Liên hợp quốc lo ngại về tình hình an ninh tại Tây Phi
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Tây Phi và Sahel, ông Leonardo Santos Simão đã bày tỏ quan ngại tình hình an ninh tại khu vực Tây Phi rộng lớn có thể xấu đi nếu cuộc khủng hoảng tại Niger không được giải quyết.
Phát biểu trực tuyến trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, ông Santos khẳng định cuộc khủng hoảng tại Niger nếu không được giải quyết sẽ làm trầm trọng thêm tình hình tại khu vực, đồng thời tác động tiêu cực đến sự phát triển và cuộc sống của người dân tại đất nước hiện có tới 4,3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo này.
Ông nhấn mạnh cần tới sự ủng hộ của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi để khôi phục trật tự dân chủ tại Niger, cảnh báo nếu không có giải pháp nào được thực hiện, hoặc tình hình không được đảo ngược, rất có khả năng dẫn đến các thế lực khủng bố gia tăng trong khu vực.
Trước đó, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thông tin về việc một số thành viên của Chính phủ Niger bị bắt giữ. Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq cho biết ông Guterres khẩn thiết kêu gọi Niger tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và nhanh chóng khôi phục trật tự hiến pháp.
Liên quan đến công tác sơ tán nước ngoài khỏi Niger, Bộ phụ trách các vấn đề châu Âu và đối ngoại của Pháp ngày 2/8 cho biết đã sơ tán hơn 350 công dân Pháp khỏi nước này. Đã có 2 chuyến bay sơ tán công dân rời Niamey, mang theo các công dân Pháp cũng như công dân một số nước Liên minh châu Âu (EU). Bộ trên cho biết sẽ lên kế hoạch triển khai chuyến bay thứ ba.
Theo Bộ trên, Pháp có khoảng 1.200 công dân đang có mặt tại Niger và 600 công dân có nguyện vọng rời khỏi nước này. Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna xác nhận Pháp sẽ không can thiệp quân sự tại Niger.
Hiện nhiều nước, trong đó có Anh và Mỹ, cũng đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Niger do lo ngại an ninh bất ổn sau cuộc đảo chính quân sự ngày 26/7.