'Liệu có tính phương án sáp nhập các tỉnh hay không?'
Sáp nhập cấp xã, cấp huyện thời gian qua được đánh giá là rất hiệu quả và thiết thực, Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân liệu có tính tới việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh không.
Vấn đề sáp nhập các đơn vị hành chính được ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong chất vấn tại Quốc hội sáng 9-11.
ĐB Trần Đình Gia cho rằng: Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thời gian vừa qua được đánh giá là rất hiệu quả và thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay còn vấn đề là giải quyết cán bộ dôi dư, giải quyết các trụ sở, trường học, trạm xá, v.v. còn gặp khó khăn.
“Vậy chúng ta sáp nhập đơn vị hành chính thời gian sắp tới bộ có giải pháp gì để hạn chế những khó khăn này? Và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện có hiệu quả như vậy thì bộ có tính đến việc tham mưu để sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hay không?”, ĐB Trần Đình Gia hỏi.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay: Triển khai Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32. Trong vòng 8 tháng vừa tổ chức triển khai thực hiện xây dựng đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có 43/45 tỉnh đã sắp xếp các đơn vị hành chính, chỉ còn Kiên Giang và TP HCM là đang trong quá trình sắp xếp.
“Đến giờ này, cơ bản thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 653 về sắp xếp đơn vị hành chính từ năm 2019 và tới năm 2021 là kết thúc. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ tổng kết trong thời gian sắp tới chúng ta có tiếp tục thực hiện sắp xếp nữa hay không”, Bộ trưởng Tân cho hay.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 653 chỉ quy định sắp xếp đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có dưới 50% diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Các đối tượng đơn vị hành chính còn lại thì Nghị quyết 653 chưa đặt vấn đề.
Dẫn Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ trưởng Tân nói, Nghị quyết Trung ương này cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
“Bởi vậy việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chúng ta chưa đặt vấn đề ở đây”, Bộ trưởng Tân nói.
Dẫn lại Nghị quyết 653 của Quốc hội, Bộ trưởng Tân nói Nghị quyết này cũng không đặt vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính của cấp tỉnh, tuy nhiên, thời gian vừa qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cũng có những khó khăn.
“Trước tiên là thực hiện về các chế độ, chính sách. Lúc đầu các địa phương nghĩ rằng đây là việc thuận lợi, dễ nên hầu hết các phương án của địa phương đều đề nghị sắp xếp cán bộ, công chức là đến 31-12-2022 kết thúc. Nhưng thực tế Nghị quyết 653 cho phép là không quá 5 năm. Do đó tôi đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chúng ta áp dụng nghị quyết cao nhất là 653. Theo đó, cho phép các địa phương sắp xếp về tổ chức biên chế không quá 5 năm từ khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực”, Bộ trưởng Tân đưa giải pháp.
Bộ trưởng Tân nói việc thực hiện Nghị quyết không theo đề nghị của địa phương, trong khi đề án lúc đầu còn có sự chủ quan.
Về phía mình, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2605 hướng dẫn cho việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.
“Bây giờ, một là chúng ta thực hiện giải quyết theo Nghị định 26/2015 của Chính phủ đối với trường hợp không tái cử. Hai là chúng ta thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 113, 108. Ba là chúng ta thực hiện chế độ thôi việc một lần theo Luật Công chức, viên chức.
Có thể chúng ta xem xét những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà chuyển được từ công chức xã lên công chức huyện, thực hiện theo Luật Công chức mới thì chúng ta thực hiện chuyển từ công chức xã thành công chức huyện và điều chuyển giữa xã thiếu với xã thừa”, Bộ trưởng Tân nêu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/lieu-co-tinh-phuong-an-sap-nhap-cac-tinh-hay-khong-948951.html