Liệu pháp miễn dịch thắp niềm hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan
'Liệu pháp miễn dịch được thực hiện thông qua việc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, đang trở thành một lựa chọn quan trọng trong điều trị ung thư gan'.
Bài viết của BS.CKII Phạm Thị Quế (Khoa Nội 4, Bệnh viện K) về vai trò đặc biệt quan trọng của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư gan.
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là tổn thương ác tính của các tế bào biểu mô nhu mô gan. Trên thế giới, theo số liệu Globocan 2020, ung thư gan đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc và thứ 3 về nguyên nhân tử vong do các bệnh ung thư hàng năm. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng thứ nhất về cả tỷ lệ mắc và tử vong, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 29,42%.
Dấu hiệu nhận biết ung thư gan
Nguyên nhân của bệnh có liên quan rõ rệt với virus viêm gan B (70%), ung thư gan thường xuất hiện trên nền gan xơ làm cho việc điều trị khó khăn và tiên lượng của bệnh nhân ung thư gan xấu đi.
Ung thư gan thường được chẩn đoán muộn vì 2 lý do: không có triệu chứng ở bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn sớm; và sự giám sát không đầy đủ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Kết quả có nhiều bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn muộn tại thời điểm chẩn đoán, điều này gây nên gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế.
Có nhiều đặc điểm lâm sàng khác nhau ở bệnh nhân mắc ung thư gan, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng liên quan đến khối u đặc biệt những người phát hiện ung thư gan ở giai đoạn đầu. Những bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển có thể gặp những triệu chứng như sụt cân, đau bụng, vàng da, sờ thấy u bụng…., giai đoạn muộn trên nền xơ gan mất bù có thể gặp cổ chướng, nôn ra máu…
Phương tiện chẩn đoán ngày nay đã có nhiều tiến bộ, chẩn đoán xác định dựa vào chỉ dấu huyết thanh alpha-fetoprotein (AFP) tăng cao> 400ng/mL, hình ảnh đặc hiệu khối u gan trên MRI/CTscan, tiền sử viêm gan virus... Những trường hợp nghi ngờ có thể sinh thiết gan chẩn đoán mô bệnh học.
Vì sao bệnh nhân ung thư gan được chỉ định thuốc điều trị đích?
Ung thư gan có thể được điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh gan đi kèm.
Ở giai đoạn sớm có thể ghép gan, phẫu thuật cắt thùy gan, điều trị tại chỗ như nút mạch hóa chất, vi sóng, tiêm cồn….
Còn trong giai đoạn tiến triển khi bệnh đã lan ra ngoài gan (xâm lấn mạch máu, di căn xa) hoặc không phù hợp với điều trị tại chỗ, bệnh nhân được nhận phương pháp điều trị toàn thân. Các tác nhân hóa trị độc tế bào thông thường hầu như không được chỉ định điều trị, do tỷ lệ biểu hiện cao các gen kháng thuốc của khối u gan. Lúc này, liệu pháp nhắm mục tiêu phân tử (điều trị đích) được chỉ định điều trị cho bệnh ở giai đoạn này.
Từ năm 2009, tại Việt Nam các thuốc kháng TKIs sorafenib, tiếp đến là lenvatinib được phê duyệt cho điều trị bước 1, regorafenib bước 2 HCC giai đoạn tiến triển.
Các nghiên cứu và thực hành lâm sàng trên thế giới đã cho thấy, kết quả sống thêm toàn bộ của bệnh nhân ung thư gan được cải thiện, có ý nghĩa so với chỉ chăm sóc hỗ trợ đơn thuần.Tuy nhiên kết quả này vẫn còn khiêm tốn.
Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư gan
Liệu pháp miễn dịch được thực hiện thông qua việc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, đang trở thành một lựa chọn quan trọng trong điều trị ung thư gan. Các liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn mà chưa được điều trị toàn thân trước đó hoặc đã điều trị với liệu pháp đích.
Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm hơn 35% tiến triển bệnh hoặc tử vong so với liệu pháp điều trị đích. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống thêm cho 50% bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn với nhóm bệnh nhân châu Á có thể lên tới 2 năm. Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thường trải qua ít tác dụng phụ hơn so với các phương pháp truyền thống như hóa trị...
Bên cạnh đó, liệu pháp miễn dịch không chỉ có hiệu quả trong điều trị ung thư gan mà còn trong nhiều loại ung thư khác như: ung thư phổi, ung thư vú, và ung thư đại trực tràng…
Năm 2019 thành công của nghiên cứu IMBrave150 kết hợp giữa thuốc miễn dịch Atezonizumab và thuốc kháng sinh mạch Bevacizumab điều trị bước 1 ung thư gan đã cho kết quả sống thêm toàn bộ vượt trội so với sorafenib (19,2 tháng sv 13,4 tháng). Phác đồ đã chứng minh được tính hiệu quả và tiềm năng lớn trong việc kiểm soát và giảm tiến triển của bệnh.
Qua các nghiên cứu và thực hành lâm sàng tại bệnh viện K, liệu pháp miễn dịch đã góp phần gia tăng thời gian sống thêm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư gan. Tuy nhiên chi phí điều trị vẫn còn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam, nhiều bệnh nhân chưa tiếp cận được với liệu pháp này.
Gần đây Bộ Y tế đã phê duyệt các chương trình hỗ trợ thuốc miễn dịch cho bệnh nhân ung thư gan tại một số bệnh viện, trong đó có bệnh viện K. Điều này đã góp phần giúp giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình, có nhiều hơn bệnh nhân được tiếp cận với liệu pháp tiên tiến này.
BS.CKII Phạm Thị Quế
(Khoa Nội 4, Bệnh viện K)