Liên Hợp Quốc: Cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu đang rất cấp thiết

Giám đốc khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng gần 200 quốc gia đã nhóm họp để hoàn thiện một báo cáo về tác động khí hậu.

Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) Hoesung Lee cho biết trong một buổi truyền hình trực tiếp rằng chưa bao giờ báo cáo này lại cần thiết và cấp thiết như bây giờ.

Một vụ cháy rừng xảy ra vào năm 2021. Ảnh: GI

Bài liên quan

Nhóm Bộ tứ họp bàn về biến đổi khí hậu, Covid và Trung Quốc

Cơ hội của đại dương: Tại sao tảo biển có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu?

Biến đổi khí hậu sẽ mang nhiều cơn bão hơn đến các thành phố lớn trên thế giới

Thảm họa khí hậu khiến thế giới thiệt hại tới hơn 170 tỷ USD vào năm 2021

Sự tuyệt chủng của các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, bệnh dịch do muỗi, cái nóng chết người, tình trạng thiếu nước và giảm năng suất cây trồng đã trở nên tồi tệ hơn do nhiệt độ tăng.

Chỉ trong năm ngoái, thế giới đã chứng kiến một loạt các trận lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng chưa từng có trên khắp bốn châu lục. IPCC cảnh báo, tất cả những tác động này sẽ tăng tốc trong những thập kỷ tới.

Bản Tóm tắt quan trọng, dài 40 trang, sẽ được công khai vào ngày 28/2. Đây cũng là bản tóm tắt của hàng nghìn tài liệu được tổ chức này nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Rachel Cleetus, giám đốc chính sách năng lượng và khí hậu tại Liên minh các nhà khoa học quan tâm cho biết: “Đây là một thời điểm cần tính toán chặt chẽ".

Bà nói rằng: “Đây không chỉ là những dự báo khoa học về tương lai. Đây là về các sự kiện cực đoan và thảm họa khởi phát chậm mà mọi người đang phải trải qua ngay bây giờ".

Báo cáo cũng sẽ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về “thích ứng”, bao gồm việc chuẩn bị cho những hậu quả tàn khốc không thể tránh khỏi, theo một bản dự thảo ban đầu được AFP công bố vào năm 2021.

Trong một số trường hợp, điều này bao gồm thích ứng với những ngày nắng nóng kỷ lục, lũ quét và triều cường.

Baf Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết: “Sự gia tăng các tác động khí hậu đang vượt xa những nỗ lực thích ứng". Bà cũng cảnh báo điều này có thể gây ra sự biến mất của nhiều giống loài trên trái đất.

Các đánh giá của IPCC được chia thành ba phần, mỗi phần có hàng trăm nhà khoa học tham gia nghiên cứu và phát triển.

Vào tháng 8/2021, phần đầu tiên về khoa học vật lý phát hiện ra rằng nhiệt độ toàn cầu hầu như chắc chắn vượt qua 1,5 độ C trong vòng một thập kỷ. Hiện, bề mặt trái đất đã ấm lên 1,1 độ C kể từ thế kỷ 19.

Thỏa thuận Paris năm 2015 kêu gọi giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở “dưới mức thấp” 2 độ C và lý tưởng nhất là dưới mức 1,5 độ C. Báo cáo cũng sẽ nhấn mạnh rằng tính dễ bị tổn thương đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể được giảm bớt bằng cách lập kế hoạch và chuẩn bị tốt hơn.

Điều này không chỉ đúng ở các nước đang phát triển, giáo sư Friederike Otto của Đại học Imperial cho biết, mà còn ở các nước giàu có nhất thế giới, đưa ra ví dụ điển hình của các trận lụt lịch sử vào năm ngoái ở Đức và Mỹ.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-cuoc-chien-chong-lai-su-nong-len-toan-cau-dang-rat-cap-thiet-post181441.html