Liên thông thủ tục hành chính: 'Chấm dứt việc người chết đi bầu trưởng thôn'
Sáng nay 9/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng, trưởng ngành về vấn đề quy hoạch treo, kỷ luật công vụ, cải cách hành chính,…
Kế hoạch sử dụng đất sau 3 tháng không triển khai, người dân được cấp phép xây dựng
Trong phần trả lời chất vấn ĐB về quy hoạch treo nhiều năm nay, gây bức xúc trong nhân dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc dư luận.
Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà
Nguyên nhân nhiều, song chủ yếu là do chất lượng quy hoạch yếu, thiếu tầm nhìn, xác định một số vấn đề chiến lược quy hoạch chưa chính xác. Không lập đầy đủ quy hoạch liên quan đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, chưa quản lý nghiêm túc, công khai quy hoạch lộ trình thực hiện,…
Việc tổ chức quản lý quy hoạch sau khi công bố chưa thực hiện đầy đủ theo quy định, nhất là việc công khai quy hoạch. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch không kịp thời… Một số địa phương chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất khu đô thị. Chưa tính toán đầy đủ, chính các yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện được dự án. Một số nhà đầu tư yếu kém không thực hiện được dự án được giao…
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản để tăng cường chấn chỉnh lĩnh vực này. Bộ Xây dựng cũng đã hành một số quy chuẩn để bảo đảm cho công tác quy hoạch đảm bảo chất lượng.
Bộ Xây dựng đã hoàn thành Cổng thông tin về xây dựng quốc gia; lĩnh vực liên quan đến quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng 2014 đã có một số điều được sửa đổi để đảm bảo đồng bộ công tác quy hoạch. Bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp,…
Theo đó, để đảm quyền lợi cho người dân vùng quy hoạch treo về vấn đề nhà ở, Luật Xây dựng sửa đổi đã có quy định nếu như kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được công bố 3 năm nhưng không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí là xây mới nhà ở và có thời hạn ghi trong giấy phép cụ thể. Nếu hết thời hạn mà quy hoạch này vẫn không thực hiện thì người dân vẫn tiếp tục được thực hiện giấy phép được cấp đó.
Hiện, các địa phương cũng đã tích cực ra soát hơn và thu hồi các dự án treo. Tuy nhiên đây mới là kết quả bước đầu, còn giải pháp tiếp theo là các địa phương lập các quy hoạch, bổ sung.
Về việc một số chủ đầu tư chậm cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người dân khi mua nhà, Bộ trưởng cho biết:
Theo quy định pháp luật, thời hạn 50 ngày sau khi bàn giao nhà chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục cấp GCN cho người dân. Chế tài xử phạt lên đến 1 tỷ đồng nếu chủ đầu tư chậm trễ. Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn có sự chây ỳ. Nên cần tập trung giải quyết.
Giải pháp được đưa ra là những dự án đã thực hiện xong thủ tục mà cố tình chây ì phải bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí chuyển cơ quan điều tra. Những dự án còn thiếu 1 số thủ tục pháp lý cần phải giải quyết song song thủ tục tục pháp lý đồng thời thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở.
Các địa phương cần có báo cáo cụ thể để Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT phối hợp giải quyết. Điều chỉnh quy định pháp luật về nghiệm thu nhà ở, công trình xây dựng , đảm bảo quyền sở hữu cho người dân, quy định chuyển nhượng chặt chẽ hơn, Bộ trưởng khẳng định.
Đã kỷ luật nhiều cán bộ, công chức vi phạm
Trả lời câu hỏi của các ĐB: Đinh Thị Kiều Trinh, Mai Thị Kim Nhung về vấn đề đạo đức công vụ, thi tuyển viên chức và một số vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2017 đến nay đã kiểm điểm 8 đơn vị hành chính có liên quan đến vấn đề này. Bộ luôn quan tâm đến vấn kỷ luật công vụ và đã kỷ luật nhiều cán bộ công chức vi phạm, điều chỉnh lại vị trí việc làm cho phù hợp. Trong thực thi công vụ, Bộ luôn gương mẫu làm trước. "Trường hợp tuyển dụng sai, không đúng thì phải làm lại", Bộ trưởng khẳng định.
Còn về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ vừa qua đã tinh giảm 12,5%. Đồng thời xây dựng cơ chế một cửa, giao dịch khách hàng đều sử dụng cơ chế một cửa. “Nếu ĐBQH phát hiện công chức nội vụ vi phạm công chức công vụ, đề nghị cung cấp thông tin, Bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề cải cách hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết về việc thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.
Theo Bộ trưởng, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính, các thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí thực tế có nhiều bất cập.
Cụ thể, người dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước phải khai nhiều thông tin trùng lặp, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… và phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục. Thậm chí, có người quên hoặc ngại xóa đăng ký thường trú nên xảy ra việc người đã chết rồi mà vẫn có tên trong cử tri đi bầu trưởng thôn, trưởng xóm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Đến nay, 63/63 địa phương đã thực hiện phê duyệt liên thông giải quyết các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí… Người dân chỉ đến cần UBND xã nộp hồ sơ 1 lần để thực hiện 3 thủ tục trên. Việc thực hiện đề án này mỗi năm đã tiết kiệm 38,8 tỷ đồng, tỷ lệ hồ sơ quá hạn là 0,67%. Các thủ tục này được sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp, Bộ Công an.
Thời gian tới các địa phương tiếp tục quan tâm, thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đẩy mạnh liên thông…, Bộ trưởng cho biết.