Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm trong năm 2022 và 2023

Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2022 và 2023 khi thế giới phải chứng kiến làn sóng Covid-19 mới, thách thức thị trường lao động dai dẳng, các vấn đề về chuỗi cung ứng kéo dài và áp lực lạm phát gia tăng.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm trong hai năm tới

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, sau khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ vào năm 2021 thì các chuyên gia dự báo kinh tế sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ông Liu Zhenmin, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội nhận định sau hai năm đại dịch bùng phát, chúng ta vẫn đang "sống trong thời kỳ vô cùng bất ổn."

"Vào đầu năm 2022, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mờ mịt. Nỗ lực tạo ra việc làm vẫn chưa thể bù đắp được cho những thiệt hại nặng nề vì thâm hụt lao động. Đồng thời, mức độ lây lan của biến thể mới tiếp tục mang đến các thách thức về nguồn cung, lạm phát gia tăng nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới cũng như các thách thức nợ nần chồng chất đang khiến cho khả năng hồi phục kinh tế trở nên ảm đạm hơn", ông Liu Zhenmin nhấn mạnh.

Theo AP, báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2022 của Liên hợp quốc cho biết quá trình hồi phục kinh tế mạnh mẽ vào năm ngoái chủ yếu xuất phát từ chi tiêu người tiêu dùng. Một số người gia tăng đầu tư và mua bán hàng hóa vượt mức trước khi đại dịch Covid-19 sau khi chính phủ nới lỏng một số hạn chế. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng đã chậm lại đáng kể vào cuối năm 2021 kể cả các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ khi xuất hiện sự gián đoạn của chuỗi cung ứng lớn.

Dự báo của Liên hợp quốc được đánh giá là tương tự với báo cáo của Ngân hàng thế giới vào ngày 11/1.

Lạm phát toàn cầu lên tới 5,2% trong năm 2021, tăng 2% so với xu hướng chung trong 10 năm trở lại đây. Báo cáo cũng cảnh báo hậu quả lâu dài của đại dịch sẽ dẫn tới khoảng cách bất bình đẳng giữa các nước ngày càng xa.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho biết tình trạng thiếu hụt lao động ở các nền kinh tế phát triển đang gia tăng và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát gia tăng. Tỷ lệ tăng trưởng ở các nước đang phát triển cũng có xu hướng giảm đi rõ rệt.

"Hồi phục kinh tế đang chậm lại rõ rệt đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, đặc biệt là những quốc đảo nhỏ đang phát triển", báo cáo Liên hợp quốc cho biết.

Hy vọng đại dịch sớm kết thúc

Ông Hamid Rashid, Giám đốc Chi nhánh Giám sát Kinh tế toàn cầu của Liên hợp quốc cho biết các dự báo của Liên hợp quốc về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc vào quá trình tiêm chủng và chính sách tiền tệ ở các nước phát triển.

Theo báo cáo, dối với phần lớn các nước đang phát triển, khả năng phục hồi hoàn toàn chỉ số GDP bình quân đầu người hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 ở các nền kinh tế phát triển có thể sẽ phục hồi được bằng với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo ông Rashid, nhìn xa hơn về con số GDP, thế giới chắc chắn sẽ còn phải tính đến tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đang tiếp tục gia tăng ở các nước phát triển nhưng chủ yếu vẫn là các nước đang phát triển. Ông Rashid khẳng định điều đáng lo ngại nhất trong năm 2022 là số người tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói cùng cực nhiều hơn 64 triệu người so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, giờ là lúc để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia. Nếu chúng ta làm việc đoàn kết, giống như một gia đình thì năm 2022 sẽ trở thành một năm phục hồi thực sự cho tất cả mọi người và các nền kinh tế.

Biến thể Omicron sẽ có tác động rõ ràng nhưng chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn đối với tăng trưởng kinh tế. Mỗi giai đoạn cao điểm lây nhiễm đều có ảnh hưởng đến kinh tế. Biến thể Omicron có thể dễ dàng lây lan nhưng ít gây ra tỷ lệ tử vong cao so với các biến thể trước.

Các thay đổi lập trường của FED gần đây có thể khiến cho dòng tiền chảy mạnh đến Mỹ và tránh xa thị trường rủi ro. Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ tiếp tục phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa việc tự tăng lãi suất ngăn dòng tiền chảy ra hoặc giữ ở mức thấp để duy trì phục hồi kinh tế trong nước.

Ông Ziad Daoud từ Bloomberg Economics đánh giá 5 quốc gia chịu rủi ro từ quyết định tăng tỷ giá của Mỹ là Brazil, Ai Cập, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một số nhà kinh tế, đại dịch đã thay đổi cách chúng ta làm việc và mua sắm nhưng chắc chăn tốc độ cung và cầu sẽ quay trở lại bình thường sau khi thế giới ngăn chặn được đại dịch. Khi đó, lạm phát sẽ quay trở lại theo mục tiêu lâu dài của FED là 2%. Nếu điều đó đúng, các nhà hoạch định chính sách sẽ xoay sở để hướng nền kinh tế Mỹ thoát khỏi nguy cơ suy thoái.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lien-hop-quoc-du-bao-tang-truong-kinh-te-toan-cau-giam-trong-nam-2022-va-2023-20220114163427279.htm