Liệu có cuộc gặp 2 Tổng thống Putin - Zelensky ngày 15/5?

Nga và Ukraine bày tỏ sẵn sàng đàm phán trực tiếp tại Istanbul, mở ra hy vọng cho lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài, song cuộc gặp còn nhiều biến số.

Nga và Ukraine dự kiến gặp mặt trực tiếp tại Istanbul vào 15/5 trong vòng đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ năm 2022. Đề xuất này do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra đáp lại yêu cầu ngày càng mạnh mẽ từ phương Tây về một lệnh ngừng bắn 30 ngày hướng tới hòa bình lâu dài.

Ông Putin sẽ có mặt?

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/5 xác nhận, Nga sẵn sàng chờ Ukraine ở Istanbul và vẫn đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên ông Peskov chưa bình luận cụ thể về thành phần phái đoàn và việc liệu cuộc gặp có thể diễn ra chính xác vào ngày 15/5 hay không.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đưa ra lời mời nối lại đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột, nhấn mạnh việc giải quyết “căn nguyên của vấn đề”. Đề xuất này được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ ngay, còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dù bày tỏ sẵn sàng đối thoại, nhưng tiếp tục yêu cầu điều kiện tiên quyết là lệnh ngừng bắn 30 ngày – điều mà Moskva nhiều lần bác bỏ.

Ông Peskov nói thêm danh sách phái đoàn đàm phán Nga sẽ chỉ được công bố khi Tổng thống Putin “thấy phù hợp” cho thấy Moskva vẫn đang cân nhắc tùy theo diễn biến từ phía Ukraine và Mỹ.

Ngoài ra, ông Peskov bác bỏ khả năng các nước Tây Âu tham gia tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine, cho rằng “châu Âu hoàn toàn đứng về phía Ukraine, cách tiếp cận của họ không trung lập mà nghiêng hẳn về chiến tranh”. Ông nhấn mạnh lập trường của Moskva – và cả Washington dưới thời Trump – là hướng đến đối thoại thay vì tiếp tục xung đột.

Phía Mỹ sẽ cử Ngoại trưởng Marco Rubio cùng hai đặc phái viên Steve Witkoff và Keith Kellogg tham dự – dấu hiệu đầu tiên cho thấy tiến triển sau nhiều tuần đình trệ. Ông Trump cũng từng bày tỏ khả năng tham dự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ tới Istanbul nếu ông Putin xuất hiện. Ông tiếp tục nhấn mạnh tầm đàm phán ở cấp lãnh đạo. “Chỉ có ông ấy mới có thể quyết định. Tôi sẵn sàng gặp trực tiếp nếu ông ấy thực sự nghiêm túc”.

Cuộc gặp có thể diễn ra?

Trong bối cảnh cuộc gặp trực tiếp giữa ông Putin và ông Zelensky được mong chờ có thể diễn ra, EU tạm hoãn các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Thủ tướng Đức Friedrich Merz cảnh báo nếu tuần này không có tiến triển, châu Âu sẽ xem xét siết chặt trừng phạt, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng và tài chính.

Nhưng nhìn chung, giới chức châu Âu tỏ ra nghi ngờ, cho rằng đây là chiến thuật kéo dài thời gian của điện Kremlin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel trong một hội nghị thượng đỉnh tại Pháp năm 2019 về xung đột ở miền đông Ukraine (trước khi chiến dịch quân sự năm 2022 bắt đầu).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel trong một hội nghị thượng đỉnh tại Pháp năm 2019 về xung đột ở miền đông Ukraine (trước khi chiến dịch quân sự năm 2022 bắt đầu).

Một số nhà phân tích cho rằng Nga đề xuất hòa đàm để trì hoãn sức ép quốc tế, đồng thời cân nhắc giữa việc tiếp tục chiến dịch quân sự vào mùa hè hoặc tận dụng cơ hội do ông Trump đưa ra để đàm phán kết thúc chiến tranh. Cựu cố vấn Điện Kremlin tiết lộ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và cố vấn Yury Ushakov có thể sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin chưa xác nhận thông tin này.

Khả năng diễn ra cuộc gặp trực tiếp giữa ông Putin và ông Zelensky được đánh giá là rất thấp. Phân tích từ các nhà quan sát Kremlin cho rằng việc ông Putin có tới Istanbul hay không sẽ phụ thuộc vào sự hiện diện và “vai trò đảm bảo” của ông Trump.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine từng gặp nhau một lần vào cuối năm 2019 trong khuôn khổ đàm phán theo định dạng Normandy, nhưng không đạt được bước đột phá nào. Năm 2022, Nga và Ukraine từng đàm phán trực tiếp nhưng nhanh chóng đổ vỡ. Phía Nga hiện muốn nối lại các điều khoản đàm phán từ thời điểm đó – vốn bị Ukraine và phương Tây xem là yêu sách buộc Kiev đầu hàng.

Phát biểu gần đây, ông Putin tiếp tục khẳng định Ukraine từng đồng ý với các đề xuất đó, nhưng vì phương Tây can thiệp và làm sụp đổ tiến trình. Trợ lý đối ngoại của ông, ông Yury Ushakov, nhấn mạnh dự thảo năm 2022 vẫn nên là cơ sở cho đàm phán sắp tới.

Một số quan chức phương Tây cho rằng Nga có thể tạm thời từ bỏ các điều kiện tối đa để đạt một thỏa thuận đóng băng chiến sự, đổi lấy việc dỡ bỏ một phần trừng phạt và tái lập quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các mục tiêu cuối cùng của Moskva sẽ không thay đổi, mà chỉ điều chỉnh chiến thuật để tiếp tục gây áp lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang đi công tác Trung Đông, cũng bày tỏ sẵn sàng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang đi công tác Trung Đông, cũng bày tỏ sẵn sàng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề lãnh thổ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 13/5 cho biết nước này mong muốn thảo luận về một "giải pháp bền vững" với Ukraine tại Istanbul, bao gồm việc công nhận các lãnh thổ trước đây của Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga.

"Những vấn đề này luôn có mặt trong các cuộc đàm phán – làm thế nào để đảm bảo một giải pháp bền vững cho tình hình, trước hết là bằng cách giải quyết tận gốc của cuộc xung đột, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc ‘phi phát xít hóa’ chính quyền Kiev, đảm bảo công nhận thực tế đã phát sinh gần đây, bao gồm cả việc các vùng lãnh thổ mới gia nhập vào Nga".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/5 cũng cho rằng người Ukraine "nhận thức rõ" rằng họ không có khả năng lấy lại toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập kể từ năm 2014.

Ông Macron cho biết Pháp và Anh vẫn đang đề xuất triển khai các lực lượng "bảo đảm an ninh" sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, với mục tiêu thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, ông nói các lực lượng này sẽ hoạt động “xa tuyến đầu” và chỉ ở những vị trí trọng yếu. Nga cảnh báo mọi lực lượng nước ngoài, đặc biệt là các nước NATO, có mặt tại Ukraine nếu không có sự chấp thuận từ Moskva, sẽ bị coi là mục tiêu thù địch.

Từ năm 2014, Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea, rồi sau đó là các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, với các cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu này, song gần đây Tổng thống Zelensky thừa nhận Kiev không có đủ vũ khí để giành lại Crimea bằng vũ lực.

Chuyện gì xảy ra ở Istanbul năm 2022

Phái đoàn Nga - Ukraine gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022.

Phái đoàn Nga - Ukraine gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022.

Các cuộc đàm phán Nga–Ukraine tại Istanbul vào tháng 3/2022 là một phần trong những nỗ lực ban đầu nhằm chấm dứt cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2 cùng năm. Cuộc gặp ngày 29/3/2022 tại Cung điện Dolmabahçe ở Istanbul, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được xem là cuộc tiếp xúc nghiêm túc nhất giữa hai bên trong giai đoạn đầu cuộc chiến.

Tại đây, Ukraine đề xuất giữ vị thế trung lập, không gia nhập NATO và chấp nhận các đảm bảo an ninh quốc tế để đổi lấy lệnh ngừng bắn và việc Nga rút quân. Nga hoan nghênh các đề xuất và chuẩn bị đáp lại với các bước giảm căng thẳng, nhưng khoảng cách niềm tin giữa các bên khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ và hoạt động chiến sự lại tiếp tục.

Khác với năm 2022, cuộc đàm phán dự kiến trong năm 2025 do Moskva khởi xướng, diễn ra sau nhiều năm xung đột khốc liệt, trong bối cảnh lập trường hai bên cứng rắn hơn. Ukraine hiện nhấn mạnh vào sự cần thiết phải đạt lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, trong khi Nga tiếp tục muốn duy trì các mục tiêu từ đầu xung đột. Một khác biệt đáng chú ý là vai trò trực tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực hòa đàm 2025 và sự "vắng bóng" của châu Âu.

Phương Anh (Nguồn: RT, NPR, Independent )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lieu-co-cuoc-gap-2-tong-thong-putin-zelensky-ngay-15-5-ar943134.html