Liên tiếp trẻ gặp tai nạn sinh hoạt dịp Tết: cần sự quan tâm đặc biệt từ phụ huynh

Tết Nguyên đán là thời điểm gia đình đoàn tụ, vui chơi và tận hưởng không khí lễ hội. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà tỷ lệ tai nạn ở trẻ em tăng cao, gây nhiều nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Trẻ được bác sĩ chăm sóc, điều trị vết thương. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Trẻ được bác sĩ chăm sóc, điều trị vết thương. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Nguyên nhân chính của những tai nạn này là sự hiếu động của trẻ nhỏ, kết hợp với việc nghỉ học dài ngày, các hoạt động liên hoan, và sự bận rộn của người lớn khiến việc giám sát trẻ trở nên lỏng lẻo.

Gần đây, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn nghiêm trọng. Điển hình là ba trường hợp trẻ bị đuối nước trong tình trạng nguy kịch do không được sơ cứu đúng cách. Các em bị ngã xuống ao, hồ cá Koi, ruộng nước khi chơi đùa mà không có sự giám sát của người lớn. Nhờ áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, các bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, song vẫn cần theo dõi di chứng thần kinh.

Theo các bác sĩ, thời điểm vàng để cứu sống trẻ đuối nước là 4-5 phút đầu tiên sau tai nạn, nhưng việc xử lý sai lầm như bế dốc ngược chạy khiến tình trạng nặng thêm.

Đặc biệt, trẻ đuối nước trong mùa lạnh sẽ dễ bị hạ thân nhiệt nhanh, làm bệnh tình thêm nặng nề. Do vậy, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay, vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Ngoài đuối nước, tai nạn giao thông cũng là mối nguy hiểm đối với trẻ. Ngày 15/1/2025, một bé trai 8 tuổi ở Nam Định không may va chạm với xe máy khi đang đi bộ. Sau tai nạn, em bị chấn thương sọ não cùng nhiều vết thương ngoài da. Nhờ sự điều trị kịp thời, sức khỏe của em đã hồi phục và được xuất viện. Tương tự, ngày 14/1/2025, một bé trai 12 tuổi tại Hà Nội bị bỏng nước sôi khi tắm bằng vòi hoa sen. Vết bỏng độ II và III ở vùng đầu, cổ, vai và tay phải khiến gia đình phải nhanh chóng đưa em đến bệnh viện. Sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc nhấn mạnh, các tai nạn trên chỉ là một phần nhỏ trong vô số nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải dịp Tết. Các tai nạn thường thấy gồm bỏng, té ngã, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm, và điện giật. Đặc biệt, trẻ từ đô thị về quê rất dễ gặp nguy hiểm do chưa quen với môi trường mới nhiều rủi ro như ao hồ, cây cối hoặc đường sá nông thôn.

Để bảo đảm Tết an toàn và trọn vẹn, phụ huynh cần chủ động phòng ngừa các nguy cơ tai nạn cho trẻ như: đuối nước, điện giật, bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc hóa chất, thực phẩm, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, té ngã, tai nạn giao thông… Đồng thời, phụ huynh cũng cần trang bị những kỹ năng sơ cứu đúng cách khi trẻ gặp tai nạn trong đời sống.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lien-tiep-tre-gap-tai-nan-sinh-hoat-dip-tet-can-su-quan-tam-dac-biet-tu-phu-huynh-407739.html