Liên Hợp Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sau thuế quan và căng thẳng thương mại
Trong báo cáo mới nhất được công bố hôm thứ Năm (15/5), Liên Hợp Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới do tác động của đợt tăng thuế quan của Mỹ và căng thẳng thương mại gia tăng.

Bên cạnh đó là bối cảnh địa chính trị bất ổn và rủi ro từ chi phí sản xuất tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động tài chính.
Shantanu Mukherjee, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Chính sách Kinh tế tại Bộ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc cho biết: "Những ngày này, có quá nhiều sự bất ổn… Đây là thời điểm căng thẳng đối với nền kinh tế toàn cầu".
"Vào tháng 1 năm nay, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận hai năm tăng trưởng ổn định, nếu không muốn nói là dưới mức trung bình, và kể từ đó, triển vọng đã giảm sút kèm theo sự biến động đáng kể trên nhiều phương diện", ông cho biết thêm.
Hiện tại, Liên Hợp Quốc đang dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,4% trong năm nay và 2,5% vào năm tới - giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 1. Năm ngoái, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,9%.
Ông Mukherjee cho biết, sự chậm lại đang ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia và khu vực, nhưng trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia nghèo nhất và kém phát triển nhất, với triển vọng tăng trưởng đã giảm từ 4,6% xuống 4,1% chỉ kể từ tháng 1.
"Điều đó có nghĩa là sản lượng kinh tế đối với các quốc gia yếu thế nhất sẽ mất hàng tỷ đô la", ông cho biết.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới cũng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng.
Báo cáo cho biết, tăng trưởng kinh tế tại Mỹ được dự báo sẽ giảm đáng kể, từ 2,8% vào năm ngoái xuống còn 1,6% vào năm nay, đồng thời thuế quan cao hơn và sự không chắc chắn về chính sách dự kiến sẽ gây áp lực lên đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại xuống còn 4,6% trong năm nay từ mức 5% vào năm 2024 do tâm lý người tiêu dùng suy yếu, sự gián đoạn trong các công ty sản xuất hướng đến xuất khẩu và những thách thức liên tục trong lĩnh vực bất động sản của nước này.
Tăng trưởng của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ vẫn giữ nguyên như năm ngoái, ở mức 1% do xuất khẩu ròng yếu hơn và rào cản thương mại cao hơn. Tăng trưởng kinh tế 1,1% của Anh năm ngoái dự kiến sẽ giảm xuống còn 0,9%.
Thương mại suy yếu, đầu tư chậm lại và giá hàng hóa giảm cũng được dự báo sẽ làm xói mòn tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển lớn khác bao gồm Brazil, Mexico và Nam Phi.
Ấn Độ sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng dự báo của Liên hợp quốc cho biết tăng trưởng của nước này dự kiến sẽ giảm từ 7,1% vào năm 2024 xuống còn 6,3% trong năm nay.
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Liên hợp quốc thấp hơn Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Mukherjee cho biết, Liên hợp quốc đang kỳ vọng các cuộc đàm phán song phương sẽ dẫn đến mức thuế quan thấp hơn, mặc dù ông cho biết chúng sẽ không trở lại mức trước thông báo vào tháng 2 của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, việc giải quyết những bất ổn sẽ giúp các cá nhân và doanh nghiệp tiến tới các quyết định kinh tế và điều đó sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu.