Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đen
Ngày 26/3, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric nhận định thỏa thuận về tự do hàng hải trên Biển Đen nhằm bảo vệ tàu dân sự và cơ sở hạ tầng tại cảng 'sẽ là đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu'.

Tàu kéo của Nga di chuyển qua eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) để vào Biển Đen, ngày 18/9/2024. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ thông báo đã đạt thỏa thuận riêng rẽ với Nga và Ukraine về ngừng tấn công trên Biển Đen.
Người phát ngôn Dujarric cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh các cuộc thảo luận và các cam kết được đưa ra trong các cuộc thảo luận giữa Mỹ với Nga và với Ukraine tại Saudi Arabia (Ảrập Xêút), bày tỏ hy vọng rằng những nỗ lực như vậy sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn lâu dài và góp phần đạt được hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài ở Ukraine, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế.
Ông khẳng định LHQ đã liên tục làm việc về vấn đề này, cũng như tham gia chặt chẽ vào việc thực hiện biên bản ghi nhớ với Nga về tạo điều kiện cho thực phẩm và phân bón của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu.
Ngày 25/3, Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Nga và Ukraine để đảm bảo an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự ở Biển Đen. Dù Moskva và Kiev vẫn cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận với Mỹ, song những diễn biến này được đánh giá mang đến triển vọng cho giải quyết xung đột ở Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, phát biểu nhân chuyến thăm Nga ngày 26/3, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto đánh giá những phát biểu của Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, về triển vọng giải quyết xung đột ở Ukraine là rất đáng “khích lệ”. Trên tài khoản mạng xã hội, ông Peter Szijjarto cũng bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài, bền vững.
Trong khi đó, nhiều quốc gia phương Tây khác vẫn thể hiện thái độ thận trọng trước Moskva. Phát biểu họp báo ngày 26/3 trước thềm hội nghị thượng đỉnh "liên minh tự nguyện" ủng hộ Ukraine tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định còn quá sớm để xem xét việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga, ngay cả khi Mỹ đạt được các tiến bộ trong đàm phán ngừng bắn với Moskva. Ông Macron cũng thông báo sẽ viện trợ thêm 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) cho Ukraine theo các cam kết của nước này.
Trong một phát biểu cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cũng cho biết các nước thành viên NATO ở châu Âu và Canada đã cung cấp 60% viện trợ quân sự của liên minh cho Ukraine vào năm 2024, cho thấy vai trò lớn hơn ở Ukraine.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở việc giải quyết xung đột và trực tiếp khiến các nước NATO tham gia vào cuộc xung đột.