Liên kết kinh tế tập thể ở đồng bằng sông Cửu Long (Bài 2)
Thời gian qua khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) của các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc Sông Hậu có sự chuyển biến tích cực theo chiều hướng phát triển đa ngành nghề. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chuyển giao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Xem bài 1
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa hữu cơ ST25
Để thích nghi với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giai đoạn hiện nay, nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi về mô hình quản trị, quản lý theo xu thế đón đầu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu sản phẩm, tạo ra những giá trị cạnh tranh mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, HTX nông nghiệp - thương mại và dịch vụ Châu Hưng, huyện Châu Thành đã phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân tham gia thành lập tổ sản xuất lúa hữu cơ, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Trong quá trình sản xuất, HTX đầu tư máy bay phun thuốc trên ruộng lúa với số tiền 500 triệu đồng, bình quân 160.000 đồng/ha/lần phun thuốc; áp dụng việc phun thuốc bằng công nghệ này vừa không ảnh hưởng sức khỏe con người, vừa giảm chi phí sản xuất.
Ông Trần Quốc Hào, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Châu Hưng đã triển khai mô hình “canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Long Hòa và Hòa Minh với gần 50ha và có 52 hộ nông dân tham gia. Mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm được giống và sử dụng cân đối phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ phì nhiêu cho đất canh tác, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, lợi nhuận đạt 30 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, HTX lồng ghép triển khai các giải pháp như tuyên truyền, quản lý dịch hại trên lúa qua các nền tảng xã hội, zalo, facebook. Định hướng phát triển của HTX là liên kết xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao, trong đó trọng tâm là ký kết hợp tác với thành viên; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa và sử dụng phân vi sinh giúp lúa ít sâu, bệnh mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn và góp phần bảo vệ môi trường. Quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, công lao động, giúp thành viên tăng lợi nhuận đáng kể so với phương pháp sản xuất truyền thống.
Với điều kiện sinh thái đặc thù, xã Long Hòa đã và đang tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu như hạn, mặn được xác định là nguy cơ, thì xã Long Hòa, Hòa Minh đã hóa giải các nguy cơ thành thời cơ, trong đó, sản xuất lúa - tôm chính là mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu điểm của mô hình lúa - tôm là sự đa đạng về sản phẩm. Ngoài sản phẩm chính là con tôm sú, tôm càng xanh và hạt lúa, mô hình còn mang lại các loại cá tự nhiên, tăng thu nhập cho nông dân.
Để thúc đẩy tiêu thụ lúa cho nông dân, HTX tăng cường xây dựng chuỗi giá trị sản xuất thông qua việc tổ chức mời gọi, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp… để thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Qua đó, hình thành và phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa gắn liên kết sản xuất tập trung với tiêu thụ sản phẩm. Các giống lúa bao tiêu chủ lực chủ yếu các giống lúa ST25, 4900, Đài Thơm 8… thu nhập của người dân tăng lên đáng kể từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ha.
Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp
Tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò. Như các HTX khác trong tỉnh Đồng Tháp, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành đang chuyển đổi số theo Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 03/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, HTX.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành: để thích nghi với tình hình phát triển mới, hiện HTX đang quản lý và thực hiện gần 1.200ha đất sản xuất nông nghiệp có gần 100% nông dân được sử dụng công nghệ tiên tiến “máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật” nhằm giúp nông dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tối ưu hóa năng suất, giảm chi phí đầu tư, dễ dàng ứng dụng cho nhiều loại cây trồng và địa hình khác nhau, nhất là giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất, bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Hiện tại các sản phẩm làm ra tại HTX như: lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai được gắn mã QR minh bạch trong sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn của sản phẩm hàng hóa, thuận tiện trong công tác quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác.
Ngoài ra, HTX triển khai các công việc được số hóa như: sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm,… đây là một trong những nội dung trọng tâm và tiếp tục thực hiện nhân rộng. Hướng tới HTX sẽ đầu tư mô hình “trạm giám sát sâu rầy thông minh” tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy giúp nông dân an tâm sản xuất. Có thể thấy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả sản xuất và kinh tế cao, góp phần phát triển HTX theo hướng bền vững.
Hiện HTX đã quy hoạch từng vùng sản xuất, hoàn chỉnh hệ thống bơm tưới bằng bơm điện với diện tích 1.180ha. HTX duy trì sản xuất 03 vụ/năm, trong đó có 961ha lúa, 15ha màu, 202ha cây ăn trái (chuyển đổi từ đất lúa) và 02ha thủy sản. HTX hoạt động chủ yếu sản xuất nông nghiệp và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế hộ, với 11 dịch vụ: dịch vụ tưới tiêu, điện nông thôn, sản xuất cung cấp lúa giống, mua bán gạo, điện gia dụng, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tổ chức liên kết hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng, sản xuất nước đóng bình đóng chai và thu gom rác thải sinh hoạt.
Ứng dụng công nghệ thông tin kinh doanh và thương mại sản phẩm
Ở tỉnh Tiền Giang, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin kinh doanh và thương mại sản phẩm của HTX hươu sao Tây Nam Bộ, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã góp phần giảm bớt sức lực, thời gian người lao động, thúc đẩy các loại hình chăn nuôi hiện nay ngày càng phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc HTX hươu sao Tây Nam Bộ cho biết: hiện HTX hoạt động với ngành nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ hươu sao. Từ khi thành lập đến nay, HTX tập trung xây dựng cơ sở vật chất, chú trọng công tác truyền thông, hoạch định chiến lược marketing và thúc đẩy doanh số bán hàng. Từ đó, giúp HTX ngày càng phát triển về cơ sở vật chất, sức mạnh thương hiệu và độ nhận biết thương hiệu ngày càng cao.
02 năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của trên, HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX ngày càng phát triển. Hiện HTX có 02 mảng kinh doanh chính: mảng phân phối, mua bán và trao đổi con giống hươu sao cho các trang trại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 2023, doanh thu từ mảng mua bán con giống đạt xấp xỉ 1,2 tỷ đồng và mở rộng số lượng đàn hươu trực thuộc các trang trại liên kết của HTX. Qua đó, nâng tổng số trang trại liên kết nuôi hươu sao lên gần 20 trang trại.
Đa phần các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều đã có trang trại liên kết với HTX và tập trung nhiều nhất ở 03 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Hình thành nên mạng lưới liên kết với trang trại chính của HTX ở Tiền Giang, làm nền tảng phân phối con giống khu vực miền Nam trong tương lai.
Ngoài ra, HTX đã hoàn thiện các hạng mục để phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh: hoàn thiện khu vực trang trại với đầy đủ khu chức năng: nuôi nhốt hươu con, hươu sinh sản, hươu đực lấy nhung, tạo địa chỉ uy tín để người dân miền Tây tham quan mô hình, kỹ thuật xây dựng chuồng trại tại HTX. Hoàn thiện khu nuôi trồng dược liệu với các loại sâm phục vụ thức ăn cho hươu sao mau lên nhung làm tăng chất lượng và các hoạt tính sinh học, tạo lợi thế khác biệt và cạnh tranh của sản phẩm. Hoàn thiện khu vực xưởng sản xuất và cập nhật thêm máy móc thiết bị phục vụ sơ chế biến và sản xuất. Cơ sở vật chất của các HTX đã đạt chứng nhận HACC về quản lý rủi ro an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thương mại hóa các sản phẩm bồi bổ được chế biến từ nhung hươu là các sản phẩm nhung hươu mật ong, bột nhung hươu, cao nhung hươu, rượu nhung hươu đươc thiết kế bao bì sản phẩm hiện đại, tiện lợi khi sử dụng và được khách hàng đối tác đánh giá cao về chất lượng mẫu mã bao bì. Doanh thu từ việc thương mại hóa đạt 300 triệu đồng. HTX đã xây dựng thành công 02 kênh thương hiệu: nhung hươu Tiến Vua và Hươu Giống Miền Tây.
Thương hiệu nhung hươu Tiến Vua được chuyên biệt hóa đại diện mảng thương mại nhung hươu và hươu giống miền Tây đại diện cho mảng thương mại con giống. Thời gian tới, với mục tiêu lấy lợi ích của thành viên làm phương châm hoạt động, HTX tiếp tục vận động, phát triển thêm nhiều trang trại liên kết, trang trại thành viên trong và ngoài tỉnh để nâng cao tổng số lượng đàn hươu, đảm bảo nguồn nguyên liệu đủ cung ứng để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, bổ sung các sản phẩm mới như nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu ngâm rượu, nước nhung hươu tổ yến, viên uống nhung hươu.