Liên kết trồng chuối tại xã Đưng K'Nớ

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chuối Laba, xã Đưng K'Nớ đã được UBND huyện Lạc Dương và Công ty Cổ phần Đầu tư Chuối Việt lựa chọn để phát triển vùng chuyên canh trồng chuối. Sau 2 năm thử nghiệm, mô hình trồng chuối Laba bước đầu mang lại hiệu quả, hứa hẹn tiềm năng mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Diện tích trồng chuối hơn một năm tuổi của anh Cil Múp Ha Phăng đã bắt đầu cho thu hoạch

Diện tích trồng chuối hơn một năm tuổi của anh Cil Múp Ha Phăng đã bắt đầu cho thu hoạch

CHUỐI LABA BÉN RỄ XÃ VÙNG XA

Trên vườn chuối Laba nặng trĩu những buồng chuối sắp cho thu hoạch được che chắn kỹ lưỡng, anh Cil Múp Ha Phăng (thôn K’Nớ 1) kể, gia đình anh có hơn 2 ha đất sản xuất chuyên trồng cà phê. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cộng thêm trình độ sản xuất còn thấp nên hiệu quả kinh tế đạt chưa cao. Đầu năm 2020, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư Chuối Việt cùng lãnh đạo UBND xã Đưng K’Nớ xuống tổ chức gặp gỡ người dân để bàn việc triển khai mô hình trồng chuối Laba theo chuỗi liên kết, có công ty bao tiêu 100% đầu ra. Với người dân xã Đưng K’Nớ, cây chuối Laba không còn xa lạ. Nhưng để trồng chuyên canh theo diện tích lớn, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu lại là một chuyện rất khác biệt.

Thấy người dân còn nghi ngại, Phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức đưa hàng chục người dân đến xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông để tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm. Được tận mắt nhìn thấy những vườn chuối xanh mướt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của những người dân cùng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số như mình, anh Phăng lại càng thêm quyết tâm, bắt tay thực hiện mô hình.

Trên diện tích rộng chừng 3 sào, anh Phăng mạnh dạn phá bỏ bớt cà phê để đào hố, trồng 330 cây chuối giống cấy mô. Ngoài ra, anh cũng đầu tư mua phân bón, mua sắm máy bơm phục vụ tưới tiêu mùa nắng. Hiện tại, vườn chuối Laba của anh đang sinh trưởng và phát triển tốt với hàng trăm gốc đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Trên mỗi gốc, anh Phăng để từ ba đến bốn cây đang phát triển (một cây mẹ, hai đến ba cây con).

Theo anh Phăng, mặc dù chi phí bỏ ra để thực hiện mô hình trồng chuối ban đầu là khá lớn, nhưng hiệu quả thì đã có thể nhìn thấy ngay từ thời điểm bây giờ. Chỉ riêng tuần vừa qua, anh đã thu hoạch hơn 50 buồng chuối, thu về hơn 5 triệu đồng. Ngoài ra, khi cây bắt đầu đẻ cây con thì anh tiến hành thu tỉa để bán giống cho các hộ dân trong xã với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/cây. Hiện tại, anh Phăng đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối.

TRIỂN VỌNG VỀ MỘT VÙNG CHUỐI LABA ĐƯNG K’NỚ

Để khai thác tiềm năng “ngủ vùi” về kinh tế vườn của xã Đưng K’Nớ, chính quyền địa phương huyện đã tìm cách “đánh thức” bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người dân ở đây. Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối trên địa bàn xã Đưng K’Nớ nói riêng là định hướng phát triển sản xuất phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính vì vậy, từ năm 2020, UBND huyện Lạc Dương đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối trên địa bàn xã Đưng K’Nớ giai đoạn 2020 - 2022 với kinh phí thực hiện hơn 2,34 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Chuối Việt hỗ trợ cây giống cho người dân thực hiện mô hình trên diện tích 18,8 ha, với tổng số tiền 282 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí mua cây giống tương ứng, người dân đối ứng 30%. Ngoài ra, người dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác cũng như đối ứng 100% kinh phí mua phân bón.

Qua triển khai, đến nay, tổng diện tích trồng chuối trên địa bàn xã Đưng K’Nớ đã lên đến gần 40 ha. Theo ông Hải, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối sẽ giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm và tạo thu nhập bền vững. Đồng thời, phát triển chuỗi liên kết sẽ tạo vùng nguyên liệu tập trung, kiểm soát, nâng cao chất lượng của sản phẩm và toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh chuối. Do đó, kế hoạch hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối trên địa bàn xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương là rất cần thiết.

Theo ông Lê Xuân Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Chuối Việt, công ty hiện đang triển khai sản xuất cây chuối dự tính đến năm 2030 đạt diện tích 1.000 ha, sản lượng bình quân ước đạt 300 tấn/ha/năm. Do nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây chuối của công ty ngày càng cao, vì vậy công ty đã liên hệ với UBND huyện Lạc Dương đề xuất được liên kết với các tổ hợp tác trồng chuối của xã Đưng K’Nớ với tổng diện tích dự tính 500 ha. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân tại xã Đưng K’Nớ đăng ký tham gia dự án.Theo ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, cây chuối Laba đã và sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá bỏ thế độc canh cây cà phê sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/lien-ket-trong-chuoi-tai-xa-dung-kno-3079336/