn cùng các giải thưởng cá nhân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lien-hoan-san-khau-kich-noi-cong-an-thu-do-2024-nhung-noi-niem-an-sau-moi-chien-cong-post580396.antd