Liệu Châu Âu có phải đánh đổi bản sắc để phát triển?

Hơn 30% dân số châu Âu sẽ ở tuổi 65 trở lên vào năm 2100. Những người ở độ tuổi 75-84 được dự đoán sẽ tăng 56.1% vào năm 2050, trong khi những người dưới 55 tuổi dự kiến sẽ giảm 13.5%.

Ảnh minh họa (DALL-E / OpenAI)

Ảnh minh họa (DALL-E / OpenAI)

Châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa thách thức về nhân khẩu với nguy cơ phá hủy hệ thống kinh tế xã hội phát triển mà châu lục này đã xây dựng trong nhiều thế kỷ qua. Khi dân số khắp lục địa ngày càng già đi nhờ những bước tiến về công nghệ và chăm sóc sức khỏe giúp người dân sống lâu hơn, lực lượng lao động đang suy giảm ngày càng rõ. Sức sống kinh tế và hệ thống an sinh xã hội lâu nay là niềm tự hào của các xã hội Châu Âu sẽ gặp phải mối đe dọa chưa từng có, đe dọa đang làm xói món tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đặt ra những câu hỏi then chốt về tính bền vững và tính liên tục của các nền văn hóa. Khi tỷ lệ sinh bản địa đang giảm dần, tuổi thọ ngày càng tăng, câu hỏi lớn nhất mà Châu Âu sẽ phải trả lời là: làm cách nào để lục địa này có thể duy trì hệ thống an sinh xã hội trong lúc bảo vệ lối sống truyền thống của người Châu Âu?

Tuy nhiên, giải pháp, tưởng chừng như rõ ràng là các làn sóng di cư của giới trẻ từ Châu Phi và Trung Đông, lại là vấn đề lớn không kém đối với Châu Âu.

Câu hỏi này còn đặt ra vấn đề kết cấu xã hội và sự gắn kết dân tộc. Hàng thập kỷ qua, Châu Âu đã đối mặt với những thách thức chưa từng có để hội nhập hàng triệu người đến từ làn sóng nhập cư, trong đó có những nỗ lực đồng hóa văn hóa thường thất bại, dẫn đến sự xuất hiện của các cộng đồng của những người nhập cư hoàn toàn tách biệt khỏi xã hội châu Âu. Thực tiễn của Pháp và Thụy Điển với dân số di cư chiếm hơn 10% dân số quốc gia là lời cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu về sự những lệch chuẩn văn hóa trong xã hội.

Có một mối lo ngại rõ ràng là các câu chuyện lịch sử của Châu Âu và hướng đi tương lai của nó có thể khác nhau, dẫn đến tương lai của một lục địa già nơi quá khứ chỉ còn được lưu giữ trong các viện bảo tàng và di sản, chứ không phải là các trải nghiệm sống hàng ngày của người dân châu Âu.

Nỗi sợ hãi này của người dân càng tăng thêm bởi những lo ngại về việc bảo tồn ngôn ngữ, những thay đổi trong thành phần tôn giáo nhân khẩu học và tính bền vững của các hoạt động văn hóa không được người dân nhập cư coi trọng hoặc tiếp nối.

Nguy cơ các truyền thống bản địa bị xói mòn bởi sự xâm lấn của những nền văn hóa khác đến từ các nhóm nhập cư là một vấn đề ít được đề cập trong giới lãnh đạo Châu Âu do tính nhạy cảm chính trị của vấn đề. Nhưng rốt cục, thực tế này đã dẫn đến một làn sóng cực hữu trên khắp Châu Âu với những phong trào chính trị cực hữu thu hút sự ủng hộ bằng cách lợi dụng nỗi sợ về sự suy giảm văn hóa và bất an về kinh tế, coi người nhập cư là mối đe dọa đối với bản sắc dân tộc.

Người dân ở các quốc gia châu Âu phẫn nộ về cách tiếp cận của chính phủ họ hiện nay và đã bầu cho những chính trị gia phản đối nhập cư. Các chính trị gia cực hữu đã thành công đã tại các quốc gia như Ý, Ba Lan, Thụy Sĩ, và Phần Lan, trong khi mọi quốc gia tại EU đều nhận thấy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong 10 năm qua.

Nhưng đây không phải là giải pháp, và việc ngăn chặn làn sóng nhập cư sẽ gây tổn hại đáng cho nền kinh tế Châu Âu trong những năm tới. Châu Âu sẽ cần hàng chục triệu người nhập cư để duy trì sự phát triển của mình trong những thập kỷ tới, và có lẽ sẽ phải mất dần đi bản sắc truyền thống trong quá trình này. Đây là thực tế lục địa này sẽ bắt đầu phải chấp nhận.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học

Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già tại Châu Âu chia theo khu vực theo dữ liệu năm 2019 (Nguồn: World Economic Forum)

Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già tại Châu Âu chia theo khu vực theo dữ liệu năm 2019 (Nguồn: World Economic Forum)

Cơ cấu nhân khẩu học của Châu Âu đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc. Lục địa này, nơi từng có lực lượng lao động trẻ xây dựng nên các nền kinh tế mạnh mẽ sau hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20, đang già đi nhanh chóng.

Tỷ lệ đáng kể của dân số Liên minh Châu Âu (EU) đang bước vào tuổi nghỉ hưu, với các dự đoán cho thấy hơn 30% dân số châu Âu sẽ ở tuổi 65 trở lên vào năm 2100. Những người ở độ tuổi 75-84 được dự đoán sẽ tăng 56.1% vào năm 2050, trong khi những người dưới 55 tuổi dự kiến sẽ giảm 13.5%.

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những tiến bộ tốt đẹp – với các hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, chế đột ăn uống lành mạnh, và các tiến bộ trong công nghệ giúp người dân Châu Âu sống lâu hơn. Các tiến bộ trong xã hội cũng đã khiến hàng trăm triệu người Châu Âu chuyển vào thành thị, nơi họ tập trung vào các cơ hội nghề nghiệp và đời sống của chính họ hơn – khiến rất ít gia đình ở Châu Âu có nhiều hơn hai con.

Cùng với đó, một Châu Âu ngày càng phi tôn giáo đồng nghĩa với việc giảm thiểu áp lực tôn giáo để người Châu Âu có nhiều con – trong khi Đạo Thiên chúa đã từng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trường dân số của lục địa này trong nhiều năm qua.

Dân số Châu Âu già đi kéo theo những hậu quả kinh tế đáng kể. Thị trường lao động sẽ là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề, với số người nằm trong độ tuổi làm việc giảm đáng kể và làm suy yếu năng suất lao động xã hội nói chung. Điều này cũng đồng nghĩa với mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn, gánh nặng nợ công cao hơn, và chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu ngày càng tăng – tất cả gây căng thẳng cho tài chính công và đe dọa tính bền vững của hệ thống phúc lợi.

Khi dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, sẽ có ít người đóng góp cho nền kinh tế và nhiều người phụ thuộc hơn, chuyển gánh nặng kinh tế sang các hệ thống thuế cũng đang bị tổn hại vì chính lí do này.

Triển vọng kinh tế của Châu Âu sẽ ngày càng yếu đi bởi xu hướng nhân khẩu học này. Lực lượng lao động trẻ là một điều cần thiết cho sự đổi mới, tinh thần kinh doanh, và sự năng động của nền kinh tế.

Do đó, lục địa này đang ở một thời điểm quan trọng khi các nhà hoạch định chính sách phải dung hòa giữa nhu cầu hỗ trợ dân số già với yêu cầu tiếp thêm sinh lực cho thị trường lao động. Trước những thách thức này, nhập cư sẽ không chỉ là một lựa chọn khó khăn, mà còn là điều cần thiết để Châu Âu duy trì trạng thái cân bằng kinh tế.

Tiềm năng của nhập cư

Đối diện với dân số già hóa, Châu Âu đòi hỏi một giải pháp mạnh mẽ để bổ sung thị trường lao động và hỗ trợ cơ cấu kinh tế của lục địa này, và người nhập cư, mặc dù tiếp tục gây tranh cãi, đã thể hiện tiềm năng để giải quyết vấn đề này.

Dân số nhập cư đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiếp nhận bằng cách đóng góp cho lực lượng lao động, khởi nghiệp kinh doanh, và thúc đẩy đổi mới về cách tiếp cận.

Không đâu tại Châu Âu rõ hơn là Tây Đức, nơi trong những thập kỷ 1950 và 1960 đã tiếp nhận hàng triệu “công nhân khách” (gastarbeiter) trong những năm phép màu kinh tế sau chiến tranh để bù đắp cho lực lượng lao động thiếu hụt tại đây. Nhiều công nhân nước ngoài trong thời kỳ này đã hòa nhập thành công vào xã hội và ở lại Đức để sinh sống cho đến ngày nay, tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Trong những năm gần đây, Châu Âu đã chứng kiến làn sóng di cư đáng kể từ nhiều quốc gia khác nhau, với những người di cư có tay nghề cao mang lại nhiều tiềm năng cho thị trường lao động.

OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa nhập những người nhập cư này, bao gồm cả người tị nạn và con cái của họ, vì một tương lai thịnh vượng và hòa nhập hơn cho toàn bộ xã hội.

Nhiều nước Châu Âu như Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng và nhập cư được coi là một chiến lược quan trọng để giải quyết vấn đề này và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp khác, bao gồm việc tăng độ tuổi nghỉ hưu hay hỗ trợ tài chính cho các gia đình có nhiều con hơn sẽ không thể hiệu quả bằng nhập cư, như tại Pháp.

Những câu chuyện thành công về hội nhập cho thấy tỷ lệ có việc làm tăng nhanh chóng trong số những người tị nạn và di cư gần đây. Cứ hai người đàn ông tị nạn đến Châu Âu trong 5 năm qua thì một người đã có việc làm. Phụ nữ tị nạn từ Ukraine, những người có trình độ học vấn cao hơn hầu hết phụ nữ tị nạn khác, đã nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động ở Châu Âu.

Tuy nhiên, vấn đề nhập cư không chỉ mang tính kinh tế - nó cũng là một mệnh lệnh nhân đạo đối với những người thực sự phải di rời do chiến tranh hay bị áp bức ở quê nhà.

Châu Âu có truyền thống lâu đời trong việc cung cấp nơi trú ẩn cho những người gặp khó khăn, và làn sóng người tị nạn gần đây từ các khu vực xung đột như Syria và Ukraine đã tái khẳng định cam kết này.

Các khoản đầu tư vào hội nhập người di cư đã tăng lên, cho phép người nhập cư trên khắp Tây Âu có nhiều cơ hội để tham gia vào các chương trình hội nhập. Điều này đi kèm với các chính sách hiệu quả hơn, và thay đổi cách tiếp cận hội nhập dựa trên nhu cầu kinh tế của quốc gia tiếp nhận. Sự số hóa của các công cụ giúp hội nhập, chẳng hạn như đào tạo ngôn ngữ, đã tăng cường hơn nữa các nỗ lực hội nhập này. Tại Thụy Điển, ngôn ngữ phổ biển nhất trên Duolingo lại là tiếng Thụy Điển, đang được hàng trăm nghìn người nhập cư tại đây học tập.

(Còn nữa)

Phạm Vũ Thiều Quang

Phạm Vũ Thiều Quang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lieu-chau-au-co-phai-danh-doi-ban-sac-de-phat-trien-2214659.html