Xây dựng chuỗi liên kết tại vựa trái cây miền Tây
Trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang có bước phát triển nhanh và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột với nhiều dấu ấn nổi bật. Đặc biệt, cây ăn quả đã trở thành thế mạnh chủ lực, khi địa phương hiện đứng đầu cả nước về diện tích với hơn 88.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,8 triệu tấn. Trước yêu cầu mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Tiền Giang chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Nhờ chuyển đổi sang trồng sầu riêng, nhiều nông dân ở Tiền Giang đã vươn lên làm giàu.
Phát triển đồng bộ, bền vững
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất lâu đời cùng với chủ trương đúng đắn của tỉnh về chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất cao, chất lượng bảo đảm, an toàn thực phẩm…, ngành cây ăn quả tỉnh Tiền Giang đã có bước phát triển vững chắc trong những năm gần đây, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt hơn 88.000ha, tăng gần 6.600ha so với năm 2020; sản lượng đạt khoảng 1,8 triệu tấn, tăng khoảng 353.000 tấn. Trong đó, nổi bật là các vùng chuyên canh cây chủ lực như: sầu riêng 24.500ha (sản lượng gần 458.000 tấn), mít 15.800ha (sản lượng 332.000 tấn), thanh long 8.500ha (sản lượng 300.000 tấn), khóm (dứa) 14.600ha (sản lượng 261.500 tấn)...
Nông dân Nguyễn Trung Tín, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng 3 vụ lúa/năm, cuộc sống chỉ đủ ăn, đủ mặc. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các vùng chuyên canh, tôi chuyển sang trồng sầu riêng Monthong trên diện tích 0,8ha. Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật, xử lý cho ra trái nghịch vụ đạt yêu cầu, cho nên năng suất, chất lượng và giá bán đều cao. Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch hơn 9 tấn sầu riêng, giá bán 110.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 700 triệu đồng”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, thời gian qua, các vùng sản xuất cây ăn quả của tỉnh đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao. Nông dân đã điều khiển nhiều loại cây như xoài, sầu riêng, thanh long, nhãn, cây có múi... ra hoa theo ý muốn. Đây là lợi thế rất lớn để sản xuất trái cây nghịch vụ, điều tiết mùa vụ hợp lý, bán được giá cao và dễ tiêu thụ. Nhiều tiến bộ kỹ thuật như sử dụng phân hữu cơ, giữ cỏ trong vườn, tưới tiết kiệm nước, dùng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại, bao trái, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP… được triển khai rộng rãi, mang lại hiệu quả rõ nét. Hiện, toàn tỉnh có hơn 59.000ha ứng dụng hệ thống tưới phun mưa (chiếm 69% diện tích), 100% diện tích sầu riêng áp dụng tưới tiết kiệm; hơn 18.700ha cây ăn quả (22%) bao trái và gần 61% diện tích sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học.
Tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều chương trình, dự án gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu thị trường. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã phối hợp xây dựng Đề án phát triển cây thanh long và sầu riêng đến năm 2025, Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phía bắc Quốc lộ 1; triển khai ba dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Đề án vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu... Các chương trình, dự án trên đã giúp nông dân nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường và tăng thu nhập ổn định.

Thu hoạch sầu riêng tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Đẩy mạnh công nghiệp chế biến
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025), trong đó xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược là đầu tư hình thành các sản phẩm chủ lực và vùng động lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản hàng hóa, tỉnh đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị nông sản.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, hiện địa phương có 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, công suất hơn 47.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp từng bước đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ phục vụ xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc mà còn mở rộng sang EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Sản phẩm chế biến gồm trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc, trái cây sấy... Một số doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang chế biến 20.000 tấn/năm, Công ty Long Uyên chế biến 8.000 tấn trái cây/năm, Công ty Nichirei Suco Việt Nam chế biến 4.000 tấn/năm, Công ty Thabico Tiền Giang đang xây dựng nhà máy chế biến trái cây đông lạnh IQF công suất 60.000 tấn/năm và các sản phẩm từ dừa 35.000 tấn/năm.
Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp có tính căn cơ, hiệu quả nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương. Trọng tâm là thu hút đầu tư vào cây ăn quả theo hướng hiện đại, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh ưu tiên phát triển toàn diện nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với doanh nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao tương ứng sản phẩm chủ lực. Dự kiến sẽ xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 100ha tại xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, kết hợp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
Tiền Giang định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển nền nông nghiệp hiện đại, cung cấp trái cây cao cấp phục vụ nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ. Diện tích cây ăn quả dự kiến đạt
88.600ha, sản lượng khoảng 1,85 triệu tấn. Tỉnh tiếp tục duy trì các cây trồng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, khóm, bưởi da xanh, mít… gắn với tiêu chuẩn chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất-thu hoạch-sơ chế, xây dựng chuỗi liên kết nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp; từng bước hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định cho công nghiệp chế biến.
Cùng với đó, địa phương tích cực khuyến khích nông dân chuyển đổi phương pháp canh tác sang hữu cơ, an toàn, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu; chú trọng truy xuất nguồn gốc, dán nhãn, tuân thủ quy chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Tỉnh đẩy mạnh mời gọi đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch để giữ hàm lượng dinh dưỡng, nâng cao giá trị nông sản.
Ngành cây ăn quả tỉnh Tiền Giang đang khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng nông nghiệp chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Tiền Giang cần tiếp tục chủ động tái cơ cấu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng thương hiệu và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ hơn nữa.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-chuoi-lien-ket-tai-vua-trai-cay-mien-tay-post878676.html