Liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững
Trong suốt 4 năm qua, Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh được thành lập tại xã Phước Tân, huyện Phú Riềng đã trở thành một hình mẫu điển hình về mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước. Với sự tham gia của 16 thành viên là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hợp tác này đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế của nông dân nơi đây.
Cơ hội từ sự kết nối
Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh ra đời với mục tiêu tạo ra một mạng lưới sản xuất nông sản khép kín, từ cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tổ hợp tác không chỉ tập trung vào cây sầu riêng mà còn mở rộng sang cây bơ, với những thành quả đáng khích lệ. “Tham gia vào tổ hợp tác, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ các thành viên khác. Đồng thời, việc liên kết giúp chúng tôi giảm chi phí đầu vào và có đầu ra ổn định cho sản phẩm" - ông Mông Văn Hướng, thành viên tổ hợp tác chia sẻ.


Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh (áo xanh đậm, đeo kính) họp với các thành viên
Chứng nhận VietGAP và xuất khẩu nông sản
Với 29,9 ha sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 11,4 ha bơ đạt chứng nhận OCOP 3 sao, Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh đang thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm sầu riêng đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn bơ tươi của tổ hợp tác đang được tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Anh Nông Thanh Tùng - một trong những thành viên tham gia tổ hợp tác từ khi mới thành lập cho biết: “Chúng tôi áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị nông sản mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm của chúng tôi".
Liên kết chặt chẽ, hiệu quả bền vững
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tổ hợp tác đã ký kết hợp đồng bao tiêu lâu dài với Công ty Trường Thịnh Phát - một đối tác lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu trái cây đứng chân trên địa bàn xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Các thành viên trong tổ hợp tác cũng được cung cấp vật tư nông nghiệp như phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi nhờ vào sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín.
Ông Trần Văn Đạo, thành viên tổ hợp tác cho biết: “Khi tham gia tổ hợp tác, tôi được hưởng nhiều lợi ích, từ việc mua vật tư giá rẻ cho đến bao tiêu sản phẩm. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm".
Năm 2024, Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh đạt được những kết quả ấn tượng: sản lượng sầu riêng tiêu thụ đạt 230 tấn với giá trị lên tới 18 tỷ 400 triệu đồng; còn sản lượng bơ đạt 80 tấn, thu về khoảng 1 tỷ 200 triệu đồng.



Ông Nông Văn Cảnh và thành viên trong tổ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc sầu riêng
Dự báo năm 2025, tổ hợp tác sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này. Đặc biệt, sản lượng sầu riêng có thể đạt từ 350 đến 500 tấn, trong khi sản lượng bơ dự kiến sẽ là 130 tấn. Tổ hợp tác cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện thủ tục thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô và nâng cao giá trị nông sản cho các thành viên. Với nền tảng vững chắc, ông Cảnh cho biết tổ hợp tác đang hướng tới việc thành lập hợp tác xã nhằm nâng tầm hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường.
Lan tỏa, nâng cao giá trị nông sản, phát triển bền vững
Điều đặc biệt và đáng ghi nhận là tất cả 16 thành viên trong tổ hợp tác đều là người dân tộc thiểu số. Sự tham gia chủ động của bà con đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống và gắn kết cộng đồng. Ông Nông Văn Thảo - người có uy tín tại địa phương nhận xét: “Từ ngày có tổ hợp tác, đời sống bà con thay đổi tích cực. Trước kia thu nhập chỉ đủ sống, nay có nhà đã đạt đến mức tiền tỷ là điều không còn xa vời nữa".


Ông Nông Văn Cảnh và các thành viên tổ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bơ và giải pháp sơ chế tinh dầu bơ
Mô hình Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh không chỉ là một câu chuyện thành công trong việc sản xuất nông sản, mà còn là một minh chứng cho sự phát triển kinh tế bền vững trong nông nghiệp. Với việc chú trọng liên kết giữa các thành viên, áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tổ hợp tác đang không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống cho nông dân. Tổ trưởng Tổ hợp tác, ông Nông Văn Cảnh chia sẻ: “Chúng tôi luôn tập trung vào việc tạo ra giá trị cao nhất cho sản phẩm, không chỉ để phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”. Lợi thế sẵn có của tổ hợp tác là sự đoàn kết giữa các thành viên trong tổ; các sản phẩm đã được cấp mã vùng trồng; giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; đạt chuẩn VietGAP.


Thương lái đến thu mua bơ xuất khẩu ngay tại vườn của các thành viên Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh
4 năm hình thành và phát triển, dẫu còn không ít khó khăn, nhưng với những gì đã và đang thực hiện, Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, mà còn mở ra hướng đi bài bản, hiệu quả, tạo hành trang vững chắc để vươn xa trên hành trình hội nhập kinh tế nông nghiệp hiện đại. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, cộng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tổ hợp tác còn tạo ra những giá trị bền vững cho nông sản Bình Phước, giúp bà con nông dân có một tương lai ổn định và thịnh vượng. Mục tiêu trước mắt và lâu dài mà các thành viên trong tổ đang hiện thực hóa là chế biến sâu sản phẩm chủ lực trái sầu riêng cấp đông và tinh dầu bơ. Khi tổ hợp tác đã có sẵn Chứng nhận sản phẩm OCOP, VietGAP, mã vùng trồng, thì việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng cần được các cấp, ngành, ngân hàng quan tâm, tạo điều kiện chứ không nhất thiết ràng buộc, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp như lâu này. Tháo gỡ được rào cản, khó khăn này, Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh sẽ có thêm nhiều tiềm lực, điều kiện để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, xây dựng tổ hợp tác và tương lai là hợp tác xã kiểu mẫu về liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/172566/lien-ket-chuoi-gia-tri-nong-san-ben-vung