Liên kết chặt chẽ và chuyên nghiệp

Một vấn đề đặc biệt được quan tâm tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII-2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 12-9 vừa qua, là việc tổ chức thực hiện các mô hình liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp. Theo 'người trong cuộc' đánh giá, khi tham gia những mô hình liên kết này, người nông dân đã trở nên chuyên nghiệp và làm ăn bài bản hơn.

Thực tế cho thấy, việc liên kết là định hướng xuyên suốt trong nhiều năm qua nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản. Ưu điểm lớn nhất của các mô hình liên kết là tạo ra sản phẩm đủ lớn, bảo đảm chất lượng, góp phần nâng giá trị gia tăng cho nông sản và khắc phục được tình trạng tư thương ép giá, “được mùa, mất giá”, “giải cứu nông sản”… Hơn nữa, mô hình liên kết còn giúp chuyển biến tư tưởng của người nông dân, hay nói cách khác là hình thành nông dân chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, mối liên kết trong chuỗi “4 nhà” (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) vẫn chưa đủ mạnh, vẫn chỉ có một số mô hình đạt hiệu quả thực sự và phần lớn chưa thành công như mong muốn. Mấu chốt vấn đề chính là nằm ở 2 “nhà” (nhà nông và doanh nghiệp). Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Bởi có thực tế là khi “mất mùa, được giá” thì nông dân phá hợp đồng, còn “được mùa, rớt giá” thì đến lượt doanh nghiệp sẵn sàng “bẻ kèo”… Chưa kể, chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao; trong khi phần lớn nông dân và nền sản xuất của họ vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún…, gây nhiều khó khăn cho hoạt động liên kết, hợp tác.

Để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả thực chất, bền vững, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng là: “Hoàn thiện chính sách phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”.

Thực hiện nhiệm vụ này, chính quyền, cơ quan, ban, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt để tổ chức và hỗ trợ liên kết; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để xâu chuỗi gắn kết giữa các “nhà”, đặc biệt là giữa nông dân và doanh nghiệp. Mọi hợp tác, liên kết phải gắn lợi ích giữa các bên, gồm giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân. Muốn vậy, nông dân và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình, cùng nhau chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cũng phải vào cuộc, làm "trọng tài" để quản lý mối liên kết sao cho nghiêm túc, thực chất và thực sự chuyên nghiệp.

Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng và cấp chính quyền địa phương cần quan tâm đến cơ chế, chính sách về liên kết, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới để hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, qua đó tạo ra lớp nông dân chuyên nghiệp…

Thêm một vấn đề cần quan tâm nữa là chính sách thu hút, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp; nghiên cứu bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp…

Tạo mối liên kết chặt chẽ và chuyên nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp, chính là hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Tây Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1041989/lien-ket-chat-che-va-chuyen-nghiep