Liên tục tiếp nhận trẻ nhập viện vì cúm mùa
Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 liên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ tới khám do nhiễm virus cúm
Cụ thể hơn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, thời gian gần đây, Khoa Nhi của đơn vị liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ tới khám và điều trị do nhiễm virus cúm. Hầu như ngày nào cũng có trẻ mắc cúm A tới khám, khoảng 1/10 số trẻ này phải nhập viện do sốt cao liên tục hoặc viêm phổi.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Phạm Thị Thuận, PT Chủ nhiệm khoa – Khoa Nhi (Bệnh viện 108) cho biết: "Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường vào mùa đông xuân hoặc thời điểm chuyển mùa.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, trẻ bị cúm thông thường chỉ cần hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, bù đủ nước và điện giải bằng dung dịch oresol, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi.
Các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng 5 – 7 ngày, tuy nhiên ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài hơn trong vòng một hoặc hai tuần. Thế nhưng, cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những trẻ nhỏ, trẻ đẻ non, có bệnh lý như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, hen phế quản… là đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây suy hô hấp do viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong…".
Cũng theo chuyên gia, để chủ động phòng bệnh cúm mùa, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch xảy ra. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Giữ ấm cơ thể (khi trời lạnh), ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
"Đặc biệt, biện pháp dự phòng cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm vaccine cúm mùa. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.
Ngoài ra, có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm (theo chỉ định của bác sĩ). Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời" - TS. BS. Phạm Thị Thuận khuyến cáo.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-tuc-tiep-nhan-tre-nhap-vien-vi-cum-mua-post630698.html