Liên kết lỏng lẻo, nông nghiệp Việt khó thoát 'manh mún'

Dù ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều năm tăng trưởng ấn tượng, nhưng phát triển kém bền vững do hệ lụy từ sản xuất manh mún, liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và doanh nghiệp cùng sự can thiệp bất thường từ thương lái.

Ngay trong vụ mùa vừa qua, Công ty cổ phần Nông sản Nam Mekong thu mua dừa của người nông dân tỉnh Bến Tre (cũ) với giá 12.000 đồng/quả tại vườn. Thế nhưng, thương lái lại chào mua với giá 13.000-14.000 đồng/quả. Giá cao hơn nên nông dân chọn bán cho thương lái. Nguyên nhân không mới: khi thương lái đẩy giá mua lên cao hơn 10-20% so với giá cam kết trong hợp đồng với doanh nghiệp, nhiều nông dân sẵn sàng phá vỡ thỏa thuận, chuyển bán ngoài.

Khi thương lái đẩy giá mua lên cao hơn 10-20% so với giá cam kết trong hợp đồng thì nhiều nông dân sẵn sàng bán nông sản ra ngoài

Khi thương lái đẩy giá mua lên cao hơn 10-20% so với giá cam kết trong hợp đồng thì nhiều nông dân sẵn sàng bán nông sản ra ngoài

Ông Đặng Quý Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Nam Mekong chia sẻ: Việc nông dân bán nông sản cho đối tác khác khiến doanh nghiệp bị hụt sản lượng xuất khẩu sang Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc... và doanh nghiệp đã bị phạt hợp đồng.

Trái lại, vào mùa thấp điểm, không thấy bóng thương lái ở địa phương. Lúc đó, nông dân lại đổ xô bán hàng cho doanh nghiệp. Mùa thấp điểm, nông dân bán cho công ty 10 tấn. Còn cao điểm, bà con chỉ bán khoảng 3-4 tấn, 6-7 tấn còn lại bán cho thương lái với giá cao hơn.

Mặc dù nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã ra đời để điều phối sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, song mô hình hoạt động vẫn còn yếu, thiếu năng lực tài chính lẫn pháp lý để bảo vệ hợp đồng bao tiêu.

HTX đứng ra làm trung gian ký hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến.

HTX đứng ra làm trung gian ký hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến.

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc HTX Trái cây Tân Phú (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết, HTX đứng ra làm trung gian ký hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, khi thương lái từ nơi khác đến trả giá cao hơn, nhiều hộ vẫn âm thầm bán ngoài. Việc xử lý rất khó vì hợp đồng dân sự hiện nay còn mang tính thiện chí, không có chế tài ràng buộc cụ thể. Nếu căng thẳng, bà con nghỉ luôn không tham gia HTX nữa.

Chính sự thiếu ràng buộc pháp lý và tư duy sản xuất ngắn hạn của người dân khiến doanh nghiệp ngại đầu tư lâu dài vào vùng nguyên liệu. Mặt khác, khi doanh nghiệp khan hiếm nguyên liệu, họ buộc phải thu gom ngoài luồng, không kiểm soát được chất lượng và vùng trồng, điều này dẫn tới rủi ro khi xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, EU…

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giải pháp căn cơ là tăng cường liên kết bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Điều đó đòi hỏi các hợp đồng bao tiêu phải được chuẩn hóa về pháp lý, có sự giám sát của chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng hoặc HTX làm trung gian điều phối.

Nếu HTX có vai trò mạnh, được hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ năng điều hành, họ sẽ đóng vai trò “cầu nối” giữ chữ tín giữa nông dân và doanh nghiệp. Mô hình tổ hợp tác giữa HTX kiểu mới và doanh nghiệp hiện đã chứng minh hiệu quả tại nhiều vùng, như cà phê Tây Nguyên, hồ tiêu Gia Lai, rau củ Đà Lạt, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết thêm.

Ông Trần Minh Chiến, chuyên gia thị trường nông sản cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ người đi thu mua sang người làm đối tác sản xuất. Họ nên đầu tư vào vùng nguyên liệu, cung ứng đầu vào (phân, giống, tư vấn kỹ thuật) rồi ký bao tiêu gắn liền hỗ trợ tín dụng. Có như vậy, nông dân sẽ gắn bó dài hơn.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ người đi thu mua sang người làm đối tác sản xuất

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ người đi thu mua sang người làm đối tác sản xuất

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nafoods cho biết, doanh nghiệp đã ký vùng trồng với diện tích lên tới 5.000ha với một số HTX trên Tây Nguyên. Vùng trồng này được số hóa, truy xuất nguồn gốc, quản lý rõ ràng. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng bao tiêu giá sàn với HTX. Nếu giá thị trường xuống thấp hơn giá sàn, Nafoods vẫn thu mua nhưng giới hạn số lượng trên mỗi ha.

Một yếu tố khác dẫn đến “được mùa mất giá” là tính mùa vụ quá cao và phụ thuộc vào một vài thị trường đầu ra. Các chuyên gia cho rằng, cần chuyển hướng mạnh mẽ sang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Song song với đó là đầu tư mạnh vào chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch và logistics lạnh để kéo dài thời gian bán hàng, tránh ứ đọng.

Chừng nào sản xuất còn manh mún, bán hàng theo kiểu “ai trả giá cao thì bán”, thì nông nghiệp Việt Nam sẽ còn mắc kẹt trong chiếc vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá”. Việc thay đổi không chỉ ở doanh nghiệp hay chính sách, mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy của chính người nông dân cần phải chuyển từ làm ăn nhỏ lẻ sang gắn bó chuỗi giá trị dài hạn.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/lien-ket-long-leo-nong-nghiep-viet-kho-thoat-manh-mun-167779.html