Liệu chánh niệm có thể giúp Phật giáo Nhật Bản phát triển không?

Tại Nhật Bản, hiện nay, chánh niệm xuất hiện như một làn gió mới, một cơ hội để khơi dậy tinh thần Phật pháp trong đời sống hiện đại.

Liệu phương pháp này có trở thành cầu nối đưa Phật giáo phát triển trở lại, hay chỉ là một trào lưu nhất thời? Câu trả lời nằm ở cách các nhà sư đón nhận và dẫn dắt sự đổi thay này.

Tại Nhật Bản, Phật giáo đã dần trở thành một “tôn giáo tang lễ” khi phần lớn các ngôi chùa chủ yếu cung cấp dịch vụ tưởng niệm cho người quá cố. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một nhà sư Thiền tông đang kỳ vọng vào chánh niệm - một phương pháp thực hành đang phổ biến ở phương Tây - như một cách để hồi sinh truyền thống Phật giáo tại quốc gia này.

Trong tư duy của người phương Tây, thiền Phật giáo Nhật Bản gợi nhớ hình ảnh các nhà sư khắc kỷ ngồi kiết-già trên chiếc chiếu tatami hoặc những vị ẩn sĩ đơn độc tu hành trên núi cao. Tuy nhiên, những hình ảnh đó đang dần biến mất khi ngày càng nhiều người Nhật chấp nhận một xu hướng mới - phương pháp chánh niệm, hay “maindofurunesu”, một thuật ngữ tiếng Nhật được vay mượn từ tiếng Anh (mindfulness).

Vào năm 2017, ít nhất ba tạp chí lớn của Nhật Bản đã đăng các bài viết trên trang nhất để ca ngợi lợi ích của phương pháp chánh niệm; các tác giả đã dẫn chứng các bài nghiên cứu khoa học và khuyến khích việc áp dụng chánh niệm trong môi trường kinh doanh và công sở. Dần dần, các sự kiện về chánh niệm xuất hiện trên khắp đất nước và thu hút đông đảo quần chúng quan tâm; đây là một dấu hiệu khả quan cho thấy phương pháp này đang dần được ưa chuộng bởi rất nhiều người Nhật Bản.

Trong tâm thế đó, một số nhà sư nhận thấy xu hướng này là một cơ hội để hồi sinh Phật giáo, một tôn giáo vốn đang bị xem là lạc hậu và không liên quan gì đến cuộc sống hiện đại. Thiền sư Takafumi Zenryu Kawakami, phó trụ trì chùa Shunkoin thuộc Thiền phái Rinzai trong quần thể Myoshinji, tại Kyoto, cho biết: “Ở Nhật Bản, Phật giáo được xem là một tôn giáo truyền thống và bảo thủ”. Nhìn thấy được điều này, nên thầy luôn là một trong những người tích cực truyền bá chánh niệm như một cách chứng minh cho sự liên quan và nhập thế của Phật giáo đối với xã hội.

Thầy Kawakami từ lâu đã quan tâm đến việc giảng dạy cho cả người dân Nhật Bản và phương Tây về cách mà các tư tưởng Phật giáo có thể vượt qua những định kiến cố hữu của xã hội. Thầy đã có nhiều bài giảng tại các trường đại học, tập đoàn và các hội nghị TEDx về các đề tài về chánh niệm. Bên cạnh đó, thầy còn hướng dẫn các lớp thiền tại chùa Shunkoin dành cho cả người nước ngoài lẫn người dân địa phương.

Cách tiếp cận quần chúng của thầy Kawakami có vẻ giống với nhiều giáo viên chánh niệm khác, nhưng thầy lại là một ngoại lệ trong số các nhà sư Nhật Bản, những người vốn không dành nhiều thời gian để giảng dạy thiền cho quần chúng. Thay vào đó, phần lớn các ngôi chùa tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tưởng niệm và nghi lễ Phật giáo.

Với hy vọng khôi phục lại sự quan tâm của công chúng đối với Phật giáo, trong những năm gần đây, các nhà sư trên khắp Nhật Bản đã nỗ lực xóa bỏ định kiến về những người làm nghề tang lễ tâm linh với hy vọng khôi phục lại sự quan tâm của xã hội đối với Phật giáo. Bằng cách mở rộng các hoạt động để tiếp cận với quần chúng và nhân đó, lồng ghép chánh niệm vào trong các cuộc nói chuyện, sự kiện hay các khóa tu để họ ý thức được tầm quan trọng và lợi ích của phương pháp chánh niệm trong Phật giáo. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sư Nhật Bản đều ủng hộ việc sử dụng chánh niệm như một công cụ đổi mới Phật giáo. Một số người lo ngại rằng việc tách rời chánh niệm khỏi bối cảnh tôn giáo có thể làm mất đi ý nghĩa sâu sắc của nó.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí President Woman năm 2017, Thiền sư Daiko Matsuyama, một nhà sư thuộc truyền thống Myoshinji giống như Kawakami, đã bày tỏ sự hoài nghi của mình về phương pháp hiện đại này. Thầy nhận xét: “Chánh niệm ngày nay đang bị sử dụng như một kỹ thuật, một phương pháp thực dụng. Điều đó thật đáng tiếc - mottainai (một sự lãng phí)”.

Thầy cũng nhấn mạnh rằng chánh niệm không thể bị tách rời khỏi hệ thống giáo lý Phật giáo. Nếu chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân cạn cợt mà bỏ qua yếu tố tâm linh, chánh niệm sẽ trở thành một công cụ thiếu chiều sâu. Bởi “chánh niệm” đúng đắn trong Bát chánh đạo được Đức Phật giảng dạy không thể chỉ đơn giản để trích xuất riêng lẻ và thực hành một cách đơn thuần như vậy. Mặc dù thầy cũng đồng ý rằng chỉ riêng chánh niệm thôi cũng đã mang lại lợi ích cho người thực hành, nhưng nếu chỉ như vậy thì hành giả sẽ có sự nhầm lẫn giữa những điều không đáng kể và mục đích thiết yếu, giữa “hóa thành” và “bảo sở”.

Về phía thầy Kawakami, thầy không phủ nhận rằng chánh niệm đang được thương mại hóa và thế tục hóa. Tuy nhiên, thầy cũng tin rằng nếu được giảng dạy đúng cách, chánh niệm có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về các nguyên lý quan trọng của Phật giáo, bao gồm khổ, vô thường, vô ngã và lý Duyên sinh.

“Tôi muốn dạy mọi người biết chánh niệm đã mất đi điều gì trong quá trình thế tục hóa và phổ quát hóa. Phiên bản lý tưởng của phương pháp chánh niệm không nên chỉ được sử dụng như một liệu pháp để khiến ‘bạn’ hạnh phúc. Phương pháp này cần phải được áp dụng để giúp con người hiểu rõ về bản chất vô thường, vô ngã và sự kết nối giữa tất cả chúng sinh”, thầy Kawakami chia sẻ.

Chánh niệm, khi được du nhập từ phương Tây, có thể trở thành một công cụ hữu ích để làm mới Phật giáo Nhật Bản hay không? Theo Thiền sư Kawakami, điều này phụ thuộc vào cách nó được truyền bá và thực hành trong cộng đồng như thế nào.

“Nếu ‘McMindfulness’ - một phương pháp chánh niệm hời hợt, chỉ tập trung vào hạnh phúc cá nhân - trở thành xu hướng chủ đạo ở Nhật Bản, thì chánh niệm có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Nhưng nếu các nhà sư Phật giáo, những người có kinh nghiệm sâu sắc về cả truyền thống Phật giáo và chánh niệm hiện đại, lên tiếng về các vấn đề liên quan đến hạnh phúc và an lạc thực sự, thì đây có thể là cơ hội tuyệt vời để Phật giáo hồi sinh tại Nhật Bản”, ông nhận định.

Vì vậy, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở bản thân chánh niệm, mà còn ở cách nó được áp dụng và giảng dạy. Nếu giữ được sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, chánh niệm có thể giúp Phật giáo Nhật Bản tìm lại vị trí của mình trong đời sống xã hội ngày nay.

Tâm Tuệ tổng hợp/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/lieu-chanh-niem-co-the-giup-phat-giao-nhat-ban-phat-trien-khong-post75544.html