Liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả

ĐBP - Thực hiện chủ trương phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao, từ năm 2018, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các huyện, thị xã, thành phố đã và đang triển khai thực hiện các dự án phát triển cây ăn quả theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sau 3 năm kiến thiết, đến nay nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch.

Người dân xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) thu hoạch xoài.

Giai đoạn 2018 - 2020, bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 98 dự án về cây ăn quả (bưởi, xoài, nhãn, mít...) với quy mô hỗ trợ 745ha. Ðến nay nhiều diện tích cây ăn quả trồng năm 2018 đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cơ bản các dự án liên kết sản xuất cây ăn quả triển khai đảm bảo mục tiêu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên. Các dự án đã nhận được sự ủng hộ của người dân, bước đầu thay đổi nhận thức từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước xây dựng cây ăn quả thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng địa phương. Sản phẩm cây ăn quả được kiểm định chất lượng, cam kết tiêu thụ qua đó nâng cao giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm 2018, huyện Mường Ảng triển khai Dự án Liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với 2 loại cây: Xoài Ðài Loan và bưởi da xanh. Ðến nay, toàn huyện có 125,13ha cây xoài, trong đó có khoảng 20ha cho thu hoạch, tập trung tại các xã: Búng Lao, Mường Lạn và Ẳng Nưa. Ðầu tháng 6/2021, thực hiện hợp đồng liên kết, Công ty Cổ phần Rau hoa quả Trung ương (đơn vị ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài với người dân) đã thu mua xoài theo đúng giá thị trường. Tùy vào cân nặng và mẫu mã, quả xoài được phân loại thành loại I, II, III tương ứng với các mức giá: 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg. Do là năm đầu cho thu hoạch, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và bảo vệ nên xoài Mường Ảng chủ yếu đạt loại II, III với giá 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg.

Tham gia dự án liên kết sản xuất cây ăn quả từ năm 2018, năm nay gia đình anh Nguyễn Ðức Thành, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa được thu hoạch lứa xoài đầu tiên với sản lượng gần 2 tấn.

Anh Nguyễn Ðức Thành cho biết: Tham gia dự án tôi được cán bộ phòng chuyên môn của huyện, cán bộ kỹ thuật của đơn vị bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoài. Áp dụng đúng những kiến thức đã được học, kết hợp tìm hiểu thêm trên mạng internet và trao đổi với các hộ trong vùng liên kết, vườn xoài của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Lứa quả đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên quả xoài chỉ đạt loại II, III theo tiêu chuẩn của đơn vị bao tiêu. Sau khi bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho Công ty Cổ phần Rau hoa quả Trung ương, số quả nhỏ và mẫu mã xấu hơn tôi mang bán ở chợ thị trấn. Ðối với gia đình tôi, dự án bước đầu cho hiệu quả về kinh tế cao hơn các loại cây trồng truyền thống, đồng thời yên tâm đầu ra sản phẩm.

Phát triển cây ăn quả đang là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Từ nguồn vốn Chương trình Nông thôn mới, năm 2018 huyện Ðiện Biên triển khai phát triển cây vú sữa tập trung tại 2 xã Thanh Hưng và Thanh Luông với tổng diện tích trồng mới 20ha. Ðồng thời phát triển cây ăn quả chủ lực theo lợi thế từng vùng như: Lê ghép tại xã Pá Khoang, Mường Phăng (23,05ha); thanh long tại xã Noong Luống, Thanh Xương (5ha); bưởi da xanh tại các xã vùng lòng chảo (45ha); cam ở xã Mường Nhà, Na Tông (30ha).

Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cho biết: Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Thanh Hưng lựa chọn cây vú sữa làm sản phẩm thương hiệu của xã. Từ năm 2018 đến nay, xã đã trồng tập trung 10ha cây vú sữa theo mô hình liên kết “4 nhà”. Vừa qua, Công ty Cổ phần Rau hoa quả Trung ương đã thu mua sản phẩm vú sữa theo đúng cam kết trong hợp đồng liên kết. Ngoài ra, một số cây trồng mới năm 2019 - 2020 bị chết cũng được Công ty bảo hành, đổi cây giống mới để người dân trồng lại. Ðây là điểm khác biệt và hiệu quả của các dự án liên kết sản xuất cây ăn quả được người dân đánh giá cao, từ đó xây dựng được lòng tin và sự đồng thuận của người dân trong việc mở rộng diện tích cây vú sữa trên địa bàn xã.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/190920/lien-ket-san-xuat-va-tieu-thu-cay-an-qua