Liên Hợp Quốc nhất trí sớm đạt thỏa thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán

Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam đã có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện, góp phần tích cực vào tiến trình đàm phán về các vấn đề trực tiếp liên quan quyền và lợi ích biển của Việt Nam.

Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam đã có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện.

Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam đã có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện.

Ngày 26/8, Phiên đàm phán thứ 5 của Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã kết thúc sau hai tuần làm việc khẩn trương.

Đoàn công tác liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc là trưởng đoàn đã tham gia phiên đàm phán.

Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam đã có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện, góp phần tích cực vào tiến trình đàm phán về các vấn đề trực tiếp liên quan quyền và lợi ích biển của Việt Nam, đồng thời nhằm góp phần lên tiếng vì lợi ích chung của các nước đang phát triển và thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của Luật Biển quốc tế.

Trong bối cảnh còn tồn tại khoảng cách lớn trong khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gien biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, chia sẻ lợi ích có được từ khai thác nguồn gien biển là vô cùng cấp thiết.

Văn kiện sẽ là cơ sở pháp lý để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác nguồn gien biển ngoài vùng tài phán quốc gia, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gien biển phong phú tại vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Đàm phán phiên thứ 5 đã đạt nhiều tiến triển lớn trên tất cả các nhóm vấn đề được thảo luận, gồm nguồn gien biển và chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển, các biện các công cụ quản lý theo khu vực nhằm mục đích bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien biển; đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành hoạt động tại khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia; và xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ biển. Khung cơ bản của dự thảo văn kiện đã hình thành.

Các nước đang phát triển và phát triển đã có những nhượng bộ nhất định song chưa đạt đồng thuận trên một số vấn đề nên chưa thể thông qua dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, các nước đều nhất trí cao về việc sớm thúc đẩy tiến trình thương lượng để tiến tới nhất trí về văn kiện cuối cùng, một văn kiện sẽ có ý nghĩa quan trọng điều chỉnh hoạt động trên một phạm vi rộng lớn của các đại dương.

Hội nghị đã quyết định sẽ triệu tập phiên đàm phán tiếp theo trong thời gian sớm nhất có thể với kỳ vọng có thể kết thúc đàm phán xây dựng văn kiện về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Theo VOV

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lien-hop-quoc-nhat-tri-som-dat-thoa-thuan-ve-da-dang-sinh-hoc-ngoai-vung-tai-phan-post304561.html