Rủi ro đã ngấm giá, chứng khoán có hấp dẫn?
Với định giá thấp và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, SGI Capital tin rằng đây là thời điểm để nhà đầu tư cân nhắc cơ hội.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ, bất chấp những biến động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ hồi đầu tháng 4/2025.
Theo SGI Capital, định giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh phần lớn rủi ro, tạo nền tảng hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.
Những yếu tố như đàm phán thương mại sớm, đồng USD yếu đi và chính sách cải cách trong nước đang hội tụ, hứa hẹn thúc đẩy dòng vốn quay lại và khơi dậy tăng trưởng kinh tế.
Định giá thấp, rủi ro đã được phản ánh
“Sau ba năm, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng lợi nhuận và liên tục tích lũy giá trị nội tại nhưng giá cổ phiếu đang giao dịch chưa phản ánh những thay đổi này,” báo cáo của SGI nhấn mạnh.
Theo tổ chức này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá hấp dẫn nhất trong nhiều năm. Chỉ số P/E và P/B hiện ở mức thấp lịch sử, biến VN-Index quanh mốc 1200 thành ngưỡng hỗ trợ mạnh.
So với các kênh đầu tư khác, chứng khoán đang nổi lên với tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận hấp dẫn. Bất động sản đã phục hồi, vàng liên tục lập đỉnh, còn tiền số tăng trưởng vượt bậc. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam vẫn cách xa đỉnh năm 2022.

SGI Capital cho rằng định giá VN-Index đang ở mức rẻ trong vòng nhiều năm gần đây. Ảnh: SGI Capital
SGI Capital cho rằng, tâm lý chán nản của nhà đầu tư trước mốc 1200 kéo dài 18 năm chính là tín hiệu để lạc quan. “Trong đầu tư, định giá rẻ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rủi ro thấp và hiệu quả cao,” SGI khẳng định.
Báo cáo cũng lưu ý, những rủi ro từ thuế đối ứng của Mỹ, như đàm phán kéo dài hoặc mức thuế cao, đã được thị trường phản ánh. Đặc biệt, các cổ phiếu chịu ảnh hưởng trực tiếp đang ở mức giá đảm bảo hiệu quả cho chiến lược mua và nắm giữ dài hạn.
Việc Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc, đã giúp thị trường tài chính toàn cầu ổn định. Việt Nam, một trong sáu quốc gia được ưu tiên đàm phán, có cơ hội hoàn tất thỏa thuận sớm trong 1-2 tháng tới.
SGI Capital kỳ vọng, mức thuế cuối cùng sẽ thấp hơn dự kiến ban đầu, dao động 10-15% cho các ngành như dệt may, da giày, và 20-25% cho các ngành Mỹ ưu tiên bảo hộ.
Đồng thời, sự suy yếu của đồng USD, với USD Index giảm 10% từ đầu năm 2025, đang tạo điều kiện thuận lợi.
“FED hạ lãi suất và đồng USD yếu là một điều kiện quan trọng để dòng vốn FII có thể quay trở lại các thị trường mới nổi,” SGI Capital đánh giá.
Sau bốn năm chịu áp lực bán ròng kỷ lục 8 tỷ USD, thị trường Việt Nam đang đón tín hiệu tích cực. Dòng vốn ngoại đã mua ròng trở lại từ cuối tháng 4, trong khi vốn nội tham gia mạnh mẽ trong giai đoạn thị trường hoảng loạn.
Chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu cũng góp phần củng cố triển vọng. FED có thể hạ lãi suất 1% vào cuối năm, trong khi ECB và BoE đã bắt đầu nới lỏng.
Những động thái này không chỉ hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp các thị trường mới nổi như Việt Nam thu hút dòng vốn.
Ngoài ra, SGI Capital đánh giá cao các nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, Chính phủ đẩy mạnh chính sách tài khóa, tập trung giải ngân hạ tầng và miễn giảm thuế phí.
Đặc biệt, Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân được xem là bước ngoặt. “Chúng tôi đánh giá đây là thay đổi đúng đắn và hệ trọng bậc nhất của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây,” SGI nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện sự linh hoạt khi điều chỉnh tỷ giá VND từ sớm, giúp hàng xuất khẩu cạnh tranh tốt hơn trước biến động thương mại.
Với áp lực tỷ giá giảm dần, SBV có thêm dư địa điều hành khi FED bắt đầu hạ lãi suất vào nửa cuối năm. Những chính sách này không chỉ trung hòa tác động từ thuế quan mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.
Cơ hội giữa thách thức
Trong báo cáo tháng 3, SGI Capital từng cảnh báo rằng mức thuế 46% ban đầu của Mỹ đã gây hoảng loạn, khiến nhà đầu tư bán tháo.
“Việc Mỹ bất ngờ áp thuế với hàng hóa Việt Nam ở mức 46% đã tạo nên cú sốc lớn khiến nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước hoảng sợ,” SGI nhận định.
Lo ngại về suy thoái kinh tế do tác động lên xuất khẩu và FDI khiến thị trường lao dốc, với khối ngoại bán ròng hơn 35 nghìn tỷ đồng từ đầu năm, tập trung chủ yếu trong tháng 3 và đầu tháng 4.
Tuy nhiên, SGI cũng ghi nhận sự ổn định đáng ngạc nhiên của tỷ giá và lãi suất. “Lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu, tỷ giá chính thức và phi chính thức không tăng vọt như lo ngại,” báo cáo tháng 3 cho biết.
Sự điều hành chủ động của Chính phủ và SBV, cùng nỗ lực đàm phán, đã tạo bệ đỡ cho thị trường. SGI dự đoán các rủi ro từ thuế quan sẽ “dần phai nhạt trong hai tháng tới,” mở đường cho dòng vốn ngoại quay lại, đặc biệt khi định giá thị trường ở mức rẻ lịch sử.
Dù triển vọng tích cực, SGI Capital cảnh báo một số rủi ro. Nếu đàm phán thương mại với Mỹ kéo dài hoặc kinh tế toàn cầu suy giảm do chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc, thị trường Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng.
Cùng với những nhận định khá lạc quan bất chấp những biến động trong thời gian qua, quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital đã mạnh tay xuống tiền giải ngân sau một thời gian khá dài ôm tiền mặt.
Báo cáo tháng 2/2025 của quỹ cho thấy tỷ trọng tiền và tương đương tiền giảm mạnh xuống 45,2%, từ mức 69,4% trong tháng trước đó. Đến tháng 3, tỷ trọng tiền mặt của quỹ này tiếp tục xuống còn 36,3%.
Và bước sang tháng 4, quỹ đã giải ngân mạnh, đưa tỷ trọng tiền mặt về chỉ còn 7,1%. Đây là những lần hiếm hoi quỹ đầu tư này "full hàng" với danh mục nắm giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu đầu ngành như HPG, MWG, hay PNJ.
Với định giá thấp và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, SGI Capital tin rằng đây là thời điểm để nhà đầu tư cân nhắc cơ hội. Sự kết hợp giữa định giá hấp dẫn, dòng vốn quay lại và cải cách trong nước đang tạo động lực để VN-Index vượt qua “lời nguyền” 1200 điểm, mở ra giai đoạn tăng trưởng bền vững.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/rui-ro-da-ngam-gia-chung-khoan-co-hap-dan-d40079.html