Liệt sĩ Nhà thơ Trần Mai Ninh và 'nhớ máu'
Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh (1917 – 1947), quê Thanh Hóa. Năm 1935, ở tuổi 18, ông đỗ bằng Thành chung (tương đương Trung học cơ sở bây giờ). Trần Mai Ninh rời Thanh Hóa ra Hà Nội, học trường Thăng Long, tham gia nhóm 'Nghiên cứu Mác xít' và hoạt động trong phong trào Thanh niên dân chủ Đông Dương. Bắt đầu viết báo, viết văn, minh họa sách báo, với nhiều bút danh: Trần Mai Ninh, Hồng Diện, Tố Chi, Mai Đỗ, TK…
Trần Mai Ninh tham gia Cách mạng từ phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), là người làm thơ, viết báo trên các tờ Bạn dân, Thời thế, Tin tức, Thế giới, Người mới, Bạn đường…
Các sáng tác của Trần Mai Ninh, được sưu tầm, sàng lọc từ nhiều nguồn, đã được công bố: Thằng Tuất (truyện vừa, 1939); Trừ họa (truyện ngắn, 1941); Ngơ ngác (truyện dài, 1942); Sống đã rồi viết văn (tiểu luận, 1944); và một số bài thơ...
Khi Mặt trận Dân chủ bị đàn áp, Trần Mai Ninh về hoạt động ở Ngọc Trạo, Thanh Hóa. Ông bị bắt rồi vượt ngục, tham gia giành chính quyền 1945 ở Nam Trung Bộ. Kháng chiến bùng nổ, ông có mặt ở Quãng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Trần Mai Ninh bị địch bắt, hy sinh trong tù khoảng 1948 - 1948.
Về cái chết của Trần Mai Ninh cũng thật đặc biệt. Đồng đội ông xác minh được hoàn cảnh ông sa vào tay giặc, những ngày bị tù đày tra tấn. Nhưng đến cái chết của ông thì những người sưu tầm bị lạc trong những chi tiết huyền thoại do các nhân chứng là nhân dân ở Nha Trang cung cấp. Khó phân biệt đâu là hiện thực đâu là do lòng khâm phục của nhân dân trước gương hy sinh lẫm liệt và bi tráng của ông, mà huyền thoại hóa đi: Trần Mai Ninh đã bị địch chọc mù mắt vì vẽ tranh Cách mạng, bị địch cắt lưỡi vì luôn chửi rủa chúng. Thậm chí, sau đó ông còn bị địch dùng xe kéo lê xác trên đường phố…
Theo tóm tắt trên, thì Trần Mai Ninh là một Liệt sĩ, Nhà thơ nhưng do hoàn cảnh thời ấy, người ta không lập được hồ sơ đầy đủ để xác minh ông là Liệt sĩ. Phải hơn 50 năm trôi qua, những người bạn chiến đấu của ông như nhà văn Nguyễn Chí Trung, ông Nguyễn Thuận… vẫn không nản chí điều tra, sưu tầm, xác minh hoàn cảnh hy sinh của ông.
Các lời kể có khác nhau chi tiết, ngay thời điểm Trần Mai Minh hy sinh cũng chưa thống nhất, người nhớ là 1947, người cho là 1948, nhưng đều toát lên niềm khâm phục kính yêu của người kể về phút ông đền nợ nước. Điều đáng tiếc là cho mãi tới hơn nửa thế kỷ sau, năm 1999 ông mới được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ.
Trong lễ tưởng niệm 52 năm ngày ông hy sinh (1948 – 2000), được tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, ngày 21/7/2000, qua những hồi ức của bạn chiến đấu, bạn văn chương như Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Thuận, Học Phi, Tô Hoài, Lương Sỹ Cầm… và người em gái ông bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thanh, những người dự thấy rõ tính cách ông, một tính cách ngạnh trực ngang tàng, một ý chí không biết sợ, không chịu khuất phục. Tính cách ấy làm chúng ta hiểu thơ ông, hiểu những hành động quyết liệt của ông ngay trong nanh vuốt kẻ thù và hình dung được những giây phút lâm chung khí phách của đời ông.
Trần Mai Ninh viết nhiều thể loại truyện ngắn, truyện dài, kịch. Nhưng thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác là thơ. “Tình sông núi” và “Nhớ máu” là 2 bài thơ của ông được đưa vào sách giáo khoa trung học từ khá sớm, góp phần làm hình thành nhân cách yêu nước đắm say, quyết liệt và ý chí chiến đấu hi sinh vì nghĩa lớn.
Có một sự tương đồng kì diệu, cao cả giữa điệu tâm hồn của tác phẩm và sự hi sinh lẫm liệt của Trần Mai Ninh. Ông như một ngôi sao băng hiếm và lạ xẹt qua bầu trời thi ca nước nhà, nhưng ánh sáng đặc biệt của nó dường như còn chưa tắt.
Xin được giới thiệu bài thơ NHỚ MÁU, do Trần Mai Ninh viết trong đêm 09 tháng 11 năm 1946 tại Tuy Hòa:
Ơ cái gió Tuy Hòa…
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại – lưng chừng
Gió nghỉ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộng.
Tôi đã thấy lòng tôi dậy
Rồi đây
Còn mấy bước tới Nha Trang
– A, gần lắm!
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.
Ơi hỡi Nha Trang!
Cái đô thành vĩ đại
Biết bao người niệm đọc tên mi.
Và Khánh Hòa vĩ đại!
Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người,
Cả hồn ta sát tới
Nhìn mi!
Ta có nhớ
Những con người
Đã bước vào bất tử!
Ơ, những người!
Đen như mực, đặc thành keo
Tròn một củ
Hay những người gầy sát lại
Mặt rẹt một đường gươm
Lạnh gáy,
Lòng bàn tay
Khắc ấn chuôi dao găm.
Chân bọc sắt,
Mắt khoét thủng đêm dày
Túi chứa cả Nha Trang… họ bước
Vương Gia Ngại… Cung Giữ Nguyên
Chút chít Hoàng Bá San… còn nữa!
Cả một đàn chó ghẻ
Sủa lau nhau
Và lần lượt theo nhau
Chết không ngáp!
Dao găm để gáy,
Súng màng tang
Ồng ộc xối đầy đường máu chó.
Chúng nó rú.
Cả trại giặc kinh hoàng.
Quy-lát khua lắc cắc
Giày đinh xôn xao
Còi và kèn…
Cả trại giặc bạt hồn, bạt vía…
Chạy lung tung
- Sớm mai xét và bắt
Thiết giáp cam nhông
Rầm rập nối đuôi nhau
Và đêm khuya: lại chết
Chồn Pháp, chó Việt gian
Ằng ặc máu
Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người
Cả hồn ta sát tới
Biết bao người
Sống lẩn lút nhưng ngang tàng
Bên lưng giặc!
Vẫn tổ chức, vẫn tuyên truyền
Hoặc giao thông hay liên lạc
Rải giấy
Treo cờ
Hay gồng vai tiếp tế
Từ bình minh cho tới trăng tàn
Đúc bê tông bên mặt trận
Và thì thào cùng du kích đi lên…
Cả ngàn chiến sĩ
Cả ngàn con bạc, con vàng
Của Tổ quốc!
Sống… trong đáy âm thầm
Mà nắm chắc tối cao vinh dự
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai
Vững tin tưởng nơi oai hùng
Và chiến thắng
Câu Việt Nam: dân tộc!
Cờ đã nâng cao
Màu đỏ máu
Với sao vàng tung rực rỡ!
Mặt hoàn cầu đã họp những tia xanh
Trán nhíu lại
Chú ý nhìn châu Á phía Đông Nam
Ta quyết thắng!
Việt Nam rồi đứng dậy
Sáng vô chừng
Rất tươi đẹp với Nha Trang và Nam Bộ
Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt
Máu chan hòa trên góc cạnh kim cương
Các anh hùng tay hạ súng trường
Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu
Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu!
*
Tiến tới kỷ niệm tròn 70 Chiến thắng Điện Biển Phủ và kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp (1954 – 2024); nhóm Họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” vừa phục dựng màu cho di ảnh thờ của Liệt sĩ, Nhà thơ Trần Mai Ninh.
Hà Nội, 01/4/2024
Trái Tim Người Lính (Sưu tầm và Biên soạn)
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/liet-si-nha-tho-tran-mai-minh-va-nho-mau-a24048.html