Liên minh châu Âu đề xuất thỏa thuận khí đốt với Ai Cập, Israel
Nội dung thỏa thuận nêu rõ khí đốt tự nhiên được vận chuyển tới Liên minh châu Âu sẽ có thể đến từ Ai Cập, Iran hoặc một nguồn khác ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thỏa thuận với Ai Cập và Israel để tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Đông Địa Trung Hải.
Đây là nội dung một dự thảo bản ghi nhớ vẫn đang được điều chỉnh và cần được các nước thành viên EU thông qua. Biên bản này là một phần trong số các nỗ lực của EU nhằm giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nội dung dự thảo có đoạn nêu rõ khí đốt tự nhiên được vận chuyển tới EU sẽ có thể đến từ Ai Cập, Iran hoặc một nguồn khác ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Trước đó, EU cũng từng công khai dự định ký kết thỏa thuận 3 bên với Ai Cập và Israel trước mùa Hè nhưng nội dung chi tiết trong dự thảo bản ghi nhớ ngày 7/6 vẫn chưa được công bố.
Theo kế hoạch, trong tuần tới, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ đến Cairo. Phía EC từ chối bình luận về dự thảo và cũng không bình luận về việc liệu các bên có ký kết văn kiện này trong dịp bà von der Leyen tới thăm Ai Cập hay không.
Dự thảo thiết lập một số nguyên tắc nhằm nâng cao hợp tác 3 bên nhưng không nêu cụ thể lượng khí đốt mà EU sẽ nhập khẩu từ các đối tác và cũng không đề cập thời gian vận chuyển khí đốt.
Biên bản có đoạn nêu rõ việc vận chuyển sẽ bao gồm cả việc sử dụng các cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Ai Cập, lưu ý kế hoạch của quốc gia Bắc Phi trở thành trung tâm khí đốt tự nhiên của khu vực. Bản ghi nhớ sẽ có hiệu lực trong 9 năm kể từ ngày ký kết nhưng nội dung này có khả năng sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh.
Hiện Ai Cập đã xuất khẩu một lượng nhỏ khí đốt tới EU, cả nước này và Israel đều đang hy vọng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu khí đốt trong những năm tới. Năm 2021, Ai Cập đã xuất khẩu 8,9 tỷ m3 LNG và 4,7 tỷ m3 LNG trong 5 tháng đầu năm 2022.
Israel đang trong lộ trình nâng gấp đôi sản lượng khí đốt trong vài năm tới lên mức 40 tỷ m3/năm, thông qua việc mở rộng các dự án và đưa vào vận hành các giàn khoan mới.
Israel cũng hy vọng sẽ đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt cho EU và đang cân nhắc xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt để xuất khẩu thêm khí đốt tới Ai Cập.
Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt của Nga, tương đương 40% nhu cầu tiêu thụ của cả khối./.