Liệu Hamas và Israel có chấp thuận kế hoạch hòa bình do Mỹ đề xuất ở Gaza?

Hôm 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch hòa bình được cho là của Israel nhằm mang lại hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đề xuất mới của Israel về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, tại Nhà Trắng ngày 31/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đề xuất mới của Israel về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, tại Nhà Trắng ngày 31/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang Al Jazeera, kế hoạch mới này gần như không khác gì với các kế hoạch trước đó mà Hamas đã nhất trí. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ mở ra lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột đã khiến trên 36.000 người Palestine, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng.

Nội dung của kế hoạch

Kế hoạch đề xuất các bên đàm phán theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên đề xuất ngừng bắn đầy đủ và toàn kiện kéo dài 6 tuần, trong đó quân đội Israel sẽ rút khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza.

Giai đoạn tiếp theo là trao đổi tù nhân Israel và Palestine, cũng như tiến hành đợt viện trợ nhân đạo để hỗ trợ những người đang đối mặt với nạn đói ở Dải Gaza và trên 82.000 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel.

Trong giai đoạn thứ ba, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ được thực thi, tạo điều kiện cho việc tái thiết khu vực này - bao gồm 60% phòng khám, trường học, trường đại học và các tòa nhà tôn giáo hư hại hoặc bị lực lượng Israel phá hủy.

Các bên ủng hộ đề xuất

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 7/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 7/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hôm 31/5, Hamas tuyên bố họ xem xét đề xuất này một cách “tích cực” này mà không đi sâu vào chi tiết.

Một số chính trị gia Israel và gia đình của những con tin, cũng như cộng đồng quốc tế, cũng ủng hộ đề xuất này.

Ông Benny Gantz, lãnh đạo đảng Đoàn kết Dân tộc đối lập, đối thủ chính của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã nhận xét tích cực về đề xuất này. Ông cũng kêu gọi các thành viên trong Nội các chiến tranh – ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant - thảo luận về “các bước tiếp theo”.

Trước đó, ông Gantz đã tuyên bố sẽ rời khỏi nội các vào ngày 8/6, nếu không có kế hoạch nào cho Gaza sau chiến tranh được thống nhất.

Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid cũng cam kết sẽ ủng hộ kế hoạch, ủng hộ đảng Yesh Atid (Có một tương lai) của ông nếu những thành viên các đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa rút lại sự ủng hộ này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng tán thành kế hoạch này, cũng như nhiều đồng minh của Israel, bao gồm Vương quốc Anh và Đức.

Làn sóng phản đối

Phần lớn những người phản đối kế hoạch hòa bình này đều thuộc Nội các Israel.

Hôm 1/6, ông Netanyahu cho biết bất kỳ sáng kiến nào không bao gồm loại bỏ khả năng cai trị và gây chiến của Hamas đều “không thể thực hiện”.

Trong tuyên bố ngày 31/5, Tổng thống Biden cho biết ông coi sự hiện diện của Hamas trong vùng đất này đã suy yếu đến mức không còn có thể thực hiện kiểu tấn công ngày 7/10.

Đúng như dự đoán, các thành viên cực hữu và theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong liên minh cánh hữu của Thủ tướng Netanyahu – ông Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich - đã đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ và khiến chính phủ sụp đổ nếu các đề xuất này được chấp nhận.

Liệu đề xuất có được chấp nhận không?

Điều đó vẫn chưa rõ ràng.

Gia đình của những con tin bị bắt giữ ở Gaza, cũng như một số bộ phận chính trị gia Israel, đang gây áp lực buộc chính phủ phải chấp nhận thỏa thuận này.

Tuy nhiên, áp lực từ chối thỏa thuận cũng mạnh mẽ không kém và vẫn chưa rõ liệu ông Netanyahu sẽ lựa chọn điều gì.

Về phía Hamas, vẫn chưa rõ liệu cái nhìn “tích cực” mà họ đánh giá về đề xuất này có dẫn đến động thái chấp nhận đề xuất hay không.

Osama Hamdan, người phát ngôn của Hamas tại Liban, cho biết phong trào này vẫn chưa nhận được đề xuất bằng văn bản từ Mỹ.

Các báo cáo bổ sung cho biết phong trào này sẽ phải đợi ý kiến từ các nhà lãnh đạo ở Gaza, bao gồm cả thủ lĩnh Yahya Sinwar, trước khi đưa ra kết luận có chấp nhận hay không. Song theo giới chuyên gia có khả năng, Hamas sẽ miễn cưỡng chấp thuận trước khi cân nhắc liệu Israel có cởi mở với thỏa thuận này hay không.

Binh sĩ Israel được triển khai trong chiến dịch quân sự tại Rafah, Dải Gaza, ngày 18/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel được triển khai trong chiến dịch quân sự tại Rafah, Dải Gaza, ngày 18/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Nguồn gốc của đề xuất này vẫn chưa rõ ràng. Dù ông Biden đã thận trọng định hình thông báo này như một sáng kiến của Israel, nhưng có vẻ như ít người trong Chính phủ Israel nắm được đề xuất này trước ngày 31/5.

Theo các nhà quan sát, đề xuất mà ông Biden đưa ra rất giống với đề xuất trước đó của Israel mà Hamas đã nhất trí vào cuối tháng 4. Một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là tín hiệu mà Mỹ muốn gửi đến Israel rằng Washington đang tìm cách ngăn chặn xung đột.

Đề xuất mới nhất được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột dường như đang bị đình trệ. Trong khi đó, tình hình nhân đạo ở Gaza vẫn rất tồi tệ. Ít nhất 1 triệu người đã sơ tán khỏi Rafah khi Israel tiếp tục cuộc tấn công vào thành phố này.

Ngày 2/6, các nhà đàm phán Israel và Mỹ sẽ họp tại Cairo để thảo luận về việc mở lại cửa khẩu Rafah và có khả năng giải quyết một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền Nam Gaza.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lieu-hamas-va-israel-co-chap-thuan-ke-hoach-hoa-binh-do-my-de-xuat-o-gaza-20240602195915398.htm