'Liệu cơm, gắp mắm' sử dụng nguồn vốn bảo trì
Nguồn vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng khoảng 40% định mức và nhu cầu sử dụng, do đó để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này buộc ngành Đường bộ phải cân đối, ưu tiên xóa 'điểm đen' trên quốc lộ quan trọng..., phần còn lại dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Thiếu trầm trọng kinh phí bảo trì
Theo số liệu thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), hiện nay hệ thống đường bộ đang được quản lý khai thác với tổng chiều dài 609.636 km, trong đó chiều dài các tuyến quốc lộ do Cục ĐBVN quản lý là 25.173 km (4,1%), đường do địa phương quản lý là 582.962 km (95,6%), đường cao tốc đang khai thác dài 1.296 km (0,28%).
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục ĐBVN) cho biết, trong 26.086 km quốc lộ và cao tốc do Cục ĐBVN quản lý đang được khai thác tốt, đảm bảo giao thông êm thuận, an toàn vì đây là nhóm được Nhà nước bố trí tương đối đủ nguồn lực để thực hiện công tác duy tu, bảo trì đường cao tốc, đường trục chính đô thị và một số tuyến quốc lộ quan trọng như QL.1, đường Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Điệp, trong nhóm ưu tiên này, nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng cho các tuyến cao tốc đang khai thác là gần đủ so với nhu cầu, còn tuyến QL.1, đường Hồ Chí Minh thì chỉ đảm bảo 50% nhu cầu về bảo trì, duy tu, sửa chữa thường xuyên. Ông Điệp cho biết thêm, tuyến QL.1 hiện đang có lưu lượng phương tiện lớn nhất. Ngoài những đoạn tuyến có cao tốc song hành thì những đoạn không có các trạm BOT phương tiện tập trung đông như đoạn từ huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) - Tiền Giang, Ninh Bình - thị xã Tam Điệp, Thanh Hóa - Nghệ An... Những đoạn tuyến này luôn gây áp lực giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Cùng với đó, một số tuyến cao tốc mặc dù đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư song vẫn còn những điểm hạn chế như thiếu làn dừng khẩn cấp và hệ thống trạm dừng nghỉ... Tới đây, trong dự thảo Nghị định về Quản lý khai thác bảo trì đường cao tốc, Bộ GTVT sẽ đưa ra những phương án cụ thể để khắc phục.
Cũng theo ông Điệp, đối với hệ thống quốc lộ, năm 2023 được giao 12.000 tỷ đồng để quản lý vận hành, khai thác và bảo trì. Ngoài phần chi cấp bù cho vận hành phà, điện chiếu sáng, mua sắm vật tư dự phòng, trả nợ cho khắc phục hậu quả thiên tai và đảm bảo giao thông của năm 2022 thì phần còn lại dành cho duy tu bảo dưỡng, mỗi năm khoảng 1.300 tỷ đồng được chia cho 25.000 km quốc lộ, 900 km cao tốc của Trung ương quản lý, phần còn lại tiến hành sửa chữa định kỳ các tuyến quốc lộ.
Đối với các địa phương có đường bảo trì khá tốt như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... vẫn tồn tại những khó khăn hiện hữu như tổng nguồn lực dành cho công tác bảo trì hiện vẫn còn thiếu. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết: "Nguồn vốn dành cho bảo trì hệ thống giao thông của tỉnh chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu thực tế, chúng tôi phải cân nhắc trong việc phân bổ nguồn lực, lựa chọn nhà thầu, giải pháp để sử dụng tiền bảo trì sao cho kịp thời, hiệu quả vì "1 đồng bảo trì bằng 4 đồng đầu tư mới".
Cân nhắc từng đồng - ưu tiên đầu tư
Đánh giá về hoạt động bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, qua theo dõi và nghiên cứu, các nước trên thế giới nếu họ có 100 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thì phải dành 40% cho công tác bảo trì, tuy nhiên thực tế tại Việt Nam con số này chỉ đạt 1,4%.
Nguyên nhân của thực trạng này là do nhu cầu phát triển hạ tầng của chúng ta đang rất lớn, dồn lực để phát triển cao tốc đường bộ Bắc - Nam nhánh Đông. Đối với các nước phát triển, hạ tầng giao thông đã đạt đến tiêu chí hiện đại, đồng bộ, do vậy nguồn lực dành cho công tác bảo trì sẽ lớn. Còn tại Việt Nam, vốn dành cho bảo trì chỉ đáp ứng được 40% trong khi nhiều tuyến quốc lộ đã được khai thác nhiều năm nhưng chưa có điều kiện để cải tạo nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển như QL.26 (Khánh Hòa - Đắk Lắk), QL.1 đoạn Quảng Nam, QL.2 (Tuyên Quang), QL.3 (Bắc Kạn)...
Do đó, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ ít ỏi hiện nay, Cục ĐBVN đang ưu tiên dành nguồn vốn này cho những tuyến giao thông huyết mạch như đường cao tốc, QL.1 và đường Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên khắc phục và xóa những "điểm đen", điểm mất ATGT, xây dựng những công trình phòng hộ, khơi khơi thông rãnh dọc, tăng cường khả năng thoát nước... Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, điều hành, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, ứng dụng công nghệ trong quản lý, cập nhật hồ sơ bảo trì, sửa chữa, đưa công nghệ mới, vật liệu mới vào hoạt động bảo trì nhằm giảm giá thành, kéo dài tuổi thọ cho công trình.