Liên tiếp trẻ nhập viện vì ong vò vẽ đốt

Trong hai tuần vừa qua Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu và điều trị cho 4 trẻ bị ong vò vẽ đốt, trong đó có 2 trường hợp nhập viện trong tình trạng rất nặng.

Trẻ sốc phản vệ vì bị ong vò vẽ đốt

Theo chia sẻ từ Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã điều trị cho bé gái A.T (2 tuổi, ở Ninh Bình) bị ong đốt vào đầu, tay, lưng khi đang chơi trong vườn nhà. Sau khi bị đốt, gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện địa phương cấp cứu, trẻ được chẩn đoán tăng men gan, tiêu cơ vân cấp và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Tại khoa Cấp cứu và Chống độc, bé T được điều trị tình trạng tiêu cơ vân cấp, sử dụng phương pháp lợi tiểu cưỡng bức phòng suy thận cấp. Hiện sau 4 ngày điều trị tình trạng sức khỏe trẻ đã ổn định và xuất viện.

Bác sĩ đang khám cho bé gái bị ong đốt. (Ảnh BVCC).

Bác sĩ đang khám cho bé gái bị ong đốt. (Ảnh BVCC).

Cùng thời điểm, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận bé H.T (11 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt. Được biết, khi bé T đang chơi bóng cùng các bạn trước cổng nhà thì bị 2 con ong vò vẽ đốt bất ngờ vào vùng lưng bả vai. Sau đốt, bệnh nhi xuất hiện đỏ da toàn thân, ngứa, sau khoảng 10 phút trẻ vã mồ hôi, ngất và được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, mạch nhanh nhỏ 130 lần/phút, huyết áp không đo được, tim đập nhanh. Tại đây các bác sĩ đã xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, trẻ tỉnh hơn và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi tiếp nhận và thăm khám ban đầu tại khoa Cấp cứu và Chống độc, bé T được chẩn đoán sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt. Trẻ tiếp tục được dùng adrenalin, thở oxy hỗ trợ, dùng các loại thuốc theo phác đồ xử trí sốc phản vệ và phòng các biến chứng do bị ong đốt. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định và đã được ra viện.

Cần làm gì khi bị ong đốt?

BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ong bao gồm 2 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật). Họ ong vò vẽ gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Nhóm này có ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần. Họ ong mật gồm ong mật, ong nghệ và ong bầu. Nhóm này ngòi nọc có ngạnh, nên sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

Đối với ong vò vẽ, nọc của chúng chứa khoảng 40 thành phần có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân, suy thận cấp… Mức độ nặng của liều độc phụ thuộc vào loại ong, số nốt và vị trí đốt. Đối với người lớn được coi là nặng nếu bị ong đốt trên 30 nốt, còn với trẻ em là trên 10 nốt, nếu không được xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân người bị ong đốt thường do tai nạn trong lao động, sinh hoạt, đi rừng hoặc do nuôi ong lấy mật, lấy mật ong rừng. Đối với trẻ em thường do trẻ trêu, nghịch, phá tổ ong (thường là ong vàng hoặc ong vò vẽ) hoặc vô tình bị ong đốt khi đang vui chơi.

"Trường hợp trẻ không may bị ong vò vẽ đốt, cha mẹ cần lấy vòi ong (nếu có) bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng hoặc nước sạch và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS Hùng cho biết.

Để phòng tránh ong đốt, BSCKII Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo:

Đối với trẻ nhỏ nên có người giám hộ đi cùng; Quanh khu vực nhà ở có tổ ong cần nhờ người có kinh nghiệm phá dỡ; Hướng dẫn trẻ không được chọc, ném, phá tổ ong.

Các gia đình khi đi dã ngoại không nên mặc các loại quần áo sặc sỡ, in hình bông hoa và tránh dùng các loại đồ ăn, nước uống có vị ngọt có thể lôi kéo ong đến.

Nếu không may bị ong vò vẽ bay quanh người hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu, thở đều, không chạy, không đập ong, khi ong nhận ra đó là người, ong sẽ bay đi.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-tre-nhap-vien-vi-ong-vo-ve-dot-19224080718375154.htm