Liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực

Khi triển khai hiệu quả các mô hình liên kết, nông dân chẳng những có thể yên tâm đầu ra mà còn nâng cao thu nhập khi giá trị nông sản tăng lên. Tuy nhiên, liên kết không được nóng vội mà cần có sự tham gia tích cực của các bên nhằm đảm bảo tính bền vững.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

An Giang cùng với Kiên Giang, Cà Mau và TP. Cần Thơ được Chính phủ xác định là 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Trong đó nông nghiệp là thế mạnh, là 1 trong 2 mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh (cùng với du lịch). Tổng diện tích sản xuất lúa trên địa bàn An Giang đạt khoảng 600.000ha/năm, trong đó diện tích áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 556.657ha, “1 phải, 5 giảm” đạt 310.806ha, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đạt 2.160ha, tưới tiết kiệm nước đạt trên 366.349ha… Với quy trình canh tác bền vững đang định hình, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tham gia tạo ra giá trị khác biệt từ vùng chuyên canh nếp Phú Tân, gạo đồ Vinh Phát, gạo - thực phẩm chức năng của Tập đoàn Lộc Trời…

Thủy sản được xem là thế mạnh của An Giang với tổng diện tích thu hoạch 2.700ha/năm, sản lượng đạt trên 379.000 tấn/năm, gồm các loại: cá tra, basa, lóc, rô phi, tôm càng xanh, lươn… Trong đó gần 50% diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, VietGAP… Toàn tỉnh hiện có 17 DN với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm. Cùng với đó là hơn 100 cơ sở chế biến khô các loại, với công suất tiêu thụ nguyên liệu thô trung bình 30.000 tấn/năm.

Liên kết trong sản xuất lúa là cần thiết. Ảnh: N.C

An Giang là một trong những địa phương tiên phong tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương về khuyến khích liên kết sản xuất, gần nhất là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Đây là điều kiện thuận lợi cho DN, nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng liên kết lỏng lẻo, giá cả bấp bênh.

Đề xuất các mô hình hợp tác

Thực tế cho thấy, 1 liên kết được xem là bền vững khi giữa các bên tham gia thương mại ý thức việc hợp tác, liên kết với nhau dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi “win-win”. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cho một liên kết bền vững là đôi bên phải biết chia sẻ, cùng “có ăn - có chịu” với nhau. Để có được điều kiện đủ, các bên tham gia liên kết trước hết phải có lòng tin lẫn nhau trên cơ sở lấy chữ “tín” làm đầu. Do 2 bên cùng đeo đuổi lợi nhuận trong ngắn hạn, không tạo được chữ “tín” nên vẫn còn nhiều trường hợp “bẻ kèo” giữa DN và nông dân hoặc các tổ chức nông dân.

Dựa vào thực trạng hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay, có thể nghiên cứu một số mô hình hợp tác cho An Giang và ĐBSCL. Đầu tiên là mô hình liên kết cung ứng vật tư đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo phương thức nông dân, THT, HTX sản xuất gia công cho DN chế biến xuất khẩu”. Theo đó, DN cung cấp vật tư đầu vào theo định mức kỹ thuật và thời gian nuôi, sau đó thu lại sản phẩm và trả tiền gia công cho nông dân, THT, HTX theo một đơn giá đã được thỏa thuận trước nhân với sản lượng thu hoạch. Mô hình này có thể được áp dụng đối với các ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cá tra. Thực hiện liên kết, nông dân yên tâm sản xuất, còn DN chủ động được nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

Tiếp theo là mô hình “lướt sóng”: DN ký kết hợp đồng kinh tế với THT, HTX vào đầu vụ sản xuất theo một giá cố định với sản lượng cố định (phần sản lượng dôi dư có thể bán cho thương lái, DN khác theo giá thị trường). Mô hình này có thể áp dụng đối với ngành hàng lương thực, rau màu, đặc biệt là lúa, gạo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các tác nhân trong suốt chuỗi. Vai trò hỗ trợ của viện, trường cũng không kém phần quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật và kiến thức thị trường cho các tác nhân tham gia trong khâu đầu vào và khâu sản xuất.

Một mô hình khả thi khác là “chuỗi giá trị minh bạch”: các THT, HTX và DN cùng lập kế hoạch sản xuất, ghi chép sổ sách và hạch toán chi phí sản xuất, chế biến, tiêu thụ một cách đầy đủ, hợp lý và minh bạch. Lợi nhuận sau cùng sẽ được phân phối theo tỷ lệ chi phí bỏ vào của các bên tham gia. Đây là mô hình liên kết bền vững, có thể áp dụng cho các ngành hàng cây ăn trái và chăn nuôi, đòi hỏi vai trò tham gia tích cực, mạnh mẽ của các sở, ngành, chính quyền địa phương.

An Giang cần vận dụng tốt Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Chính phủ, tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, hội đủ điều kiện chuỗi liên kết bền vững. Qua đó, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

PGS.TS NGUYỄN PHÚ SON

(Trường Đại học Cần Thơ)

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/lien-ket-tieu-thu-cac-san-pham-chu-luc-a259352.html